Kỳ vọng lạm phát và cái giá phải trả

Theo Kinh tế và Dự báo

Những năm gần đây, kiềm chế lạm phát luôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cái “giá phải trả” cho việc này là mức tăng trưởng GDP lại ở mức thấp, cùng những hệ lụy không mong muốn kéo theo. Vậy làm sao để có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ “lạm phát – tăng trưởng”?

Chủ đề này đã được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Dự án StarPlus USAID và Tổng công ty Bảo hiểm Quân Đội tổ chức, ngày 21/5, tại Hà Nội.

Không nên kỳ vọng mức lạm phát quá thấp

Thực trạng kinh tế Việt Nam hơn hai thập kỷ qua cho thấy, lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch. Ngưỡng lạm phát của Việt Nam cũng nằm trong ngưỡng của các nước đang phát triển, tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trong thời gian dài đã gây nên lạm phát, từ đó lạm phát tác động trở lại làm giảm tăng trưởng.

Thứ trưởng Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế và Đầu tư nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có những giai đoạn lạm phát cao, tăng trưởng thấp và có cả giai đoạn lạm phát vừa phải song vẫn thúc đẩy được tăng trưởng. Song hiện nay, nền kinh tế đang đứng trước áp lực tăng trưởng việc làm trong bối cảnh kinh tế đi xuống, lạm phát không tăng lên được (theo chỉ số giá).

Theo TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, đối với những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc chấp nhận mức lạm phát cao hơn là một điều tất yếu. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng quá cao lại có tác dụng ngược lại, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Theo thống kê về diễn biến lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% từ năm 2000-2003 thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định. Nhưng khi lạm phát xấp xỉ hoặc ở mức hai con số, từ năm 2007-2011, tăng trưởng lại có xu hướng chững lại và giảm xuống.

Kỳ vọng lạm phát và cái giá phải trả - Ảnh 1

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như: giảm cung tiền, tái cơ cấu đầu tư, giảm tín dụng... để kiềm chế lạm phát, song các biện pháp này đều mang tính chất tình thế với khả năng gây ra bất ổn của chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Vị giám đốc đứng đầu Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, kiểm soát lạm phát của Việt Nam những năm 90 khá tốt, nhưng các năm gần đây lạm phát chưa ổn định. Trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, chúng ta cũng không nên kì vọng mức lạm phát quá thấp với nền kinh tế đang phát triển. Chúng tôi cho rằng xác định lạm phát của Việt Nam thời gian tới cần tính đến các yếu tố về tăng trưởng để cho nó hài hòa, cũng không nên để lạm phát quá thấp để giá phải trả là tỉ lệ tăng trưởng thấp.

Tiếp cận góc độ khác, bà Phạm Thị Thu Trà, Chuyên viên kinh tế cao cấp USAID/STARPLUS đề cập đến kỳ vọng lạm phát và cái giá phải trả cho giảm lạm phát ở Việt Nam.

Theo bà Trà, Việt Nam là nền kinh tế dưới tiềm năng với lực lượng lao động dôi dư và tài nguyên khai thác thiếu hiệu quả. Niềm tin của xã hội về kỳ vọng lạm phát không cao nên cái giá phải trả cho việc giảm lạm phát sẽ không nhỏ. Khi người dân, doanh nghiệp... vẫn nghi ngờ về chính sách, thì mục tiêu giảm lạm phát sẽ kéo dài dai dẳng và tốn nhiều công sức, của cải.

Hầu hết các tham luận cũng thống nhất, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao của Việt Nam trong thời gian qua là tập trung nhiều đến cung tiền cho chính sách kích cầu. Bên cạnh đó, chính sách kỳ vọng lạm phát sẽ đòi hỏi chi phí phải trả, mà hàm ý ở đây là tăng trưởng.

Cần chọn ưu tiên đột phá

Tại hội thảo, bên cạnh các giải pháp chính sách tiền tệ, tài khóa, các diễn giả cũng nhấn mạnh hơn vào các giải pháp phi tiền tệ. Theo trường phái trọng cung, Việt Nam cần tìm nguồn lực tái cơ cấu đồng thời hướng ưu tiên vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh.

TS. Đào Văn Hùng đưa ra một số kiến nghị chính sách, như về dài hạn, Việt Nam phải đạt đồng thời cả hai mục tiêu tăng trưởng cao và lạm phát thấp, song trong ngắn hạn và trung hạn, rất khó có thể điều hành để đạt cả hai mục tiêu này.

Trong điều kiện doanh nghiệp đang rất khó khăn, thất nghiệp cũng tăng cao, nếu Chính phủ ưu tiên cho tăng trưởng để đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra từ 7-7,5%/năm thì phải chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu.

Chính phủ cần phải chọn khâu ưu tiên đột phá và lộ trình tái cơ cấu kinh tế trong điều kiện nguồn lực tài chính quốc gia hạn hẹp. Thêm vào đó, cần phải có một cơ quan thực hiện chức năng phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ độc lập với Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính.

“Để kiểm soát lạm phát cơ cấu và tăng trưởng bền vững thì đầu tiên phải tái cơ cấu chức năng phân bổ vốn, chức năng sàng lọc và giám sát bằng đồng tiền của hệ thống tài chính hiện hành. Đổi mới chính sách tài chính để đảo ngược dòng vốn của xã hội từ chính sách kích cầu tài chính sang chính sách kích thích vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh,” ông Hùng phân tích.

Trong những năm tiếp theo, các diễn giả cùng chung nhận định, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, TS. Lưu Bích Hồ dự báo, tình hình khó khăn có thể kéo dài sang năm 2015, hiện tại lạm phát vẫn chưa được kiểm soát vững chắc vì để tạo cả cầu và cung cho tăng tưởng, sẽ phải tăng mạnh đầu tư mà chưa đạt hiệu quả cần thiết.

Giảm mạnh lãi suất tín dụng, vẫn có khả tăng lạm phát đồng thời do hạn chế về thị trường và hấp thụ tín dụng, nợ xấu khó giải quyết, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi.

Do đó ông Lưu Bích Hồ nhận định, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 5-6%, nhưng lạm phát phải kiên quyết giữ ở mức dưới 2 con số, tốt nhất khoảng 7-8%/năm rồi kéo xuống 5-6% khi đã đẩy được tăng trưởng lên cao hơn. Hoạt động tái cơ cấu kinh tế còn chậm vì có quá nhiều cản trở, mà càng chậm thì ổn định và tăng trưởng càng khó thoát ra khỏi vùng trũng.