Mô hình nào thay bộ chủ quản của doanh nghiệp nhà nước?

Theo nhandan.com.vn

Trong tháng 9 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) sẽ trình dự thảo Nghị định về cơ quan quản lý giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Lần này, Bộ KH-ĐT kỳ vọng sẽ đưa ra được lời giải cho bài toán tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ủy ban hay bộ chủ quản?

Cho tới thời điểm này, mô hình cơ quan quản lý giám sát vốn và tài sản nhà nước được Bộ KH-ĐT đề xuất vẫn là một cơ quan thuộc Chính phủ. Theo dự thảo Nghị định về cơ quan quản lý giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp mà Bộ KH-ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến tham vấn, tên gọi đang được dự kiến là Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban này sẽ là cơ quan đặc biệt của Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Cụ thể, cơ quan này sẽ trực tiếp chủ trì hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách sở hữu nhà nước, về tái cơ cấu, thoái vốn và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp.

Để bảo đảm các chức năng này, Ủy ban sẽ có các quyền và trách nhiệm theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tương tự các quyền và trách nhiệm của bộ quản lý ngành hiện nay đang thực hiện với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước được giao quản lý.

Tuy nhiên, không phải đã có được sự thống nhất về tính khả thi của mô hình này cũng như khả năng thật sự độc lập ra khỏi chức năng quản lý nhà nước.

Thậm chí, mối lo siêu bộ thay vì bộ chủ quản đã xuất hiện khi dồn toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước và phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp đang rải rác khắp các bộ, ngành về Ủy ban này.

Cho dù trong Dự thảo, Ủy ban này chưa nhận phần trách nhiệm với khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích ở các địa phương, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, song với tổng giá trị tài sản đang có trong các doanh nghiệp có từ 50% vốn Nhà nước lên tới khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 240 tỷ USD, mối lo siêu bộ không phải không có cơ sở.

Thậm chí, một chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) khi nghiên cứu mô hình này đã nêu ra nhiều câu hỏi nghi vấn về mô hình được kỳ vọng sẽ tạo nên bước cải cách quan trọng so với tình trạng phân tán các quyền thực hiện quản trị doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.

Làm thế nào để tách bạch rõ ràng giữa thực hiện quyền sở hữu Nhà nước với quản lý nhà nước về kinh tế, khi mà các cơ quan quản lý nhà nước khác vẫn có thể can thiệp vào khu vực nếu không có những thay đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan? Cơ quan này sẽ tối đa hóa giá trị vốn Nhà nước hay giá trị tài sản nhà nước, bởi nếu như đặt mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản, Nhà nước lại có thể đầu tư ngoài ngành, chen lấn vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân đang làm tốt.

Các chuyên gia lo ngại cơ quan này có thể sẽ trở thành một bộ máy cồng kềnh, quan liêu can thiệp vào hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp. Ủy ban giám sát, quản lý doanh nghiệp nhà nước (SASAC) của Trung Quốc đã vướng vào bất cập này.

Vì thế, cần có cơ chế để cơ quan này có thể tuyển các chuyên gia về quản trị công ty, thuê tư vấn bên ngoài để thực hiện chức năng sở hữu nhà nước của mình.

Mô hình quỹ đầu tư có lẽ sẽ giải tỏa được các lo ngại này, vì vận hành quỹ sẽ là các công cụ thị trường, tách bạch hẳn ra khỏi các hoạt động quản lý nhà nước.

Song, sự không thành công như kỳ vọng của mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đang khiến các ý kiến đề xuất mô hình quỹ đầu tư phân vân.

Một số chuyên gia vẫn giữ quan điểm áp dụng khung pháp lý như nhau giữa hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, theo thông lệ quốc tế. Có nghĩa là đòi hỏi áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, kiểm toán độc lập bởi các nhà kiểm toán danh tiếng quốc tế và thực hiện minh bạch hóa như các công ty niêm yết.

Chỉ khi minh bạch tài sản, vốn nhà nước như vậy thì việc quản lý, vận hành mới có thể đạt được hiệu quả. Với mô hình cơ quan quản lý vốn, thì trách nhiệm giải trình sẽ mang tính sống còn.

Không thể có siêu bộ

“Cũng có câu hỏi các bộ, ngành sẽ làm gì. Chính việc không hiểu mô hình này, cho rằng, dồn mọi chức năng của các bộ về một bộ, ủy ban này làm việc của các bộ đang làm nên mới có mối lo như vậy. Câu trả lời của chúng tôi là không có cơ hội để hình thành siêu bộ”, Thứ trưởng KH-ĐT Đặng Huy Đông phản biện.

Thí dụ được đưa ra khá đơn giản, đó là doanh nghiệp nhà nước trong ngành công thương sẽ có mối quan hệ với Bộ Công thương như cơ quan quản lý ngành, cơ quan xây dựng chính sách phát triển công nghiệp,… không khác gì các doanh nghiệp tư nhân.

“doanh nghiệp nhà nước ngành khai khoáng chẳng hạn, sẽ phải chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công thương, có vi phạm thì đều bị xử lý, chứ không như hiện nay thường bị nghi ngờ có thể nương nhẹ hơn do là doanh nghiệp thuộc Bộ.

Việc thay đổi này sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng ở Việt Nam. Hơn thế, các doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ phải báo cáo về hoạt động cho một cơ quan, thay vì chia sẻ các báo cáo cho năm đến sáu cơ quan đại diện các chức năng chủ sở hữu khác nhau”, ông Đông chia sẻ quan điểm.

Cũng phải nói rõ, trong mô hình dự kiến mà Bộ KH-ĐT đang hoàn tất, cơ quan này không có nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước khác đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

“Nghĩa là Ủy ban này sẽ tách ra khỏi chức năng quản lý nhà nước. Đây là lý do vì sao chúng tôi chọn địa vị pháp lý cho mô hình này là cơ quan trực thuộc Chính phủ chứ không phải là một bộ”, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) Phạm Đức Trung giải thích thêm.

Rõ ràng, cho dù không còn phải tranh luận về việc có nên hay không thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp, song mô hình nào vẫn không phải dễ chọn.