Kì vọng kiều hối vượt đích

Trang Trần

(Tài chính) Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra thông cáo dự báo: Lượng kiều hối năm 2013 của các nước đang phát triển sẽ đón nhận là hơn 410 tỉ USD, trong đó Việt Nam vẫn sẽ nằm trong Top 10 nước tiếp nhận nhiều nhất nguồn vốn này.

Năm 2013, Việt Nam sẽ nằm trong Top 10 nước tiếp nhận nhiều kiều hối nhất. Nguồn: internet
Năm 2013, Việt Nam sẽ nằm trong Top 10 nước tiếp nhận nhiều kiều hối nhất. Nguồn: internet

Tiếp tục trong Top 10…

WB nhận định, năm 2013, Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 10 nước nhận nhiều kiều hối nhất, với con số dự kiến là 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2012.

Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Hoài Nam - Phó Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á nhấn mạnh, lượng kiều hối năm 2013 về Việt Nam có thể sẽ vượt xa con số 10 tỷ USD mà năm 2012 đạt được trên phạm vi cả nước. Lượng kiều hối ghi nhận được trong 10 tháng đầu năm đã rất khả quan và xu hướng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm là những dấu hiệu tích cực tạo niềm tin vào kì vọng kiều hối cả năm 2013.

Thậm chí, theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm nay sẽ bứt phá, tăng 15 - 25% so với năm 2012 và cao hơn so với mức bình quân những năm gần đây.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Văn Thuận khẳng định, những năm vừa qua tốc độ kiều hối vẫn giữ ổn định, cứ năm sau cao hơn năm trước. Gần đây, Hàn Quốc và Đài Loan đã mở lại thị trường lao động cho Việt Nam, kì vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn, nhờ vậy làm tăng đột biến kiều hối.

Về dài hạn, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng dự báo, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tiếp theo, khi tình hình kinh tế Mỹ và các thị trường khác hồi phục trở lại. Nguồn kiều hối tăng sẽ tác động tích cực đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái của cả nước trong thời gian tới.

Lợi thế để hút vốn

Lượng kiều hối cao và được dự báo sẽ tiếp tục tăng là nhờ các dịch vụ chuyển kiều hối năm nay cải thiện và đa dạng hơn rất nhiều, phương thức chuyển cũng được cải tiến theo hướng thuận tiện cho người gửi và nhận…

Hiện tại, một số ngân hàng, công ty kiều hối đã đưa ra những chiến lược mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết các dịch vụ chuyển tiền ở những thị trường có mật độ người lao động Việt Nam cao. Tại đó đều có các giao dịch viên người Việt nhằm giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc thực hiện giao dịch. Hơn nữa, thời gian chi trả đã được rút ngắn, khách hàng có thể nhận tiền ngay trong ngày. Đó là những dấu hiệu tích cực góp phần khai thông lượng kiều hối về Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì người dân, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài đã thấy được hiệu quả của chính sách trong vấn đề quản lý ngoại hối, tỷ giá thời gian qua, đồng thời, năm 2013 đã có những tín hiệu lạc quan mới từ kinh tế vĩ mô, nên người dân cũng như Việt kiều ở nước ngoài cũng đã có niềm tin hơn. Đó là lí do lượng kiều hối năm nay tăng hơn so với bình quân các năm trước đây.

Không những thế, Việt Nam có lượng Việt kiều đông (gần 5triệu người) tập trung nhiều ở các nước phát triển, có thu nhập bình quân cao, trong đó có lượng lao động xuất khẩu lớn góp phần đáng kể trong lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm nay, lượng kiều hối được ghi nhận tăng trưởng tốt còn nhờ vào tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển đã giảm mạnh, hiện vào khoảng 4 - 5% so với mức 9 - 10% trước đây, nên cộng đồng người Việt tại nước ngoài có công việc ổn định, nguồn thu nhập dần được phục hồi. Đây là yếu tố quan trọng để tăng nhanh lượng kiều hối đổ về Việt Nam vào những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Ngoài ra, kiều hối chuyển về Việt Nam chịu phí dịch vụ khá thấp so với các nước khác ở 0,05% trên khoản tiền, tối đa 200 USD. Phí chuyển tiền về nước có thể bằng 0 trong trường hợp chuyển trong các chi nhánh của cùng ngân hàng cũng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng lượng kiều hối gửi về nước.

Nỗ lực đạt hiệu quả tối đa

Ông Dilip Ratha - Trưởng nhóm Di cư và Kiều hối thuộc ban Nghiên cứu Phát triển của WB nhận định, các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra nhiều cơ chế thuận lợi hơn nữa nhằm đạt hiệu quả tối đa của kiều hối bằng các biện pháp giúp quá trình chuyển tiền ít tốn kém hơn và lượng tiền được sử dụng hiệu quả hơn cho mỗi cá nhân và quốc gia nhận kiều hối.

Theo đó, cần ổn định chính sách tỷ giá, qua đó khách hàng sẽ yên tâm rút bằng đồng Việt Nam và ngân hàng cũng có được nguồn ngoại tệ để phục vụ cho các nhu cầu khác. Khi tỷ giá ổn định, mức phí rút kiều hối Ngân hàng Nhà nước cũng dễ dàng quản lý hơn.  

Về phía các ngân hàng, thông thường, kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm (giáp Tết Nguyên Đán), vì vậy, ngân hàng cần có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn kịp thời dành cho khách hàng nhận tiền gửi từ nước ngoài nhằm kích thích, thu hút kiều hối tăng mạnh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần chú trọng trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối, đưa ra nhiều giải pháp chiến lược, đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kiều hối với mức phí tối thiểu nhằm tăng tính cạnh tranh và tạo thuận lợi cho khách hàng.

Với những điều kiện thuận lợi cùng triển vọng kiều hối được đánh giá cao năm 2013 sẽ mang lại giá trị gia tăng cho ngân hàng thương mại, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể vay được vốn giá rẻ để đầu tư sản xuất kinh doanh, làm tăng dự trữ quốc gia và tạo nguồn lực trực tiếp góp phần xây dựng, củng cố, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và phát triển kinh tế - xã hội.

WB cũng đã từng chỉ ra rằng, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, lượng kiều hối có thể xem là một nguồn ngoại tệ giúp các quốc gia vượt qua thách thức. Thực tế này đã được chứng minh tại các nước đang phát triển như Philippines, Indonesia và Ấn Độ.

Theo công bố của Bộ ngoại giao, năm 2012, Việt Nam đứng thứ 7 về thu hút kiều hối trên thế giới, với số tiền 10 tỷ USD. Thêm vào đó, năm 2013, lượng kiều hối chảy về nước tiếp tục tăng bất chấp kinh tế thế giới có nhiều khó khăn cũng thể hiện mối gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc, thể hiện tình cảm của kiều bào đối với người thân và quê hương, đất nước.