“Lổ hổng” trong cổ phần hóa doanh nghiệp

Theo motthegioi.vn

(Tài chính) Cổ phần hóa doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhưng phải làm gì, làm như thế nào để thực sự hiệu quả, có sản phẩm mới là điều người dân quan tâm. Bởi vì bất cứ vấn đề nào cũng có 2 mặt, không tấm huân chương nào không có mặt trái của nó.

“Lổ hổng” trong cổ phần hóa doanh nghiệp
Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa. Nguồn: internet
Sự cần thiết

DN nhà nước (DNNN) được ưu đãi nhiều mặt, vốn tín dụng chiếm 60% nhưng chỉ đóng góp vào GDP 30% là thấp. Đồng thời, các sai phạm, vi phạm, kể cả vấn đề đạo đức đã gây ảnh hưởng không tốt cùng số lỗ vẫn còn cao, theo công bố trên công luận là 16% dù vẫn chưa rõ con số thực sự, đấy là chưa kể nợ xấu...

Theo người viết hiểu, cổ phần hóa DNNN là thay đổi cơ cấu sở hữu tài sản DNNN nhằm 2 mục đích: một là đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, hai là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa mọi loại hình DN. Vế thứ hai là môi trường thúc đẩy DNNN làm ăn hiệu quả, không còn dựa vào các điều kiện ưu đãi nhờ vai trò dẫn đầu, đồng thời giúp cho các thành phần kinh tế khác phát triển năng động, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy hiệu quả kinh doanh phụ thuộc trước hết vào năng lực, phẩm chất của đội ngũ lãnh đạo đứng đầu. Các trường hợp xảy ra như vụ PMU 18, Vinashin, EVN… đã chứng minh thực trạng đó. Đầu tư ra ngoài ngành, hệ thống kiểm soát lỏng lẻo, kinh doanh thua lỗ là do người đứng đầu DN có những quyết định sai lầm (mang tính chất lợi ích nhóm, tham nhũng...)

Giám đốc điều hành Navigos Search đánh giá rằng, do thị trường nhân lực cấp cao ở Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu đã lâu chưa được khắc phục nên vẫn luẩn quẩn, khó tìm được nhân vật mới, xuất chúng, đặc biệt là các vị trí C-level như tổng giám đốc (CEO), giám đốc tài chính (CFO), giám đốc tác nghiệp (COO).

Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa

Cổ phần hóa là đem bán một phần quyền làm chủ DNNN cho tư nhân. Điều này chưa chắc đã biến DNNN thành DN tư nhân. Một cá nhân nào đó chỉ nắm 20% cổ phần trong khi từng cá nhân khác nắm cổ phần nhỏ thì cá nhân nắm 20% có thể điều hành được DN. Nếu Nhà nước vẫn nắm 50% thì DN đó vẫn là DNNN, ngay cả khi nắm ít hơn mà vẫn điều động DN thì theo định nghĩa quốc tế vẫn là DNNN.

Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa. Ở đây tư nhân và Nhà nước hợp doanh. Nó tạo ra sân chơi để hai bên "lạm dụng" nhau. Nhà nước hy vọng với vai trò của tư nhân sẽ điều hành khá hơn. Tư nhân nhảy vào muốn "lạm dụng" vai trò của Nhà nước để được hưởng nhiều lợi ích qua ảnh hưởng chính trị như vay vốn, thắng thầu, độc quyền…

Cho đến nay, người dân chưa thấy có nghiên cứu nào bảo rằng hợp doanh như trên sẽ đưa khu vực DNNN phát triển khá hơn và cái giá mà nền kinh tế phải trả sẽ là gì?

Không nên để DN tự quyết số phận

Liên quan đến việc tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành của DNNN, Thủ tướng chỉ đạo phải sốc lại và tái cơ cấu DNNN. DN nào không thông, chần chừ thì bộ, địa phương mời họ làm việc khác, chưa nói đến kiểm điểm nhưng tuyệt đối không đề bạt cao hơn.

Thủ tướng khẳng định thực tiễn cho thấy các DN được cổ phần đều làm ăn có lãi nhờ công khai minh bạch, ngăn chặn được tiêu cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải làm đồng bộ các giải pháp khác như nâng cao năng lực quản trị DN.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến, không thể để cho tập đoàn tự quyết định về số phận của mình, tự xem hoạt động nào là công ích. Lỗ hổng là cần một thể chế để buộc các DNNN, sau khi đã cổ phần hóa, phải chủ động tìm đường lao vào sản xuất kinh doanh (thuế, các khuyến khích hay ràng buộc của thể chế, những khuyến khích hoặc chế tài khác)…

Phải thay đổi tận gốc mới hiệu quả

Quan trọng nhất là cách tổ chức sao cho lao động có kết quả tối ưu cho mọi thành viên của xã hội. Cần rút kinh nghiệm bài học của Liên Xô cũ, đó là chuyên chính của Nomenklatura, mà tiêu chuẩn không phải là tài đức mà là sự móc nối về quyền lợi. Bài học kinh nghiệm ở Nga cũng phải tính tới khả năng các "tư bản đỏ" tham gia mua cổ phần DNNN thực chất là giúp cho các nhóm lợi ích nắm quyền điều hành kinh tế đất nước.

Nếu làm bài bản, khoa học về cổ phần hóa DNNN thì cần có một hội đồng thẩm định, thiết kế tiến trình xử lý, chọn lựa thực hiện trước ở một vài tập đoàn quan trọng, từ đó rút ra kinh nghiệm thực hiện ở những DN khác.

Nếu trước đó đã có kinh nghiệm, phải đánh giá lại tiến trình trước đây rồi thực hiện. Luôn luôn cần một hội đồng thẩm định. Hội đồng này ngoài chuyên gia chung, cần có nhiều chuyên gia ở các ngành khác nhau vì mỗi ngành có những đặc điểm riêng. Hội đồng phải có quyền cao hơn lãnh đạo tập đoàn về tiến trình cải cách...

Kiện toàn, nâng cao năng lực thực chất của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các DNNN theo đúng quy định của pháp luật để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Thực hiện công khai và minh bạch tất cả thông tin liên quan, đổi mới cơ chế tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ quản lý để chọn người có thực tài lãnh đạo DNNN.

Điều quan trọng sống còn và cho sự phát triển tiếp theo là DNNN phải có phương án sản phẩm mới. Có phương án này ngay trong khi tiến hành cổ phần hóa sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, khả năng thành công của DN sẽ lớn hơn.

Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN với chính sách công khai, minh bạch, đổi mới tư duy, xem xét áp dụng các mô hình tiên tiến về quản lý DN phù hợp với điều kiện của Việt Nam là việc làm rất cần thiết.

Đối với nền kinh tế nước ta lúc này là làm sao có sản phẩm mới, chất lượng và đây là đòi hỏi cao nhất của tái cơ cấu DN cùng với việc hoàn thiện về thể chế. Tái cấu trúc những DN thua lỗ nặng như Vinashin, Vinalines là biện pháp cứu vớt những gì còn lại của giấc mơ vua, mong Việt Nam trở thành một con Rồng ở Đông Nam Á…