Người dân tham gia công tác ngân sách: Làm sao để khả thi?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 sắp tới. Tăng cường giám sát và sự tham gia của người dân với công tác ngân sách là một trong những nội dung đang được quan tâm lấy ý kiến để hoàn thiện dự án luật.

 Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 sắp tới. Nguồn: internet
Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 sắp tới. Nguồn: internet

Giám sát cơ sở mờ nhạt do kiêm nhiệm nhiều vị trí

Theo kết quả tham vấn cộng đồng của một nhóm các tổ chức phát triển Việt Nam, sự tham gia của người dân vào quá trình lập dự toán, phân bổ, quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN), đặc biệt là ở cấp cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, mức độ tham gia của người dân chưa đáp ứng yêu cầu. Việc lấy và tiếp thu ý kiến người dân về lựa chọn ưu tiên phân bổ NSNN chưa được chú trọng.

Trên thực tế, có những trường hợp người dân “bức xúc” về sự bất cập trong việc phân bổ NSNN cho các công trình xây dựng tại địa phương chưa thiết thực đối với họ và cho rằng mình là người đóng góp cho NSNN, nhưng ý kiến lại chưa được phản ánh hoặc ghi nhận một cách tương xứng. Ngân sách ở một số địa phương tập trung phân bổ quá nhiều cho một số mục tiêu “cứng” của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi nhiều nhu cầu cơ bản và cấp bách hơn của người dân lại chưa được đáp ứng.   

Trong khi đó, cơ chế tham gia giám sát ngân sách địa phương thông qua Hội đồng nhân dân (HĐND), Mặt trận tổ quốc (MTTQ) chưa phát huy hiệu quả. Các đại biểu HĐND, MTTQ các cấp đều thừa nhận có những hạn chế nhất định trong việc thực thi vai trò đại diện người dân của mình. Đại biểu HĐND khó đưa ra các ý kiến độc lập do tình trạng không chuyên trách, một người đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau.  

Việc thực hiện quy chế Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) theo Quyết định 80 năm 2005 của Thủ tướng gặp nhiều trở ngại như Ban GSĐTCĐ thành lập không đúng quy định, năng lực hạn chế, vai trò của Ban không được làm rõ trong hợp đồng với nhà thầu cũng như các bên liên quan… dẫn đến tình trạng “hữu danh vô thực”.

Cần có quy định cụ thể về giám sát và lấy ý kiến của người dân 

Theo quy định của Hiến pháp cũng như từ kết quả tham vấn ý kiến người dân, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tham gia giám sát của người dân đối với NSNN các cấp cần được quy định cụ thể trong Luật NSNN.

Người dân, tùy theo trình độ, sự hiểu biết mà tham gia giám sát đối với một vài cấp ngân sách nhất định. Các chuyên gia thường quan tâm tới NSNN ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, người dân bình thường thì chỉ quan tâm tới ngân sách cấp huyện và xã. 

Cũng có những băn khoăn cho rằng sự tham gia của người dân là cần thiết, tuy nhiên sẽ khó khả thi trên thực tế. Tuy nhiên, trường hợp điển hình tại phường Trường Thi, TP Nam Định cho thấy người dân có thể tham gia vào quá trình phân bổ, quản lý và sử dụng NSNN cấp cơ sở. Sự tham gia này mang lại hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý NSNN, đồng thời tăng sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền địa phương.   

Từ kết quả tham vấn này, các chuyên gia của nhóm tổ chức phát triển Việt Nam khuyến nghị nên hình thành riêng một điều quy định về giám sát của cộng đồng trong Luật. Trong đó, quy định cụ thể về nội dung giám sát, phương thức và trách nhiệm giải trình, bên cạnh quyền giám sát của MTTQ cần quy định quyền giám sát của tổ chức và công dân.  

Đồng thời, tại điều 44 về thảo luận và quyết định dự toán, phương án phân bổ ngân sách hàng năm, nhóm chuyên gia đề nghị bổ sung hai khoản. Một khoản quy định về việc lấy ý kiến của người dân đối với dự toán và phân bổ NSNN cấp xã, và một khoản quy định về lấy ý kiến với cấp huyện, tỉnh, trung ương. Trong cả hai trường hợp cần quy định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức lấy ý kiến đối với việc lập báo cáo lấy ý kiến, nêu rõ ý kiến được tiếp thu và không được tiếp thu cùng các lý do cụ thể. 

Nhóm các tổ chức phát triển Việt Nam bao gồm Trung tâm Hành động phát triển vì Cộng đồng (ACDC), Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho Phụ nữ (CEPEW), Nhóm hợp tác Thúc đẩy Quản trị và Cải cách hành chính công (GPAP), và Oxfarm tại Việt Nam đã tiến hành tham vấn cộng đồng để góp ý cho dự thảo Luật NSNN sửa đổi với sự hỗ trợ của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khóa 13. Những kết quả này đã được công bố và thảo luận tại Diễn đàn góp ý cho dự thảo Luật NSNN tổ chức ngày 27/1/2015 tại Hà Nội.