Sử dụng hợp lý nguồn lực lao động cho tăng trưởng và phát triển kinh tế

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Để thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, cần phải khai thác, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Trong đó, lao động được xác định là nguồn lực quan trọng nhất, mang tính quyết định sự thành bại của công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế.

Nguồn lao động đã có được sự dịch chuyển hợp lý hơn

Việt Nam là một nước có lợi thế và tiềm năng về nguồn lao động. Theo Tổng cục Thống kê, dân số cả nước năm 2012 khoảng 88.780.000 người, tăng 1,06% so với năm 2011, gồm: dân số nam 43.920.000 triệu người, tăng 1,09%; dân số nữ 44.860.000 người, tăng 1,04%.

 Việt Nam đang tiếp tục được hưởng lợi từ thời kỳ "dân số vàng". Tốc độ tăng dân số giảm dần, từ 1,16% trong năm 2002 xuống 1,03% trong năm 2012. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tăng nhanh hơn, góp phần làm cho nguồn cung lao động dồi dào, với tỷ lệ tăng trung bình 2,6%/năm, tương đương với 1.200.000 lao động/năm. Đây là con số “mơ ước” để thúc đẩy lực lượng lao động phát triển và là nền tảng cho phát triển kinh tế trong tương lai.

Cụ thể, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60 tuổi) đã tăng từ 39.394.000 người năm 1999 lên tới 53.098.000 người năm 2012, trong đó lao động nam chiếm 51,4%; lao động nữ chiếm 48,6%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2012 là 52.114.000 người.

Điều đáng quan tâm nhất là tình hình chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Đây là địa bàn chiến lược trong phân bổ nguồn lực lao động. Trong khi đó, sự phát triển của công nghiệp trong thời gian vừa qua không thu hút thêm đáng kể lao động, tỷ trọng dân số và lao động thành thị không tăng nhiều trong những năm qua.

Phần lớn lao động ở nông thôn không có tay nghề ra thành phố chỉ làm công việc đòi hỏi trình độ lao động giản đơn, có tính thời vụ, đây là điểm bất lợi về cơ hội cho họ trong việc tìm kiếm việc làm ở thành thị. Lao động làm nông nghiệp đã có xu hướng giảm để chuyển sang làm ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tính trung bình khoảng 6,8%, bình quân mỗi năm giảm khoảng 0,6%.

Cụ thể: lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 71,2% năm 1995 xuống còn 49,5% năm 2010; năm 2011: 48,4% và năm 2012 còn 47,5%; trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng đã tăng từ 11,4% năm 1995 lên 22,2% năm 2010, nhưng sau đó là giảm, năm 2011: 21,3%; năm 2012 còn 21,1%; lao động trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 17,4% năm 1999 lên 26,9 % năm 2010; năm 2011-2012, tăng lần lượt lên 30,3% và 31,4%.

Có thể nói, tiến trình chuyển dịch cơ cấu lao động này là một bước tiến bộ trong phân bổ nguồn lực lao động xã hội gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, là sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, mở rộng dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn đã tạo thêm nhiều chỗ làm mới và tăng thêm việc làm cho người lao động, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 1.200.000-1.4000.000 người, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp ở cả thành thị và nông thôn.

TỶ LỆ THIẾU VIỆC LÀM VÀ TỶ LỆ THẤT NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 2009-2012

                                                                                                  Đơn vị tính: %

Thời gian

Tỷ lệ thiếu việc làm

Tỷ lệ thất nghiệp

 

 

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Năm 2009

 

5,41

3,19

6,30

2,90

4,60

2,25

Năm 2010

 

3,57

1,82

4,26

2,88

4,29

2,30

Năm 2011

Quý 1/2011

Quý 2/2011

 Quý 3/2011

Quý 4/2011

 

2,96

3,86

2,82

2,55

2,58

1,58

2,06

1,55

1,37

1,35

3,56

4,64

3,37

3,06

3,12

2,22

2,82

2,22

1,98

1,80

3,60

4,35

3,59

3,43

2,99

1,60

2,14

1,62

1,34

1,26

9T năm 2012

Quý 1/2012

Quý 2/2012

Quý 3/2012

 

2,74

3,09

2,39

2,75

1,60

2,14

1,19

1,46

3,26

3,51

2,93

3,33

2,01

2,08

1,87

2,06

3,30

3,46

3,12

3,31

1,42

1,46

1,29

1,48

Nguồn: Báo cáo điều tra lao động việc làm 9 tháng đầu năm 2012, Tổng cục Thống kê

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo thành phần kinh tế là hướng rất quan trọng trong phân bổ nguồn lực lao động để khai thác tiềm năng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế nhà nước là khu vực thâm dụng vốn nhiều nhất trong nền kinh tế, nhưng lại tạo được ít việc làm hơn khu vực ngoài quốc doanh. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở khu vực nhà nước năm 2012  chiếm 10,4% tổng lực lượng lao động; khu vực ngoài nhà nước chiếm 86,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,3%.

