Một số kinh nghiệm về Quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại doanh nghiệp

Lê Thảo Ly, Nguyễn Hoàng Linh - Đại học Lao động - Xã hội

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế hiểu một cách chính xác về các vấn đề liên quan tới quyết toán thuế, hàng năm, Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương đều tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi quyết toán thuế. Vậy, các nội dung doanh nghiệp thường quan tâm nhất là gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về giảm trừ gia cảnh

Theo quy định hiện hành, giảm trừ gia cảnh (bản thân và người phụ thuộc) đối với người lao động trong DN, gồm:

- Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (NNT): NNT có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) NNT lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi. Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng). Trường hợp trong năm tính thuế, cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

- Giảm trừ người phụ thuộc: NNT được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu NNT đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế. Khi NNT đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

Đáng lưu ý một điểm mới là trên thực tế có những trường hợp không có chứng minh nhân dân (CMND) như số người già, trẻ em khai sinh tại nước ngoài và không được cấp CMND như người tàn tật, người đang thi hành án... thì cơ quan thuế vẫn chấp nhận việc không có mã số thuế và được giảm trừ nếu theo hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đảm bảo là người phụ thuộc. Riêng đối với trường hợp khai sinh ở nước ngoài, cơ quan thuế vẫn chấp nhận dùng giấy khai sinh tại nước ngoài.

Trường hợp NNT chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi NNT thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một NNT trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều NNT có chung người phụ thuộc thì NNT phải tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một NNT.

Xác định cá nhân cư trú để tính thu nhập chịu thuế TNCN

Xác định cá nhân cư trú cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều DN thắc mắc trong nhiều đợt quyết toán thuế vừa qua. Đối với vấn đề này, việc xác định cá nhân cư trú được xác định như sau:

- Cá nhân cư trú đối với người Việt Nam: Là người Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện sau như: Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.

- Cá nhân cư trú đối với người nước ngoài: Là người nước ngoài đáp ứng được hai điều kiện đã nêu ở trên và theo điểm b.3 khoản 1 điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định: “Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của NNT ghi trên hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo biểu mẫu lũy tiền từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế).

Miễn thuế TNCN đối với chuyên gia nước ngoài

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Thu nhập miễn thuế của chuyên gia nước ngoài trong trường hợp này là thu nhập trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Theo đó, kể từ ngày 1/5/2016, Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg của Chính phủ quy định miễn thuế TNCN đối với người nước ngoài đối với chuyên gia nước ngoài được tuyển chọn để trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài, trên cơ sở thống nhất giữa tổ chức phi chính phủ nước ngoài và cơ quan chủ quản dự án của Việt Nam quy định tại văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Như vậy, trong đợt quyết toán thuế 2016 trong năm tới, các DN khi quyết toán thuế TNCN cần chú ý đến quy định này.

Tuy nhiên, để được hưởng chính sách ưu đãi này, chuyên gia nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện như: Có quốc tịch nước ngoài; Có hợp đồng ký giữa chuyên gia nước ngoài với tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc với cơ quan chủ quản dự án hoặc với chủ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Việt Nam trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo văn kiện chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và điều khoản giao việc cho chuyên gia nước ngoài đính kèm hợp đồng.

Riêng hợp đồng ký giữa chuyên gia nước ngoài với tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải bổ sung xác nhận của chủ khoản viện trợ phi chính phủ của Việt Nam về việc chuyên gia nước ngoài trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo văn kiện chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân người Việt Nam

Ngày 22/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định về việc miễn thuế TNCN đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/5/2016, cá nhân là người Việt Nam được tuyển dụng theo hợp đồng để làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam sẽ được miễn thuế TNCN. Trong khi đó, quy định này sẽ không áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam được tuyển dụng và làm việc theo giờ tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Đây là quy định mới mà các kế toán cần chú ý trong đợt quyết toán thuế năm 2016 trong năm tới.

Để được miễn thuế TNCN, các cá nhân phải đảm bảo 2 điều kiện: Có quốc tịch Việt Nam; Là nhân viên của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam do đại diện có thẩm quyền của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế xác nhận theo danh sách gửi cơ quan thuế.

Giảm trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc, các khoản từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Để các khoản bảo hiểm bắt buộc, các khoản từ thiện, nhân đạo, khuyến học được giảm trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNCN thì các DN cần phải có đầy đủ các chứng từ nộp bảo hiểm bắt buộc, các khoản từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Ngoài ra, các chứng từ trên cần phải ghi tách biệt cho từng DN và ghi tách riêng cho từng người lao động.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Thuế TNCN 2007/QH, Luật Thuế TNCN 2012/QH (sửa đổi bổ sung), Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi một số điều của Luật Thuế TNCN;

2. Một số thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư số 111/2013/TT-BTC, Thông tư số 92/2015/TT-BTC.