Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Phạm Thị Thu Oanh

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sẽ tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng. Những tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phân tích những thuận lợi và khó khăn, thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng và ngành nghề kế toán, kiểm toán nói chung.

Cơ hội và thách thức đặt ra đối với lĩnh vực kế toán – kiểm toán

Thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), cũng giống như các ngành nghề kinh doanh khác, kế toán, kiểm toán đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, cụ thể:

Một số cơ hội 

- Mở rộng phạm vi công việc: Thành tựu của cuộc CMCN 4.0 với hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Theo đó, kế toán viên, kiểm toán viên (KTV) tại Việt Nam có thể thực hiện các phần hành công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới.

Ngược lại, các kế toán viên, KTV ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kế toán, kiểm toán của doanh nghiệp (DN), tổ chức tại Việt Nam.

- Tiếp cận với công nghệ kế toán, kiểm toán quốc tế: Việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới sẽ mở ra cơ hội tốt để ngành Kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp.

Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiệm cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế. Chẳng hạn, thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, KTV có thể thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được.

Khó khăn, thách thức

Thứ nhất, vướng mắc trong áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng, thông tin tài chính đòi hỏi phải minh bạch, tin cậy và được trình bày theo chuẩn mực quốc tế.

Hơn nữa, trong giai đoạn khởi phát, với việc tạo ra cấu trúc mới của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, kỹ thuật số... cuộc CMCN 4.0 đã tác động nhất định đến chu trình và phương pháp kế toán, kiểm toán.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam - VAS (gồm 26 chuẩn mực) mặc dù đã được xây dựng theo các chuẩn mực kế toán quốc tế - IAS và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế cũng như tình hình DN Việt Nam. Tuy nhiên, giữa VAS và IAS/IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) hiện nay vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của kế toán, kiểm toán Việt Nam.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống này được biểu hiện cụ thể ở nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính lập theo IFRS được đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu, nhưng lập theo VAS lại ghi là theo giá gốc, điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của DN chưa phản ánh đúng như diễn biến thực tế của thị trường…

Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) thống kê, hiện nay có 116/140 quốc gia được khảo sát đã yêu cầu các công ty niêm yết áp dụng IFRS, số còn lại cũng đã cho phép áp dụng IFRS.

Các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như G20, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Hội đồng ổn định tài chính quốc tế và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán đã ủng hộ và hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là 1 trong 10 nước đứng bên ngoài cam kết này, do vậy, về lâu dài, cần thiết phải thống nhất VAS và IFRS, nếu chúng ta muốn nói chung một ngôn ngữ kế toán với thế giới, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư…

Thứ hai, thiếu hụt lao động chất lượng cao: Về chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam tuy đã sẵn sàng hội nhập kinh tế nhưng số lượng và chất lượng mang tầm quốc tế vẫn là vấn đề cần cải thiện.

Tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 4 nghìn kế toán viên, KTV có chứng chỉ hành nghề (chiếm 2% trong tổng số 196 nghìn kế toán viên, KTV toàn khu vực ASEAN); Có 150 DN cung cấp dịch vụ kiểm toán, phục vụ trên 40 nghìn khách hàng (bao gồm DN trong và ngoài nước) và trên 100 tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán với trên 10 nghìn lao động.

Thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ thâm hụt về số lượng, mà còn thâm hụt về chất lượng đội ngũ người làm kế toán, kiểm toán. Việc đào tạo kế toán, kiểm toán mặc dù đã được quan tâm nhưng kế toán viên, KTV đạt chất lượng quốc tế, có đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn làm việc trong môi trường cạnh tranh hiện nay vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Hội KTV hành nghề Việt Nam thống kê, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, kiểm toán chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh.

Thứ ba, kỹ năng mềm của người lao động còn yếu: Khảo sát của tổ chức tuyển dụng Navigos Search cho thấy, nhu cầu sử dụng ngôn ngữ quốc tế, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, lối tư duy phản biện – giải quyết vấn đề ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, các lao động đã qua đào tạo của Việt Nam mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu… nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm (như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ…), tính tuân thủ kỷ luật chưa nghiêm...

Thứ tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật còn hạn chế: Tại Việt Nam, công tác kế toán, kiểm toán hiện nay chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt, do vậy, về lâu dài nếu kế toán viên, KTV không am hiểu về công nghệ, sẽ khó khăn trong thực hiện các phần hành công việc.

