Mang tiền ủy thác đầu tư: Cẩn trọng không “nắm dao đằng lưỡi”

Theo cafef.vn

(Tài chính) Kinh tế khó khăn, lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống mức rất thấp (5%/năm), các kênh đầu tư khác đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều người đang tìm đến dịch vụ ủy thác đầu tư với mức lãi suất cao ngất ngưởng36%/năm.

 Mang tiền ủy thác đầu tư: Cẩn trọng không “nắm dao đằng lưỡi”
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Điều đáng lưu ý là số lãi khủng mà các công ty nhận ủy thác hứa trả cho khách hàng không đến từ sản xuất kinh doanh, mà từ hoạt động kinh doanh sàn vàng, ngoại hối, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lãi khủng: 36%/năm

Trong vai một nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi “bí” kênh sinh lời, tìm đến Công ty cổ phần Đầu tư Vipro (có địa chỉ ở quận Thanh Xuân - Hà Nội), chúng tôi được nhân viên ở đây chào đón rất nhiệt tình và giới thiệu gói sản phẩm “Ủy thác đầu tư” với các mức lãi suất vô cùng hấp dẫn. Theo đó, lãi suất của tài khoản ủy thác kỳ hạn 3 tháng đến 24 tháng dao động từ 2-3%/tháng, tương đương 24-36%/năm.

Theo các nhân viên tư vấn ở đây, khách hàng hoàn toàn yên tâm vào khoản tiền ủy thác của mình của mình, vì Vipro là công ty đầu tư tài chính hàng đầu, thu nhập chính là từ kinh doanh ngoại hối (forex) và khoản đầu tư này rất an toàn.

“Chị yên tâm, trong năm 2013, đây sẽ là kênh đầu tư thu hút đông đảo nhất các nhà đầu tư của Việt Nam, vì những ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với một số kênh đầu tư khác: Tính thanh khoản cao (gần như tuyệt đối), có thể giao dịch bất kỳ lúc nào trong 24h/ngày, tính minh bạch cao do đây là thị trường toàn cầu, có thể đầu tư với số vốn ban đầu nhỏ: chỉ từ 1.000 USD trở lên. Sau một thời gian thử nghiệm thành công mô hình tư vấn đầu tư tài chính với kết quả hơn 80% số nhà đầu tư đã và đang có lợi nhuận đều đặn hàng tháng, thế nên ủy thác đầu tư cho bọn em hoàn toàn yên tâm”, nhân viên ở đây hứa hẹn.

Cũng đưa ra mức lãi suất siêu hấp dẫn, 3%/tháng, tương đương 36%/năm, cao gấp 6 lần lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay, Công ty TNHH Tư vấn – Đầu tư Khải Thái (Cầu Giấy - Hà Nội) cũng khẳng định hai năm nay, nhà đầu tư gửi tiền ủy thác đầu tư tại Khải Thái chưa có chuyện thua lỗ. Trong khi một công ty khác là Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI) cũng khẳng định như đinh đóng cột là biết cách bắt đồng tiền của nhà đầu tư sinh lãi, với mức lãi suất mềm hơn một chút: 1,5%/tháng cho kỳ hạn gửi tiền 3 tháng, 1,8%/tháng cho kỳ hạn 6 tháng và 2%/tháng cho kỳ hạn 1 năm.

Làm một phép tính đơn giản: để trả lãi cho nhà đầu tư 3%/tháng, cộng thêm chi phí hoạt động, ít nhất các công ty trên mỗi năm phải có lợi nhuận 50 - 60%/năm. Câu hỏi đặt ra là: Kể cả trong thời kỳ kinh tế đang phát triển, việc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nai lưng làm việc trả lãi ngân hàng 25% đã là kiệt sức, huống gì trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp chết hàng loạt, lãi suất xuống dưới 10% cũng không vay nổi, thì sàn giao dịch ngoại hối (forex) là hình thức kinh doanh gì mà có thể sinh lời khủng như vậy? Trên các diễn đàn mạng, không ít công ty đã sử dụng để chào mời, quảng cáo hình thức kinh doanh này.

