Phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2016-2020

Ths. Nguyễn Thị Hải Bình – Trần Thu Thủy

Giai đoạn 2011-2015 đã để lại dấu ấn tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; tuy vậy cũng đặt ra những thách thức cần phải có giải pháp quyết liệt để đạt mức tăng trưởng và phát triển như kỳ vọng trong giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 được thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Năm 2015 - năm cuối của kế hoạch kinh tế 5 năm 20112015 khép lại với tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, lạm phát thấp, tỷ lệ nợ xấu giảm, nhập siêu nằm trong mức mục tiêu đề ra.

Tình hình thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015

Tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ xu thế phục hồi, tính chung trong cả giai đoạn duy trì ở mức khá, chất lượng được cải thiện Bình quân giai đoạn 20112015, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 5,91%, mặc dù thấp hơn so với giai đoạn 20062010, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều

Bình quân giai đoạn 20112015, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 5,91%, mặc dù thấp hơn so với giai đoạn 20062010, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và kinh tế thế giới thường xuyên xuất hiện nhiều nhân tố bất lợi thì đây vẫn là mức tăng tương đối tốt. Hơn thế nữa, xu hướng phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét kể từ năm 2013, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng năm 2015 đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra là 6,2% và là mức cao nhất trong cả giai đoạn 2011-2015; trong đó, công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 9,64% là ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng năm 2015. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người cũng tăng hơn 40%, từ 1.532 USD/người năm 2011 lên 2.171 USD/người năm 2015, trong bối cảnh lạm phát được duy trì ở mức thấp đã góp phần nâng cao mức sống thực tế của người dân.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định

Lạm phát được kiểm soát nhờ thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp về tiền tệ tín dụng và tài khóa cũng như cơ chế phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chỉ số CPI giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015 - thấp nhất trong vòng 14 năm qua.

Trên thị trường tiền tệ, lãi suất được điều hành linh hoạt, về cơ bản phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát trong từng thời kỳ. Sau một số năm lãi suất tăng cao do thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, từ năm 2012 đến nay mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh, tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm đáng kể nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách khác nhau (duy trì chính sách lãi suất thấp đối với tiền gửi ngoại tệ, thắt chặt các biện pháp quản lý ngoại hối phù hợp). Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán cuối năm 2014 giảm xuống còn khoảng 10,88% (cuối năm 2011 là 15,8%, cuối năm 2012 là 12,36%) và dự báo năm 2015 còn khoảng 9-10%.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng tốt

Cán cân thương mại được cải thiện. Bình quân cả giai đoạn, tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 18%/năm và trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua. Đến nay, Việt Nam có trên 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD. Về cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng thô và mới sơ chế giảm mạnh trong khi đó tỷ trọng mặt hàng tinh chế tăng lên đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tiếp tục đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các đối tác song phương và đa phương, qua đó, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Xuất khẩu tăng nhanh trong khi nhập khẩu được kiềm chế, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng nên cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt. Trong ba năm liên tiếp 2012-2014, cán cân thương mại của Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thặng dư sau nhiều năm thâm hụt. Mặc dù, năm 2015 nhập siêu quay trở lại, ước khoảng 3,2 tỷ USD (tương đương 1,97% kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn nằm trong mức mục tiêu đề ra (dưới 5% kim ngạch xuất khẩu), nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu (chiếm trên 91,3%).

Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng cải thiện dần

Tăng trưởng đầu tư của Việt Nam (theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2011 - 2014 chỉ đạt 3,85%, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó (giai đoạn 2006 - 2010 đạt 13,42%) do tác động không thuận lợi của kinh tế trong nước và quốc tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt khoảng 31,7% GDP, thấp hơn so với mục tiêu đã được Quốc hội thông qua đầu nhiệm kỳ (là 33,5% đến 35%). Năm 2015, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành ước tăng 12%, tương đương 32,6% GDP và vượt kế hoạch đề ra.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, vốn FDI thực hiện đạt 59,96 tỷ USD, vốn cấp mới và tăng thêm đạt 96,39 tỷ USD, đều vượt mục tiêu đã đề ra (mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là 57,3 - 58 tỷ USD vốn thực hiện, vốn cấp mới và tăng thêm là 86 tỷ USD) nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, phí và hải quan...

Chính sách tài khóa được thực hiện theo hướng tiết kiệm, chặt chẽ, cơ cấu thu chi chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo

Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu NSNN; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn ngoài NSNN còn hạn chế nên những năm qua Việt Nam đã chủ động điều hành bội chi NSNN theo hướng linh hoạt, chấp nhận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bội chi NSNN năm 2015 dự kiến 5% GDP tuy có hơn so với mục tiêu 4,5% GDP đã được Quốc hội thông qua nhưng đã thể hiện xu hướng giảm so với hai năm trước đó (năm 2013 là 6,6%, năm 2014 là 5,69%).

Cơ cấu thu chi ngân sách đã có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn. Trong thu ngân sách, tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ 58% giai đoạn 2006-2010 lên khoảng 68% giai đoạn 2011-2015, đến năm 2015 ước chiếm khoảng 74% tổng thu NSNN. Trong khi đó, sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đang có xu hướng giảm dần. Trong cơ cấu thu nội địa, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh đã trở thành nguồn thu giữ vai trò quan trọng của NSNN. Về chi ngân sách, chi cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, sự nghiệp bảo vệ môi trường tiếp tục được đảm bảo theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Cơ chế phân bổ vốn đầu tư từng bước được thực hiện theo kế hoạch trung hạn, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế; cơ chế phân cấp quản lý đầu tư tiếp tục được hoàn thiện.

