Lợi ích kỳ vọng từ Hiệp định CPTPP với Việt Nam

PV.

Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lợi ích mà Việt Nam được hưởng có thể sẽ ít hơn so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, GDP dự báo vẫn sẽ tăng thêm 1,32%, xuất khẩu với tăng thêm 4%...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nỗ lực đột phá trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại trỗi dậy

TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Thỏa thuận TPP ban đầu từng được Mỹ mô tả là một "tiêu chuẩn vàng" cho mọi thỏa thuận tự do thương mại. Văn kiện này không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm thuế quan, mà còn bao gồm việc dỡ bỏ một loạt các hạn chế phi thuế quan và đòi hỏi các thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý cao trong các lĩnh vực như luật lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ và chi tiêu công. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương.

Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại (chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu) vẫn nỗ lực khôi phục hiệp định trên. Ngày 11/11/2017, tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước đã thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay, nội dung CPTPP không chỉ bao trùm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác nhau. Đây là hiệp định rất toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực, về bản chất là cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định đã được ký kết trước đây.

CPTPP giữ hầu hết nội dung của TPP, song trong 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận ban đầu, có 20 điều khoản bị tạm hoãn thực thi, chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ. Nhận định về CPTPP, PGS,. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, CPTPP là một cú đột phá chiến lược hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang trỗi dậy.

Lợi ích kỳ vọng với Việt Nam

Phân tích lợi ích của CPTPP đối với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một số ngành như dệt may, da giày, các ngành thâm dụng lao động khác Việt Nam vẫn được lợi, vẫn tăng xuất khẩu với CPTPP.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lợi ích mà Việt Nam được hưởng từ CPTPP với sự vắng mặt của Mỹ sẽ ít hơn so với TPP trước đó. Cụ thể, với CPTPP, GDP dự báo chỉ tăng thêm 1,32%, trong khi với TPP khi có Mỹ là 6,7%. Xuất khẩu với CPTPP tăng thêm 4%, trong khi TPP là khoảng 15%. CPTPP làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP tăng nhập khẩu 10,5%.

Mặc dù vậy, theo TS. Trần Toàn Thắng, nếu không tham gia CPTPP, khi các nước tập trung buôn bán với nhau trong TPP sẽ giảm buôn bán với Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng bị mất cơ hội tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico, Peru. Đây là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại. 

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, các nước thỏa thuận tham gia CPTPP đều có kỳ vọng một vài năm nữa Mỹ sẽ trở lại. Khi đó, lợi ích của Hiệp định này mang lại là rất lớn cho Việt Nam

Bên cạnh đó, The Bloomberg cũng dự báo, các nước thành viên CPTPP sẽ không dừng lại ở con số 11 mà có thể tăng lên 16. Hiện nay, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia và Philippines đã ngỏ ý sẵn sàng tham gia hiệp định thương mại này. Việc mở rộng các nước thành viên có thể giúp gia tăng lợi ích kinh tế đáng kể cho các bên liên quan.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, việc CPTPP tăng từ 11 lên 16 thành viên có thể làm tăng gấp 3 lần lợi ích cho các bên, tương đương khoảng 500 tỷ USD/năm, nhiều hơn so với dự tính ban đầu của TPP.

Để tận dụng những lợi ích mang lại từ CTTPP

CPTPP đạt thỏa thuận cốt lõi nhưng vẫn chờ quốc hội các nước thông qua. Tuy nhiên, bởi CPTPP là một hiệp định hội nhập kinh tế thương mại cao hơn và sâu hơn nên theo theo PGS, TS. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, dù Việt Nam đã mở cửa hội nhập 30 năm nhưng Việt Nam vẫn cần phải chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập; cũng như xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa vững mạnh hơn, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại; có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế nhằm mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn.

Còn theo PGS., TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nổi lên các công việc chính gồm: Hoàn thành việc đàm phán CPTPP với các điều khoản tốt nhất cho Việt Nam; chuẩn bị các năng lực thực thi, năng lực cạnh tranh sản phẩm dịch vụ, năng lực thể chế và thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác với EU, ASEAN, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc...