Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam

ThS. ĐƯỜNG THỊ THANH HẢI

(Tài chính) Với năng lực quản trị hạn chế như hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Từ thực tế này đòi hỏi bản thân mỗi ngân hàng phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị để cạnh tranh không chỉ với ngân hàng trong nước mà còn cạnh tranh với các tổ chức tín dụng quốc tế.

Thực trạng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Chỉ tiêu về khả năng huy động và cơ cấu nguồn vốn

Khả năng huy động và cơ cấu nguồn vốn là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở khía cạnh huy động vốn và uy tín trên thương trường. Huy động nguồn vốn tốt chính là khả năng chiếm lĩnh và mở rộng thị phần của các NHTM thông qua các loại hình sản phẩm thu hút tiền gửi từ các đối tượng khách hàng. Hơn nữa, khi quy mô nguồn vốn lớn và cơ cấu hợp lý sẽ cho phép NHTM phát triển các hoạt động kinh doanh như cho vay, đầu tư và cung cấp dịch vụ tài chính khác. Khả năng huy động vốn được xác định bởi quy mô và tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn cùng với thời gian.

Cơ cấu tài sản

Quy mô, cơ cấu và chất lượng tài sản quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Chất lượng tài sản có là chỉ tiêu tổng hợp nói lên chất lượng quản lý, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời và triển vọng bền vững của một ngân hàng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 1

Tỷ trọng tài sản dùng để phản ánh phần trăm vốn được sử dụng để tài trợ cho tài sản lưu động, hay tài sản lưu động chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng tài sản. Ví dụ: Ngân hàng Agribank có tỷ trọng tài sản ngắn hạn tương đối ổn định qua 5 năm gần đây (Năm 2009: Tỷ trọng tài sản ngắn hạn là 95,32%; năm 2010: 95,68%; năm 2011: 95,73%; năm 2012: 95,71%; năm 2013: 95,72%). Tài sản ngắn hạn của ngân hàng bao gồm tiền mặt, vàng bạc, đá quý, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, chứng khoán kinh doanh, cho vay khách hàng, các khoản đầu tư ngắn hạn khác. Tỷ trọng tài sản dài hạn trên tổng tài sản được phản ánh phần trăm tài sản dài hạn trong tổng tài sản của ngân hàng (xem Bảng 1).

Cơ cấu vốn

Vốn là điều kiện tiên quyết để cấp phép cho một ngân hàng đi vào hoạt động, đảm bảo khả năng tồn tại và phát triển của ngân hàng đó. Theo quy định của luật pháp, phạm vi hoạt động và kinh doanh của một ngân hàng phụ thuộc vào quy mô của nguồn vốn tự có. Vốn tự có là cơ sở để tính toán các giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, vấn đề quản lý vốn của ngân hàng trở thành một yêu cầu pháp lý vì lợi ích của công chúng.

Hiệu quả sử dụng vốn bằng tổng dư nợ cho vay/tổng vốn huy động. Đơn cử như Ngân hàng BIDV năm 2013 huy động được 100 đồng thì cho vay tới 77 đồng. Việc duy trì tỷ lệ này ở mức cao đòi hỏi nhà quản trị cần có những biện pháp phòng chống rủi ro tín dụng hiệu quả để đảm bảo an toàn cho ngân hàng…

Khả năng thanh toán

Là một tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá chất lượng và sự an toàn trong quá trình hoạt động của một ngân hàng. Do đó, muốn đảm bảo khả năng thanh toán, ngân hàng phải duy trì một tỷ lệ tài sản nhất định dưới dạng tài sản có tính lỏng, đặc biệt là các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi ở Ngân hàng Trung ương và các công cụ dự trữ thanh khoản khác. Ngoài ra, các ngân hàng còn phải chú trọng nâng cao chất lượng các tài sản có, xây dựng danh mục tài sản hợp lý, có khả năng chuyển hoá thành tiền nhanh chóng và thu hồi nợ đúng hạn để đáp ứng yêu cầu chi trả cho khách hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết.

Khả năng sinh lời

Lợi nhuận là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh hiệu quả kinh doanh cũng như để đánh giá sự phát triển bền vững của một ngân hàng. Hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi xét đến chỉ tiêu lợi nhuận, cần phân tích lợi nhuận trong mối quan hệ với các chỉ tiêu quản lý khác, chẳng hạn như mức độ thanh khoản, mức chấp nhận rủi ro, cơ cấu tài sản cũng như triển vọng phát triển lâu dài của ngân hàng. Trong phân tích đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng, có thể đo lường bằng nhiều chỉ tiêu khác nhau như: Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn tự có (ROE), lợi nhuận trên tổng doanh thu, lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Những chỉ số này phản ánh khả năng sinh lời ròng tài sản. Nói cách khác, mỗi đồng tài sản bình quân sử dụng trong kỳ tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 2

Nhìn vào số liệu Bảng 2 có thể thấy, 5 ngân hàng trên đều có chỉ số ROA ở mức trung bình trong ngành Ngân hàng. Điều này chứng tỏ, khả năng sinh lời của ngân hàng này từ nguồn vốn chủ sở hữu là khá ổn định. Trong khi đó, so với các ngân hàng còn lại, Ngân hàng Agribank có chỉ số ROA thấp hơn nhưng lại duy trì ở mức tăng trưởng tương đối ổn định. Chỉ số ROA phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô như lãi suất tiền gửi các loại, pháp luật và sự cạnh tranh…

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới, bài viết đưa ra các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng quy mô vốn điều lệ

Là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và cũng đảm bảo an toàn cho hoạt động của chính bản thân ngân hàng trong quá trình hoạt động tín dụng. Vốn tăng sẽ cho phép ngân hàng đầu tư phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và mở rộng được kênh phân phối. Đây cũng là những yếu tố không thể thiếu nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam.

Thứ hai, đầu tư phát triển công nghệ

Trong môi trường cạnh tranh hiện đại, công nghệ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của các ngân hàng. Cùng với việc tăng vốn chủ sở hữu, các NHTM cần nâng cấp đầu tư phát triển công nghệ hiện đại có khả năng liên kết trong hệ thống, để nâng cao nặng lực cạnh tranh trước xu thế các NHTM cạnh tranh ngày càng gay gắt…

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Tuyển dụng: Tiếp tục duy trì chính sách tuyển dụng trọng dụng nhân tài để tuyển dụng được những người có đủ đức đủ tài, để đảm nhiệm công việc đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống ngân hàng hiện nay.

- Đào tạo: Có các chính sách khuyến khích cán bộ, nhân viên trong ngân hàng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cử những người có năng lực quản trị giỏi đi đào tạo học tập phương thức làm việc, cách tổ chức, quản lý tại các nước phát triển trên thế giới.

Thứ tư, tăng cường hợp tác với các ngân hàng nước ngoài

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, NHTM Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành và những phần mềm ứng dụng công nghệ. Điều này sẽ giúp các NHTM kiểm soát tốt giao dịch đảm bảo an toàn, ổn định.