Muốn tái cơ cấu thành công, phải đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau gần 4 năm, các địa phương và các tập đoàn, tổng công ty đã nhận thức được sự đúng đắn và cấp thiết của chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế và đã có những nỗ lực đáng kể trong việc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, kết quả cụ thể chưa thực sự rõ nét, việc triển khai còn lúng túng. Cho rằng, tình trạng này có nguyên nhân sâu xa từ thể chế kinh tế, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Du Lịch, thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng cũng đề nghị, để tái cơ cấu thành công, dứt khoát phải đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế.

Muốn tái cơ cấu thành công, phải đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế - Ảnh 1

Ông Trần Du Lịch
Phóng viên: Đoàn giám sát của UBTVQH vừa làm việc với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng tại các địa phương này?

Ông Trần Du Lịch: Từ kết quả giám sát tôi thấy, các địa phương và các tập đoàn, tổng công ty đều đã nhận thức được sự đúng đắn và cấp thiết của chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế. Các Báo cáo cũng cho thấy công cuộc tái cơ cấu ở các địa phương đã có một số kết quả bước đầu. Cụ thể, về tái cơ cấu đầu tư công, từ năm 2011 đến nay, cả 3 địa phương mà Đoàn giám sát làm việc là Cần Thơ, Hậu Giang và TP. Hồ Chí Minh đều có tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước có xu hướng giảm, vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước có xu hướng tăng. Ví dụ, ở Cần Thơ, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt 40,47%, so với giai đoạn 2006 - 2010 đã giảm 9,41%, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đạt 56,6%, so với giai đoạn 2006 - 2010 tăng 9,35%. Các tỉnh cũng đã chủ động ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn của các công trình chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp nhà nước đã được tái cấu trúc và cổ phần hóa, sau tái cấu trúc hiệu quả hoạt động kinh doanh được nâng lên. Hệ thống ngân hàng sau khi được tái cơ cấu cũng hoạt động an toàn hơn và minh bạch hơn.    

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu từ 2011 đến nay, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hậu Giang mà còn ở nhiều địa phương khác, tôi cho rằng, về mặt nỗ lực thì có nhưng kết quả cụ thể thì chưa thực sự rõ nét. Điều đáng lưu ý nữa là, qua các cuộc làm việc của Đoàn giám sát thì chưa có địa phương hay tập đoàn, tổng công ty nào thực sự trả lời được câu hỏi: sự phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn khủng hoảng năm 2008 là nhờ tái cơ cấu hay chỉ là nhờ dư địa của các chính sách trước đó. Từ kết quả giám sát, chưa thể khẳng định 100% sự phục hồi và tăng trưởng nhìn thấy được ở các địa phương và các tập đoàn, tổng công ty là kết quả của công cuộc tái cơ cấu.

Vậy theo Đại biểu, có thể lý giải như thế nào về những kết quả chưa thực sự rõ nét này khi mà chủ trương thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã được đặt ra khá quyết liệt trong thời gian qua?

Tôi cho rằng, nguyên nhân là do đa số các địa phương, tập đoàn và tổng công ty vẫn còn lúng túng về những bước đi cụ thể nhằm tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ngay cả TP. Hồ Chí Minh – đầu tàu của nền kinh tế quốc gia - cũng phản ánh rằng, nội hàm tái cấu trúc hiện nay chưa rõ. Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kết luận của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 3 đã xác định chủ trương chung về tái cơ cấu nền kinh tế, sau đó Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, các địa phương đều phản ánh rằng Đề án mới nêu mục tiêu, còn chính sách giải pháp thúc đẩy thế nào thì chưa rõ. Mà tái cơ cấu muốn hiệu quả thì dứt khoát phải có chính sách, giải pháp và lộ trình cụ thể. Nói nôm na là, chúng ta mới ra đầu bài thôi còn chưa có phương pháp giải quyết.

Như tôi đã nói ở trên, các địa phương đều đã nỗ lực trong phạm vi làm được, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công - một trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu đã có các quy định và chính sách khá rõ thì kết quả tái cơ cấu tương đối tốt. Nhưng hiện nay, vấn đề khó nhất của các địa phương chính là làm thế nào để tái cấu trúc toàn bộ cơ cấu kinh tế của mình. Ví dụ, đối với các địa phương mà ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng đáng kể như  Hậu Giang và Cần Thơ thì hiện nay đều đang lúng túng trong việc giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp theo hướng nào. Những khó khăn, yếu kém và thách thức đặt ra của ngành nông nghiệp đã được các ĐBQH phản ánh trên diễn đàn của Quốc hội thì khi về làm việc với địa phương, chúng tôi thấy rất rõ nét. Bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, rồi giải quyết mối quan hệ với thị trường ra sao, tìm đầu ra cho sản phẩm thế nào, xác định vị trí và vai trò của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) trong chính sách liên kết 4 nhà...