Điều đáng lưu ý là, số người trong độ tuổi lao động đông không đồng nghĩa với việc thị trường lao động Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp. Bởi, số lao động có tay nghề, có chất lượng của nước ta đang còn rất hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, cho biết tại buổi Hội thảo quốc gia về “Đáp ứng nhu cầu tay nghề hôm nay và mai sau” do Tổ chức Lao động  quốc tế (ILO) phối hợp cùng Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 25/4/2013, thì tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật và công nhân kỹ thuật không có bằng cấp chiếm đến 83,54% trong cơ cấu nguồn cung lao động của Việt Nam trong năm 2012. Lao động có trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá thấp với tỷ lệ tương ứng là 2,56%, 1,61% và 3,61%. Tỷ lệ này cho thấy lao động qua đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội (Ban Mai, 2013). Như vậy, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động đang cùng tồn tại trong nền kinh tế.

Ở thành thị, lao động đã được đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%. Sự chênh lệch này là quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế chung của nước. Trong khi đó, lượng lao động từ nông thôn đến thành thị tìm việc làm rất lớn. Nhưng, mục đích chính của những lao động này lên thành phố không phải để học nghề, học việc mà tham gia vào các công việc mang tính chất thời vụ, buôn bán hoặc làm những công việc không đòi hỏi trình độ, tay nghề.

Do chất lượng lao động không cao, cộng với sự khó khăn của nền kinh tế, nên số người thất nghiệp đang gia tăng. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01/10/2012, cả nước có 984.000 người thất nghiệp và 1.369.000 người thiếu việc làm. Trong đó, người thiếu việc làm ở nông thôn là 1.144.000 người cao hơn số người thiếu việc làm tại thành thị rất nhiều (225.000 người). Số người thất nghiệp ở khu vực thành thị là 496.000, khu vực nông thôn là 488.000 người. 

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị là 1,58%, khu vực nông thôn là 3,35%. Tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012.

Hơn nữa, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nguồn lực lao động được phân bố giữa thành thị và nông thôn đang diễn ra theo hướng dân số và lao động ở khu vực thành thị tăng lên. Đây là một thực trạng của đa số các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang gây sức ép rất lớn về mức gia tăng dân số cơ học, trong khi kết cấu hạ tầng, như: đường sá, cầu cống, nhà ở... chưa đáp ứng được nhu cầu, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều vấn đề tệ nạn xã hội khác.

Để sử dụng nguồn lực lao động hợp lý hơn

Thứ nhất, hoàn thiện khung thể chế, luật pháp đảm bảo cho sự phân phối bình đẳng và hợp lý nguồn lực lao động. Cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho vận hành của thị trường lao động hoạt động hiệu quả. Điều này sẽ thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực lao động một cách hiệu quả và hợp lý; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, vùng lãnh thổ và thành phần kinh tế một cách hợp lý và hiệu quả. Đảm bảo cho người lao động có quyền tự do tìm kiếm việc làm, đồng thời các doanh nghiệp được tự do tuyển chọn người lao động khi có nhu cầu, cũng như việc tiết giảm nhân công khi không có nhu cầu.

Thứ hai, về tổ chức quản lý và sử dụng nguồn lực lao động: Phải xây dựng được cơ chế quản lý và sử dụng sao cho người lao động có động lực yên tâm công tác, phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân. Cụ thể, phải xây dựng tốt các chính sách sau:

- Chính sách trọng dụng nhân tài là một chính sách rất cơ bản. Nhân tài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân cư của các quốc gia - vào khoảng 2-3%. Nếu số nhân tài nhỏ bé này không được trọng dụng, thì sẽ không có nhân tài quản lý sử dụng đông đảo những người lao động còn lại. Điều đáng nói là, chính sách nhân tài phải có tính cạnh tranh cao với các quốc gia khác về các mặt đãi ngộ, tạo điều kiện làm việc, giao cho họ những trọng trách xứng với tài năng… Thị trường nhân tài là thị trường hiện đang được quốc tế hóa mạnh nhất, do vậy quốc gia nào có cơ chế chính sách tốt sẽ thu hút được nhân tài và ngược lại.