Rủi ro luôn rình rập

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên cả nước có hàng chục công ty tư vấn đầu tư đang tung ra sản phẩm ủy thác đầu tư với lãi suất cao ngất ngưởng. Thông thường, các công ty này đều yêu cầu người tiêu dùng gửi tiền kỳ hạn ít nhất 3 tháng, số tiền tối thiểu là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế chỉ thẳng ra rằng sàn giao dịch ngoại hối (forex) thực chất là một hình thức đánh bạc. Chỉ cần lướt qua mấy trang diễn đàn của dân chơi Forex, thấy hầu như các nhà đầu tư đều kêu trời vì thua lỗ. Đấy là chưa kể, khả năng những công ty này ôm tiền của khách hàng bỏ trốn không phải là không có nguy cơ.

Không những rủi ro vì thua lỗ, mà việc mang tiền đi ủy thác đầu tư siêu lợi nhuận này còn ràng buộc khách hàng bởi những lý do chẳng liên quan gì đến họ. Khi tự đặt mình vào tình thế nắm dao đằng lưỡi, khách hàng rất dễ bị “đứt tay” với nguy cơ mất trắng tiền.

Câu chuyện rùm beng của 7 nhà đầu tư ủy thác tiền vào HGI chi nhánh miền Nam, gửi đơn tố cáo việc công ty này không chịu trả lại tiền ủy thác đầu tư năm 2012 là một ví dụ điển hình. 7 vị khách hàng này có hợp đồng ủy thác đầu tư với HGI ký từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2012 với lãi suất cuối kỳ từ 2,5-3%/tháng, tổng cộng số tiền đã ủy thác là 1,7 tỷ đồng.

Khi công ty này có thay đổi Giám đốc chi nhánh HGI miền Nam, khách hàng đã được mời lên làm thủ tục xác nhận và bàn giao quyền lợi cùng nghĩa vụ cho giám đốc chi nhánh mới, với cam kết sẽ thanh toán toàn bộ số tiền ủy thác cho các khách hàng vào ngày 25/10. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, khách hàng muốn lấy tiền phải ký tên tố cáo giám đốc chi nhánh cũ tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Một số khách hàng không đồng ý với yêu cầu này nên không được chi trả.

“Khung pháp lý cho hoạt động ủy thác đầu tư của chúng ta còn thiếu và lỏng lẻo. Hoạt động của các công ty đầu tư tài chính dường như thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Vì vậy, bản thân người dân phải tự mình nâng cao cảnh giác trước những hiện tượng bất thường như trên, nhất là những chuyện cam kết lãi suất cao để tránh rủi ro mất tiền”, chuyên gia kinh tế, TS Lê Thẩm Dương khuyến cáo.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư. Như vậy, việc một doanh nghiệp tiến hành nhận ủy thác đầu tư mà chưa đáp ứng các điều kiện, hoặc không được tổ chức và hoạt động theo những mô hình nêu trên, là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu hoạt động này trở nên phổ biến, thì có thể tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư và cả hệ thống tài chính – tiền tệ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.


Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một ví dụ về bài học về rủi ro khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư. Bà Như đã dùng các công ty “sân sau” để ký hợp đồng ủy thác đầu tư nhằm huy động vốn, sau đó lại chuyển toàn bộ số tiền về doanh nghiệp của bà Như (doanh nghiệp nhận vốn đầu tư). Với hình thức hợp đồng ủy thác đầu tư và kẽ hở của các ngân hàng đã giúp bà Như huy động lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Khi một phần tiền gửi bị Huyền Như chiếm đoạn như kết luận của cơ quan điều tra, nó đã được sử dụng vào kinh doanh chứng khoán, bất động sản – những tài sản bong bóng mà sự “bốc hơi” tạo ra rủi ro rất lớn.