Phát triển nông nghiệp theo xu hướng công nghệ cao

Theo Phương Minh - Anh Quang/baodansinh.vn

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, để ngành này phát triển bền vững, ngoài những tiến bộ khoa học và công nghệ thì nguồn nhân lực có đủ khả năng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng là một yếu tố quyết định.

 Phát triển nông nghiệp theo xu hướng công nghệ cao. Nguồn: internet
Phát triển nông nghiệp theo xu hướng công nghệ cao. Nguồn: internet

Người nông dân là nòng cốt

Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, yếu tố cần thiết là nguồn vốn. Tuy nhiên, hoạt động ấy có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào con người - nguồn nhân lực chất lượng. Là nước nông nghiệp với nhiều lợi thế từ các sản phẩm nhiệt đới nhưng để biến tiềm năng đó thành hiện thực thì việc đầu tư vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, áp dụng hiệu quả vào sản xuất chính là yếu tố quyết định.

Nhu cầu nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất lớn. Mỗi năm, cả nước cần tới trên một triệu lao động, nhưng đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp, nông thôn chỉ có khoảng 9% có trình độ đại học, cao đẳng; 39,4% trung cấp và 9,8% sơ cấp... Do đó, để thúc đẩy việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, song song với việc ban hành các cơ chế, cần chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Người nông dân cần được đào tạo, huấn luyện để áp dụng được các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số tham gia hoạt động vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, quá trình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, lực lượng nông dân sẽ đóng vai trò nòng cốt. Theo GS. TS Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore cho biết, tại Việt Nam hiện mới 70% nông dân có xu hướng tự tìm hiểu cách sử dụng công nghệ và áp dụng vào sản xuất.

Trong đó, 30% số nông dân này có tinh thần tìm tòi, sáng tạo cao, khả năng tìm được thị thường cho riêng mình nên đã đi tiên phong. 40% nông dân còn lại phải nhờ doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông thuyết phục và quan sát thấy nông dân khác thực hiện có hiệu quả mới áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và cần có doanh nghiệp phối hợp hướng dẫn, bao tiêu đầu ra thì lực lượng này mới có thể làm được.

Đẩy mạnh liên kết “4 nhà”

Nhận định về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp hiện nay, PGS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực lớn cho nông thôn.

Tuy nhiên chất lượng đào tạo, tập huấn để trang bị kiến thức, thái độ, kỹ năng nghiệp vụ về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, nhất là ở các vùng kinh tế khó khăn. Việt Nam đang thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng, chuyên sâu về nông thôn mới, về nông nghiệp.

Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, nội dung chưa bao trùm hết những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về nông thôn mới, thiếu kiến thức sâu về hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, kinh doanh, định hướng thị trường, kiến thức nông dân khởi nghiệp, công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin...

Để nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đạt chất lượng, hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ, tâm huyết giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, doanh nghiệp áp dụng công nghiệp 4.0 hỗ trợ đắc lực nông dân ứng dụng công nghệ cao, chủ động liên kết với các chuyên gia nông nghiệp các nước phát triển cung cấp giải pháp, thiết bị và công thức thực hiện cụ thể, các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao trong nước sẽ ứng dụng phù hợp với thực tiễn.

Về phía chính quyền địa phương các tỉnh, thúc đẩy cách chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, liên kết chặt chẽ giữa nhà nước với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người nông dân, phát huy tiềm năng trong lĩnh vực này.

Theo Đề án phát triển Nông nghiệp công nghệ cao của Bộ NN&PTNT, phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh có ít nhất 10 doanh nghiệp, 10 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1-2 khu nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.