Làm sao để vực dậy kinh tế tư nhân?

PV.

(Tài chính) Trong khi kinh tế nhà nước phát triển chậm, khối kinh tế FDI vẫn trụ vững và có xu hướng mở rộng kinh doanh thì càng về cuối năm, số lượng các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn, thua lỗ càng nhiều.

Tính đến hết tháng 11/2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước đạt 6.829 doanh nghiệp với tổng vốn 37.595 tỉ đồng. Nguồn: internet
Tính đến hết tháng 11/2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước đạt 6.829 doanh nghiệp với tổng vốn 37.595 tỉ đồng. Nguồn: internet

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, tính đến hết tháng 11/2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước đạt 6.829 doanh nghiệp với tổng vốn 37.595 tỉ đồng.

Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động, trong tháng 11/2013 cũng lên tới trên 5.000, đẩy tổng số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2013 lên 54.932 doanh nghiệp, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có 8.857 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, 46.075 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, chúng ta có thể thấy số lượng gần 7.000 doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 11 chưa chắc đã đi vào hoạt động ngay. Nếu chỉ cần 50% số doanh nghiệp mới này đi vào hoạt động đạt kết quả, tăng trưởng khá cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế tư nhân phục hồi trở lại. Hơn nữa, nhìn vào số liệu doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng cho thấy khối ngành kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn trong khâu quản lý, vốn và một chiến lược dài hơi.

Chia sẻ trong hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa được tổ chức, GS. Nguyễn Mại đưa ra phân tích, 70% doanh nghiệp vẫn khó khăn, 20% thực sự rất khó khăn, chính xác là đang lỗ, lỗ triền miên. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm phần lớn.

Như vậy, nếu để tình trạng này diễn biến tiếp trong năm 2014, không chỉ kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước mà cả kinh tế FDI cũng gặp nhiều khó khăn do không đảm bảo tiêu chí ổn định kinh tế vĩ mô của nhà nước. Vậy, việc vực dậy kinh tế tư nhân vừa là giải pháp vừa là nhiệm vụ cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để làm được điều đó, trước hết cần đưa ra các giải pháp để cứu cánh cho kinh tế tư nhân:

Thứ nhất, tái cấu trúc kinh tế, phục hồi tăng trưởng kinh tế tư nhân. Đối với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ quá yếu thì cho phép ngừng hoạt động, giải thể; còn các doanh nghiệp có khả năng phục hồi được thì nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn, lãi xuất để vực dậy.

Đồng thời, tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ, do vậy cần có những chính sách cụ thể, thích hợp để cải thiện tình trạng này. Để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế, trước mắt ngoài việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục tài chính – ngân hàng và kinh tế quốc doanh thì việc tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân cũng là một trong những yếu tố qua trọng mà chúng ta phải làm.

Theo số liệu được công bố, tính chung 11 tháng, cả nước nhập siêu 96 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,3 tỷ USD song khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 12,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp lớn vào khu vực sản xuất công nghiệp trong nước.

Theo nguồn Tổng cục Thống kê thì vốn FDI trong 11 tháng qua tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,1 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đăng ký, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2 tỷ USD, chiếm 9,8%, các ngành còn lại đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 13%.

Theo các chuyên gia, những năm trở lại đây và đặc biệt là năm 2013 cả Chính phủ và doanh nghiệp đã nhìn nhận hoạt động tái cơ cấu là vấn đề bức thiết và nghiêm túc. Như vậy, cơ sở cải cách đã có nhưng đòi hỏi quyết tâm và kiên trì. Dấu hiệu tích cực và quyết tâm của Chính phủ được thể hiện rất rõ nét tại Nghị định 01, Nghị định 02 và Thông tư 09/TT-NHNN, cho thấy sự sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho kinh tế tư nhân phát triển. Có thể nói, đây là động lực và lối thoát lớn nhất trong hoạt động khôi phục nền kinh tế nội địa.

Thứ hai, có chính sách kích hoạt kinh tế tư nhân. Theo đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi, các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể đều do khâu quản trị yếu kém, quy mô vốn nhỏ và ngân hàng kiểm soát vốn vay chặt chẽ. Đây là những doanh nghiệp đầu tư vào ngành nghề không phải thế mạnh, vay nợ quá nhiều và không minh bạch.

Trong năm 2013, Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động như chính sách giảm thuế, hỗ trợ mặt bằng, hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng… Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì những chính sách của Chính phủ đến chậm, tác động chưa lớn.

Cụ thể như trong gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản. Số doanh nghiệp bất động sản trên sàn tiếp cận được đều cho biết thực sự gói đó có tác động rất ít để có thể giảm hàng tồn kho. Đặc biệt là khâu giải ngân vốn, sau 9 tháng tung ra thị trường, gói này mới giải ngân được có hơn 470 tỷ đồng, được hơn 1,6% như vậy là quá chậm. Trong khi đó, 95% doanh nghiệp bất động sản nằm trong số 70% khó khăn trong năm nay. Hơn nữa, việc xem lại chính sách kích hoạt bất động sản có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy kinh tế tư nhân, nếu làm thị trường này ấm lên thì hàng loạt xi măng, sắt thép, lao động có thể khôi phục được.

Như vậy, cùng với nhóm giải pháp tái cấu trúc lại nền kinh tế, chính sách ưu đãi để kích hoạt kinh tế tư nhân thông, những liều thuốc kích thích nền kinh tế phục hồi của Chính phủ được đưa ra, cùng với những tín hiệu lạc quan khi tổng sản phẩm quốc nội dần tăng, lạm phát giảm, chỉ số giá tiêu dùng được cải thiện hơn, chúng ta đang có nhiều kỳ vọng tin tưởng nền kinh tế trong nước sẽ có những bứt phá và duy trì đà tăng trưởng như dự báo trong năm 2014.