Có thể thấy, những kết quả đạt được chưa thực sự rõ nét không hoàn toàn do các địa phương hay do chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế?

 Đúng vậy. Theo tôi, có một nguyên nhân sâu xa hơn là từ thể chế kinh tế, trong đó có việc xác định vai trò của kinh tế Nhà nước trong hỗ trợ phát triển thị trường như thế nào. Đến nay, vấn đề này chưa được làm rõ. Các địa phương thì trông chờ chính sách ở Trung ương, còn các chính sách của Trung ương thì thực sự, vừa qua, chúng ta ban hành rất nhiều nhưng việc thực hiện thì không phải chính sách nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Chính sách liên kết 4 nhà chẳng hạn. Khi làm việc tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, các thành viên Đoàn giám sát đã hỏi rất kỹ về việc phát triển cây mía như một giống cây trồng chủ lực của địa phương này. Nhưng có thể thấy rõ sự lúng túng của chính quyền địa phương khi chưa xác định được cụ thể Nhà nước làm gì, nông dân làm gì, nhà khoa học làm gì và doanh nghiệp làm gì để nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây trồng chủ lực này. Hay đối với chính sách về hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, chúng ta cũng ban hành khá nhiều nhưng sự phối hợp ở từng địa bàn lại chưa tốt nên kết quả không cao.

Một ví dụ về việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh - địa phương được xem là đầu tàu của nền kinh tế nước ta. Là ĐBQH ứng cử tại địa phương này, tôi đã theo dõi quá trình tái cơ cấu của Thành phố nhiều năm nay. Thực ra, không phải chờ đến năm 2011, khi có chủ trương của Trung ương về tái cơ cấu nền kinh tế mà ngay từ khi có Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị năm 2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp phần mềm, khu y tế kỹ thuật cao, khu cơ khí, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, hay lập quỹ bảo lãnh tín dụng. TP. Hồ Chí Minh đã phát huy tối đa các cơ chế đặc thù mà Trung ương giao cho để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của mình. Nhưng chính Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tái cơ cấu bởi các chính sách hiện nay còn chung chung. Qua cuộc làm việc với Đoàn giám sát và qua Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, Thành phố cũng đã có nhiều kiến nghị như xây dựng luật về công nghiệp hỗ trợ, luật về hợp tác công – tư... Tôi cho rằng, đây là những chính sách, pháp luật rất quan trọng đối với tái cơ cấu nền kinh tế nhưng rõ ràng, để có được các chính sách, pháp luật này thì địa phương phải chờ Trung ương chứ không thể tự làm được. Vì thế, tôi cho rằng, để thực hiện tái cơ cấu hiệu quả hơn thì phải làm từ chính sách vĩ mô trước.

Vậy theo Đại biểu, từ kết quả giám sát thì tới đây, cần có những thay đổi như thế nào về chính sách, pháp luật để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Tôi tin rằng, từ kết quả làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương, Đoàn giám sát của UBTVQH sẽ đưa một số kiến nghị quan trọng liên quan đến đổi mới thể chế nền kinh tế. Cụ thể như vấn đề hướng sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước tới đây như thế nào? Xây dựng Luật Chính quyền địa phương ra sao? Trước mắt là kiến nghị đối với các dự án Luật đặt nền móng cho tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), rồi Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Ví dụ, vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là tách biệt giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trách nhiệm về ngân sách giữa các cấp và quyền chủ động của chính quyền địa phương đến đâu, như thế nào trong xử lý nguồn thu và nhiệm vụ chi. Làm thế nào phát huy tính chủ động của địa phương mà vẫn bảo đảm địa phương không thể tự tung tự tác, Trung ương vẫn kiểm soát được kỷ cương hoạt động của các địa phương? Và quan trọng là làm thế nào để nâng cao được vai trò của HĐND ở mỗi cấp địa phương? Cá nhân tôi cho rằng vai trò của HĐND địa phương trong các vấn đề tài chính ngân sách là cực kỳ quan trọng.

Với những ghi nhận và đánh giá từ thực tiễn triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, Đoàn giám sát sẽ có những đóng góp thuyết phục hơn cho Quốc hội trong quá trình hoàn thiện các dự án Luật này và đổi mới thể chế kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.

 Xin cám ơn Đại biểu!