Khoa học, công nghệ - Động lực phát triển

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Khoa học, công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, khoa học, công nghệ đã đạt được nhiều kết quả, nhưng cũng còn những hạn chế, bất cập cần giải quyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ xa xưa, cha ông ta đã chỉ rõ hiền tài là nguyên khí của quốc gia, “phi trí bất hưng”... Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III cách đây trên nửa thế kỷ, Đảng ta đã đề cập đến 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Các Nghị quyết tiếp tục sau đó cho đến nay, khoa học, công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội...

Để phát triển kinh tế - xã hội, ở đầu vào cần có tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp. Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam phong phú về chủng loại, nhưng trữ lượng không lớn; việc khai thác sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn, tốn kém hơn và việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đã đặt ra cấp bách. Vốn đầu tư là yếu tố mà Việt Nam còn thiếu nhất, do hiệu quả kinh tế còn thấp, phần tích luỹ (tiết kiệm)/GDP chưa cao, nên vốn đầu tư/GDP luôn luôn vượt phần tích lũy trong nước/GDP (năm 2007 là 44,04% so với 33,72%, năm 2008 là 44,03% so với 31,9%, năm 2009 là 43,61% so với 29,23%, năm 2010 là 41,5% so với 30,7%, năm 2011 là 40% so với 30,5%).

Việc dựa vào vốn đầu tư như vậy thường dẫn đến ba hậu quả: Thứ nhất là gây bất ổn vĩ mô, trong đó rõ nhất là làm bội chi ngân sách, phải vay nợ nước ngoài để bù đắp cho chênh lệch giữa vốn đầu tư so với tích luỹ trong nước. Thứ hai là gây ra lạm phát cao, lặp đi lặp lại và kéo dài. Thứ ba là chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng kinh tế sẽ không bền vững. Việt Nam có số lượng lao động rất đông đảo, nhưng do tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, trong cơ cấu lao động, tỷ trọng số đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản còn lớn, nhưng lại có năng suất lao động thấp nhất trong 3 nhóm ngành..., nên năng suất lao động xã hội của Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), bao gồm hiệu quả vốn đầu tư, năng suất lao động, dựa trên sự phát triển của khoa học, công nghệ. Do vậy, TFP có vai trò quan trọng về nhiều mặt khi vừa liên quan đến trí tuệ của con người cùng các chính sách để đào tạo, thu hút, sử dụng, mở cửa hội nhập với thế giới... Đồng thời liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, đến phát triển bền vững... Ngoài ra, việc nâng cao TFP không chỉ khai thác được nguồn lực ở trong nước, mà còn thu hút được khoa học-công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu tiến tới xuất siêu...

Kết quả về khoa học, công nghệ thể hiện trên hai mặt chủ yếu.

Thứ nhất, đó là sự đóng góp của bản thân khoa học, công nghệ đối với sự phát triển của đất nước.

Khoa học xã hội đã có đóng góp lớn trên nhiều mặt, trong đó có một số mặt tổng quát và chủ yếu. Rõ nhất là các nghiên cứu trong lĩnh vực này làm căn cứ để hình thành đường lối đổi mới và đã có những tác động sâu rộng, lớn lao tới toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Cốt lõi của việc đổi mới là chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp hiện vật sang cơ chế thị trường, khai thác các nguồn lực của các thành phần kinh tế. Tiếp nối với việc phát triển các thành phần kinh tế ở trong nước là việc mở cửa hội nhập với thế giới, với phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá. Nhờ vậy, đất nước đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; từ năm 2010 đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình.

Khoa học tự nhiên đã góp phần nâng cao trình độ và năng lực của khoa học cơ bản. Khoa học kỹ thuật và công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt khá cao, đưa hàng hoá Việt Nam đến hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu sản phẩm khoa học-công nghệ tăng khá.

Thứ hai, hoạt động khoa học-công nghệ có bước tiến bộ về tiềm lực, về quản lý Nhà nước, về hệ thống pháp luật, về thị trường khoa học-công nghệ, về hợp tác quốc tế.

Tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đã tăng lên. Tỷ trọng người làm chuyên môn kỹ thuật trong tổng số lao động đang làm việc đã tăng lên từ dưới 8,5% năm 2009 lên gần 10% năm 2012, trong đó người làm chuyên môn kỹ thuật bậc cao đã tăng từ 4,65% lên 5,33%. Chỉ riêng về xây dựng nhà cửa vượt cao lên gấp nhiều lần, nhiều công trình ngầm sâu, vượt xa... đều là kết quả của khoa học-công nghệ.

Hạn chế, bất cập cần giải quyết

Bên cạnh những kết quả tích cực, về khoa học, công nghệ hiện cũng có những hạn chế, bất cập.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá... đã đề cập đến những hạn chế bất cập của hoạt động khoa học-công nghệ. Hoạt động khoa học, công nghệ nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các hạn chế, bất cập được thể hiện ở một số mặt như về đầu tư, huy động nguồn lực của xã hội và hiệu quả đầu tư; về đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ; về cơ chế quản lý về quy hoạch, kế hoạch phát triển; về cơ chế tài chính; về thị trường; về hợp tác quốc tế.

Nếu nhìn về các lĩnh vực, cũng còn những hạn chế, bất cập cụ thể. Khoa học xã hội và nhân văn còn “nợ” nhiều câu hỏi, như thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thế nào là tư bản tư nhân, những tiêu chí nào và thống kê ra sao; bẫy thu nhập trung bình cần tránh gồm những nội dung và giải pháp gì; thế nào là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thế nào là chủ đạo...? Khoa học tự nhiên có liên quan đến trình độ, năng lực của khoa học cơ bản nhưng việc đánh giá chưa cụ thể. Khoa học kỹ thuật và công nghệ tác động đến việc chuyển đổi chất lượng nông, lâm-thủy sản, đến tính gia công của công nghiệp chưa nhiều, đến năng suất lao động, hiệu quả đầu tư... Ngay hiệu quả của đầu tư (ICOR), tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo, TFP và tỷ trọng đóng góp của nó hiện cũng chưa có số liệu công bố chính thống...

Đồng thời cần xác định, thống nhất một số chỉ tiêu có tính định lượng về mức độ đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ lao động đang làm việc được đào tạo; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ; số cán bộ khoa học-công nghệ nghiên cứu và phát triển.