Làm gì để Việt Nam không trở thành "bãi rác" của thế giới?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Điểm quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước thì mới ngăn chặn được việc “nhập khẩu rác” vào Việt Nam. Còn chỉ có một thông tư như này mà hy vọng Việt Nam không trở thành “bãi rác” của thế giới thì là điều viển vông...

 Làm gì để Việt Nam không trở thành "bãi rác" của thế giới? - Ảnh 1
Ông Nguyễn Mại
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài với phóng viên xung quanh dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN).

Phóng viên: Bộ KHCN đang soạn dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải ra đời thông tư này, vì không chỉ khiến DN bị làm khó mà còn “đẻ” ra thêm những thủ tục phức tạp không cần thiết. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Mại: Đáng lẽ từ 1/9/2014 thông tư sửa đổi Thông tư 20 này đã có hiệu lực thi hành, nhưng sau đó do góp ý của nhiều đơn vị, DN nên Bộ KHCN đã xin ngừng lại và Thủ tướng đã quyết định dừng lại để tiếp tục chỉnh sửa.

Tuy nhiên, theo tôi, có nên ra đời một thông tư như thế này không thì phải xem xét các quy định trong các văn bản pháp luật khác, nếu đã đủ để bảo đảm và không cần thiết phải sửa đổi thì dừng lại. Đơn cử, dự thảo thông tư này đã loại bỏ các danh mục máy móc mà Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành.

Về phía Bộ Y tế, bộ này cũng có một danh mục nhập khẩu thiết bị cũ, và tôi chắc rằng rất nhiều Bộ khác cũng đã có rồi. Hơn nữa, các thông tư về đầu tư công đã quy định rất chặt chẽ về quy trình nhập khẩu thiết bị đối với các DN nhà nước. Như vậy, có thêm một thông tư như của Bộ KHCN đang lấy ý kiến tôi cho là không cần thiết.

Thêm nữa, trong thông tư này để xác định thế nào là thiết bị cũ được nhập khẩu chỉ dựa vào hai tiêu chí: hoặc thời gian sử dụng không quá 10 năm, hoặc chất lượng còn lại từ 80% trở lên là những tiêu chí “mơ hồ” và không khả thi.

Tiêu chí thời gian sử dụng không quá 10 năm thì có thể tính được, nhưng tiêu chí chất lượng còn lại trên 80% thì tôi được biết ngay cả cơ quan hải quan hay kiểm tra chất lượng họ cũng bảo không thể nào giám định được. 

Chưa kể, nếu chỉ dựa vào tiêu chí chất lượng còn lại trên 80%, tôi cho rằng rất dễ tạo nên những tiêu cực. Một trường hợp tôi đã từng chứng kiến hồi tôi còn làm ở Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư, khi đó Khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng) hôm trước vừa bị Nhật Bản từ chối không cho nhập thiết bị cũ vì chất lượng còn lại mới đạt 60% (ngày đó theo quy định là chất lượng còn lại phải đạt từ 70% trở lên), nhưng hôm sau gặp họ nói đã nhập được rồi vì chỉ cần một cái “phong bì nặng” là lên 70% thôi.

Qua đó, tôi cho rằng, nếu như ra đời thêm một thông tư mà những quy định lại dễ dàng tạo nên những tiêu cực như vậy thì không nên.

Thực tế, đáng lẽ thông tư này có hiệu lực từ 1/9/2014 rồi, nhưng đã qua 6 tháng mà không có thông tư này cũng không sao cả. Bởi vậy, tôi cho rằng Bộ KHCN xem xét có cần thiết phải có thông tư này không trong khi các thông tư và luật khác đã điều chỉnh được việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ và đỡ làm khó cho DN cũng như tránh tạo ra thêm những thủ tục hành chính.

Nhưng nếu không có thông tư này thì có "e ngại" liệu Việt Nam có trở thành “bãi rác” của thế giới hay không, thưa ông?

Chúng ta luôn phải đề phòng. Nhưng như chúng ta đã biết kinh nghiệm của Thái Lan. Họ không kiểm soát khi nhập khẩu, nhưng khi đưa vào sử dụng, nếu vi phạm luật về môi trường, chất lượng, an toàn thì tịch thu hoặc tiêu hủy.

Và rõ ràng, Thái Lan cũng đâu có trở thành “bãi rác” của thế giới, thậm chí trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay với công nghiệp phụ trợ thì Thái Lan đã tiến xa lắm rồi.

Cái chúng ta lo ngại nhất là làm thế nào để có những công nghệ thích hợp nhất, mà chúng ta không cần sử dụng những "bãi rác" ở bên ngoài. 

Thực tế chúng ta thấy trường hợp như ở Vinashine, Vinaline hay hơn 5.000 container bị “bỏ quên” ở các cảng biển là do sự "tự tung tự tác" của DN, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước. 

Đấy mới là rác thải, chứ chúng ta chỉ có một thông tư như này mà hy vọng Việt Nam không trở thành “bãi rác” của thế giới thì là điều viển vông.

Bởi vậy, tôi cho rằng, điểm quan trọng nhất phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước từ cơ quan hải quan, cơ quan giám định chất lượng đến các bộ, ngành,… thì mới ngăn chặn được việc “nhập khẩu rác” vào Việt Nam, thay vì ra đời một thông tư “không có tác dụng”. 

Nếu có thông tư này thì việc thu hút đầu tư nước ngoài có bị hạn chế không, thưa ông?

Chắc chắn sẽ bị hạn chế vì họ phải làm những thủ tục hết sức phức tạp, mà người nước ngoài rất sợ bị “hành” vì thủ tục.

Về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang có cơ hội rất tốt. Đơn cử, năm 2014, Intel đã dời 2 nhà máy ở nước ngoài sang tập trung vào Việt Nam, sản xuất khoảng 80% chip cung cấp cho thế giới.

Hoặc Samsung đến nay đã đầu tư 11,2 tỷ USD vào Việt Nam và sẽ đầu tư lên 20 tỷ USD trong năm nay. Đồng thời lãnh đạo Samsung cho biết sắp tới sẽ chuyển một nhà máy từ Malaysia sang Việt Nam.

Hay như trường hợp của Trung Quốc, năm 2014, đã có 34 tỷ USD chuyển ra khỏi nước này, và một trong những nước mà các nhà đầu tư "nhắm" đến là Việt Nam. Nên nếu bây giờ chúng ta tạo ra thêm những rào cản thì rất có thể chúng ta sẽ không nhận được nguồn đầu tư nào.

Xin cảm ơn ông!