Nợ công, nợ Chính phủ và nợ Quốc gia được quản lý chặt chẽ, các chỉ tiêu về nợ nằm trong giới hạn đề ra. Tính đến cuối năm 2015, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% vẫn nằm trong ngưỡng đã được Quốc hội phê duyệt. Cơ cấu vay của Chính phủ thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng vay trong nước, đồng thời vay trong nước đã chủ động thực hiện vay các kỳ hạn dài.

Thị trường tài chính tiếp tục phát triển ổn định, tích cực

Thực hiện tái cơ cấu các NHTM, các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng tiếp tục được rà soát và hoàn thiện, NHNN đã phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với các NHTM cổ phần yếu kém, qua đó năng lực tài chính và khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng đã được triển khai để phát hiện, xử lý và ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo đang diễn ra hiện nay.

Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và tích cực hơn so với giai đoạn trước đó. Các quy định về tái cấu trúc 4 trụ cột của thị trường chứng khoán là cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và hệ thống thị trường ngày càng được hoàn thiện. Năm 2015, mức vốn hoá TTCK tính đến ngày 31/12 đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng (ước đạt 31% GDP của năm 2015), tăng 16% so với cuối năm 2014; dư nợ thị trường trái phiếu tăng khoảng 2,19 lần, lên mức 23,7% GDP; thanh khoản thị trường được cải thiện; số lượng nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư có tổ chức tăng mạnh; năng lực và tính chuyên nghiệp trên thị trường được nâng cao... Đồng thời, quy mô và vai trò của thị trường bảo hiểm được nâng cao, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm được tăng cường, số lượng sản phẩm phát triển đa dạng. Giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu toàn thị trường ước tăng trung bình 17%/năm (đến năm 2015, tương đương khoảng 2% GDP); tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân khoảng 16,5%/năm, đạt 152.543 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần năm 2010.

Những thách thức giai đoạn 2016-2020

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế giai đoạn 2011-2015 nói chung và năm 2015 nói riêng cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đặt ra những thách thức cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 20162020, đó là:

Các cân đối lớn về kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng chưa thực sự bền vững

Bội chi ngân sách của Việt Nam có xu hướng tăng đặt ra một số thách thức lớn đối với yêu cầu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung và dài hạn, nhất là khi áp lực phải tăng chi NSNN đang lớn. Về cán cân thương mại, xuất khẩu vẫn đang dựa vào lợi thế về giá nhân công; hàm lượng giá trị gia tăng của xuất khẩu còn thấp; tỷ trọng nhập khẩu từ các nước có trình độ công nghệ thấp như Trung Quốc có xu hướng tăng.

Hiệu quả sử dụng các nguồn lực chậm cải thiện, chưa thực sự gắn với các định hướng ưu tiên về phát triển

Cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân còn chưa có sự đột phá mạnh nên sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư, phát triển hạ tầng còn hạn chế. Vốn đầu tư cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng, trong khi đó việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn gặp khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế còn thấp so với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm so với yêu cầu

Sự chậm lại về tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 năm qua đang đặt ra một số thách thức về khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực. Đến nay, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Các ngành dịch vụ thâm dụng tri thức, khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, tỷ trọng trong GDP của các ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính - tín dụng còn thấp.

Quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa đạt tiến độ đề ra

Trong tái cơ cấu đầu tư công, thời gian qua chủ mới yếu tập trung vào việc cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ các dự án công, nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng vẫn chủ yếu là đầu tư công.

Nguồn lực để tái cơ cấu ngân hàng chủ yếu từ nguồn trích dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và thông qua hoạt động của Công ty quản lý tài sản. Tuy nhiên, hoạt động của Công ty quản lý tài sản còn gặp một số vướng mắc do những bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu. Trong khi đó, thị trường tín dụng chưa thực hiện được đầy đủ chức năng trung gian tài chính trong việc phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng của nền kinh tế.

Tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp mới ở trên giác độ sắp xếp, cơ cấu lại nội bộ doanh nghiệp mà chưa thực sự chú trọng vào nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng quản trị nội bộ. Bên cạnh đó, tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (quy mô vốn, tài sản).

Định hướng giai đoạn 2016-2020

Để tháo gỡ các khó khăn, rào cản đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế trong giai đoạn qua, giai đoạn 2016 - 2020 cần chú trọng, tập trung vào những định hướng sau:

Tập trung hoàn thiện thể chế; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng với một lộ trình và bước đi phù hợp.

Nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch giữa các địa phương, khắc phục triệt để tình trạng cắt khúc của quy hoạch. Tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, có chính sách khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành.

Tiếp tục củng cố và tái cấu trúc hệ thống tài chính, các NHTM để thực hiện huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội... Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, thị trường bảo hiểm, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các thị trường tài chính. Quyết liệt thực hiện tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, qua đó định vị lại vai trò của khu vực này trong nền kinh tế.

Tăng cường hiệu quả huy động nguồn lực, tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại NSNN. Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với thu hút sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.

Thúc đẩy phát triển các yếu tố tiền đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là về hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các mục tiêu, yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện có kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách, thực hiện phối hợp hiệu quả trong quản lý kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, linh hoạt. Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, thúc đẩy cải cách hành chính.