Khảo sát thực tế cho thấy, kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các kế toán viên, KTV hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều; Công tác đào tạo cũng chỉ mới dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo...

Một số giải pháp để xuất, khuyến nghị

Về phía cơ quan quản lý

Thứ nhất, cần tập trung kiện toàn hành lang pháp lý, cụ thể: Đến năm 2020, ban hành chuẩn mực VAS/VFRS theo hướng cập nhật và tiệm cận chuẩn mực quốc tế.

Đến năm 2025, áp dụng IFRS theo 3 cấp độ: Các công ty có lợi ích công chúng thực hiện IFRS nguyên mẫu; các công ty khác áp dụng VAS/VFRS; DN nhỏ và vừa thực hiện chế độ kế toán dành cho DN nhỏ và vừa. Việc áp dụng hoàn toàn IFRS sẽ giúp kế toán, kiểm toán Việt Nam mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính.

Thứ hai, cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, nhất là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây…

Thứ ba, cần có các quy định để hỗ trợ DN trong các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cũng như xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán lành mạnh, bền vững; Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

Về phía các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán

Áp dụng đúng chính sách, chế độ quy định của Nhà nước. Đồng thời, đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập; Tăng cường công tác đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ số theo nhu cầu thị trường…

Về phía các cơ sở đào tạo

Thứ nhất, cần có những thay đổi trong quan điểm đào tạo. Đào tạo không xuất phát từ những gì mình có, mà phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của thời đại công nghệ số, đó là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.

Thứ hai, chú trọng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán phù hợp với xu thế phát triển thế giới. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nên rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán.

Chương trình đào tạo được xây dựng phải đảm bảo yêu cầu hội nhập và giao thoa về chất lượng với chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, phù hợp với chương trình đào tạo của các hội nghề nghiệp nhằm hướng đến sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo về chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ.

Trường Đại học Oxford Brookes là trường hợp ví dụ, đây là 1 trong 5 trường đầu bảng theo xếp hạng của Tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo QAA, đã chính thức hợp tác với ACCA, qua đó cho phép học viên của ACCA nhận bằng cử nhân sau khi hoàn thành 9 môn đầu của chương trình ACCA này và bằng cử nhân này được công nhận bởi QAA. Điều này giúp cho các nhà tuyển dụng hoàn toàn yên tâm về chất lượng của các ứng cử viên là hội viên hoặc học viên ACCA.

Tại Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2011 đã ký hợp tác với ACCA về chương trình đào tạo kế toán cho sinh viên, theo đó sẽ đưa 5/14 môn học ACCA vào nội dung đào tạo cho sinh viên năm 3 và năm 4 Khoa Kế toán – Kiểm toán dưới sự hỗ trợ giáo trình và giảng viên từ Trung tâm Đào tạo Smart Train.

Thứ ba, phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, tổ chức đào tạo cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.

Thứ tư, chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Phát triển việc dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm.

Thứ năm, thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các DN trong và ngoài nước. Trong thời đại CMCN 4.0, việc thiết lập các mối quan hệ với các DN ngày càng mở rộng không chỉ với các đơn vị trong nước mà cả ngoài nước, bởi điều đó giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt cho yêu cầu của DN.

Về phía kế toán và kiểm toán viên

Trong cuộc CMCN 4.0, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng nó cho phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc.

Một phương tiện không thể thiếu đối với mỗi kế toán, KTV trong hiện tại và tương lai đó là ngôn ngữ quốc tế. Cơ hội sẽ ngày càng mở rộng cho những đội ngũ kế toán – KTV đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới như: ACCA, CMA, CIA…

Những chứng chỉ này có thể giúp kế toán – KTV Việt Nam mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.       

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (2016), Xu hướng toàn cầu của ngành kế toán, kiểm toán và tài chính và Chiến lược của Việt Nam đến 2020, Tài liệu hội thảo Hội thảo quốc tế (6/2016);

2. The Association of Chartered Certified Accountants (8/2017), Professional accountant – the future(Generation next): Ethics and trust in a digital age;

3. The Association of Chartered Certified Accountants (3/2017), Professional accountant – the future(Generation next): Managing talent in finance shared services;

4. Một số website: tapchitaichinh.vn, xuatkhaulaodongnhat.vn, thesaigontimes.vn, hpu.edu.vn…