Hơn 3.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới

PV.

Thực hiện “Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, nhân dân cả nước đã chung sức xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết ngày 31/12/2017, cả nước có 3.069 xã (chiếm tỷ lệ 34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là tạo nền tảng tốt cho nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại nhiều tỉnh, thành phố người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt và từng bước chuyển hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang lo cho việc chung của cộng đồng, thôn xóm…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã (chiếm tỷ lệ 34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn); có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 13 huyện (vượt mục tiêu phấn đấu năm 2017 có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).

Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành văn bản để cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia, bình quân đạt 14,25 tiêu chí/xã, tăng 0,07 tiêu chí so với cuối năm 2017.

Tính đến ngày 31/12/2017, cả nước đã có 4.850 xã đạt tiêu chí giao thông; 7.611 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 4.983 xã đạt tiêu chí trường học; 4.681 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 6.330 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư... So với cuối năm 2016, cả nước có 62,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập (tăng 2,8%); 94,8% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm (tăng 5,3%)…

Năm 2017, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp. Đến nay, đã có 27 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn…

Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 đạt khoảng 269.561 tỷ đồng, trong đó, số vốn chiếm ưu thế nhất là từ vốn tín dụng đạt 158.420 tỷ đồng (chiếm 58,8% tổng nguồn vốn); Huy động đóng góp của nhân dân và cộng đồng chỉ chiếm 7%, với 18.959 tỷ đồng.

Như vậy, tất cả những hoạt động tích cực trong xây dựng nông thôn mới đang lan tỏa tới nhiều địa phương trên cả nước, tạo tiền đề thuận lợi để các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.