Ngân hàng quốc doanh cũng cần sáp nhập

Theo baodautu.vn

Theo một số chuyên gia kinh tế, các ngân hàng quốc doanh nên tính đến việc sáp nhập để hình thành một ngân hàng lớn, có quy mô tương đương các ngân hàng lớn trong khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.


Không nhất thiết phải tồn tại “big 4”

Hiện nay, trong số 35 ngân hàng thương mại (NHTM) của toàn hệ thống thì có tới 7 NHTM do Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (bao gồm cả 3 ngân hàng 0 đồng). Đặc biệt, trong số 7 ngân hàng này, có tới 4 NHTM lớn nhất hệ thống (big 4) với tỷ lệ sở hữu nhà nước rất lớn: Agribank (100%), BIDV (95,28%), Vietcombank(77,11%), VietinBank (64,46%).

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, các NHTM nhà nước đang nắm phân nửa tổng tài sản của toàn hệ thống. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2016, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 7,8 triệu tỷ đồng, thì riêng tổng tài sản của khối NHTM nhà nước chiếm hơn 3,5 triệu tỷ đồng (gần 45%).

Với tổng tài sản, vốn điều lệ lớn, các ngân hàng thương mại nhà nước đang đóng vai trò chi phối hệ thống ngân hàng.


PGS., TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Không cần thiết hệ thống ngân hàng phải có tới 4-5 ngân hàng thương mại của Nhà nước. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhà nước sở hữu ngân hàng vào loại cao nhất thế giới. Chúng ta cần sắp xếp lại để tránh sự lãng phí, tạo ra nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển”.

Theo ông Đào Văn Hùng, big 4 ngân hàng hiện nay có chức năng, nhiệm vụ, sản phẩm dịch vụ… tương đối giống nhau. Do đó, không cần thiết tồn tại sự cạnh tranh lẫn nhau của cả 4 ngân hàng chung sở hữu nhà nước, vừa lãng phí, vừa không tạo được ngân hàng tầm cỡ khu vực.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước đây, Nhà nước thành lập tận 4 ngân hàng thương mại quốc doanh vì mỗi ngân hàng có chức năng riêng, phục vụ đối tượng riêng.

Ví dụ, VietinBank chuyên phục vụ lĩnh vực công thương, Vietcombank chuyên phục vụ lĩnh vực ngoại thương, BIDV chuyên về đầu tư, Agribank chuyên nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay hầu hết ngân hàng đều được kinh doanh mọi lĩnh vực, mọi đối tượng, nên sự tồn tại nhiều ngân hàng quốc doanh na ná nhau là không cần thiết.

Việc sáp nhập các ngân hàng để hình thành ngân hàng lớn hơn, hiện đại, đồng thời tiết giảm về nhân sự, tổ chức… là việc cần tính tới.

Sáp nhập hay thoái vốn?

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, vốn điều lệ có vai trò rất quan trọng với các ngân hàng. Chỉ khi có vốn điều lệ lớn, ngân hàng mới có thể mở rộng mạng lưới và phạm vi hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh cả trong lẫn ngoài nước. Hiện quy mô của một ngân hàng trung bình trong khu vực khoảng 5 tỷ USD, trong khi ngân hàng lớn nhất của Việt Nam cũng mới chỉ đạt nửa con số này.

“Theo tôi, các ngân hàng quốc doanh nên tính đến việc sáp nhập với nhau để hình thành một ngân hàng lớn, có quy mô tương đương các ngân hàng lớn trong khu vực”, TS. Hiếu nói và cho rằng, việc sáp nhập các ông lớn ngân hàng này cần thực hiện ngay trong trung và dài hạn (3-5 năm), nếu Việt Nam không muốn bị tụt hậu so với các ngân hàng trong khu vực.

Liên quan đến sự tồn tại của big 4, TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng, các nước trên thế giới đều duy trì mô hình Top 4 hoặc Top 5 ngân hàng lớn, cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, đây là sự cạnh tranh tốt, giúp tránh được sự độc quyền của một số ngân hàng lớn.

Theo giới chuyên gia, nếu big 4 tồn tại, thì cũng không nhất thiết phải chung chủ sở hữu nhà nước. Nói cách khác, Nhà nước nên giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại các ngân hàng này.

Theo PGS. TS. Đào Văn Hùng, có thể giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước về mức 51% tại big 4, mà không ảnh hưởng đến sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước.

Thực tế, thời gian qua, VietinBank, Vietcombank và BIDV đều kiến nghị Chính phủ nới room mạnh cho khối ngoại hơn nữa, trong khi Agribank cũng mong được sớm cổ phần hóa. Nếu đề nghị nới room được Chính phủ chấp thuận, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư “cá mập” mua cổ phần của các ngân hàng này.

Hiện tại, BIDV đang xúc tiến bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. VietinBank đã có cổ đông chiến lược sở hữu 20% là BTMU và gần như đã cạn room vốn ngoại. Vietcombank có cổ đông chiến lược nước ngoài là Mizuho (sở hữu 15% Vietcombank), tổng sở hữu của khối ngoại là 21%.

Theo tin của Reuters, Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd (GIC) thuộc Chính phủ Singapore đang tiến hành đàm phán để mua lại ít nhất 7% cổ phần VCB của Vietcombank thông qua việc phát hành cổ phiếu mới.

Các chuyên gia nhận định, trước mắt, thương vụ sáp nhập các ngân hàng trong big 4 có thể chưa diễn ra, nhưng nếu Chính phủ đồng ý nới room, việc mua bán chuyển nhượng cổ phần của khối ngân hàng này với các nhà đầu tư ngoại sẽ diễn ra nhộn nhịp.

Về lâu dài, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ nên thoái hầu hết vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực tư nhân không đảm đương được.

“Tuy nhiên, trước khi thực hiện thoái vốn, các ngân hàng lớn cũng cần tính tới việc sáp nhập với nhau để hình thành ngân hàng quy mô tương đương các ngân hàng lớn trong khu vực”, TS. Hiếu nhắc lại.