- Chính sách lương bổng cũng cần được chú ý. Nói chung, hầu hết các nước phát triển đều có mức lương tương đương nhau đối với các nhân tài. Trung Quốc đã thực hiện chính sách giữ nguyên lương cho các chuyên gia cao cấp nếu từ nước ngoài về Trung Quốc làm việc. Tại Singapore, lương của các bộ trưởng còn cao hơn lương của Tổng thống Mỹ, để không chỉ khuyến khích họ làm việc tốt, mà còn là một rào cản chống tham nhũng.

Trong khi tại Việt Nam, những chính sách này không được chú trọng. Chính vì thế, tình trạng chảy máu chất xám là khá phổ biến. Tại một hội thảo được tổ chức tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) ngày 29/1/2013, TS. Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, từ ngày thành lập trung tâm đến nay là 8 năm, đã có 60 người xin nghỉ việc, riêng năm 2012 con số này là 22 người. Nguyên nhân chung quy là do trung tâm chưa xây dựng xong cơ sở vật chất và do đồng lương quá thấp, các chuyên gia, trí thức không thể chấp nhận đồng lương còm cõi (Mai Vọng, 2013).

Ngay cả việc thu hút nhân tài, cụ thể là các thủ khoa tình nguyện về cống hiến cho Hà Nội cũng cho thấy nhiều điểm không rõ ràng. Theo thống kê của TSKH. Võ Đại Lược, trong 9 năm qua, Hà Nội đã tuyên dương 973 thủ khoa, nhưng chỉ có 100 thủ khoa về công tác tại các cơ quan của Hà Nội, và cũng chưa có xác minh trong 100 người này còn bao nhiêu vẫn còn đang làm việc tại Hà Nội. “Điều này chứng tỏ là phải chạy chọt mới vào làm việc tại các cơ quan của Hà Nội, nên những người giỏi không dễ có thể được tiếp nhận”, ông Lược thẳng thắn.

Thứ ba, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại và cạnh tranh quốc tế. Theo đó, cần xây dựng các trung tâm đại học ở các vùng, thay vì phân tán ở các tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trực tiếp quản lý các trung tâm đại học cấp vùng, chứ không phải giao cho các tỉnh quản lý như hiện nay. Cùng với đó, chương trình và giáo trình phải hiện đại, cập nhật, liên kết, liên thông với thế giới; Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy trí sáng tạo tự chủ của học sinh, thay cho cách học nhồi nhét tri thức; Khuyến khích các trường đại học đẳng cấp quốc tế trong Top 200 đặt chi nhánh tại Việt Nam; Các trường phổ thông đổi mới theo hướng gắn nhiều hơn với giáo dục nghề.

Thứ tư, phải có chính sách thu hút người tài về nông thôn để phát triển nông thôn, nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Hiện nay, nhiều địa phương đã có chính sách này với các hình thức đãi ngộ bằng tiền, bằng hiện vật. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là sau những rầm rộ với bản thành tích dài dặc vì đã chào đón, thu hút được bao nhiêu người tài về địa phương xây dựng nông thôn, thì sự việc lại rơi vào quên lãng. Bởi, các địa phương sau khi thu hút người tài về không biết sắp xếp công việc ra sao? Hoặc bản thân những người được thu hút về “chán nản bỏ đi” sau một thời gian ngắn sống và làm việc trong không khí bon chen, xét nét và bị cô lập. Nguyên nhân là do họ không được quyền chủ động, không thể được đứng ngay ở vị trí cao, mà dưới quyền người “kém hơn mình một cái đầu”, thì mọi sự sáng tạo cũng không thể được chào đón.

Bên cạnh đó, để cân đối nguồn lao động giữa thành thị và nông thôn, cần phải có chính sách hợp lý đối với lao động nhập cư vào các thành phố vrrg cả hộ tịch, các chế độ an sinh xã hội phù hợp với xu hướng đô thị hóa đang gia tăng ở Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường các biện pháp thực thi những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sáng tác phát huy tinh thần sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ cho đất nước. Đảm bảo chế độ chính sách cho lao động trí tuệ được hưởng xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.

Trong Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 xác định: "Đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ theo hướng tạo động lực và lợi ích thiết thực để giải phóng và phát huy sức sáng tạo của cán bộ khoa học. Áp dụng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Bảo đảm lợi ích chính đáng của các tác giả có phát minh, sáng chế"
__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11/4/2012

2. Tổng cục Thống kê (2012). Báo cáo điều tra lao động việc làm 9 tháng đầu năm 2012

3.  Võ Đại Lược (2013). Phát triển nguồn nhân lực hướng tới tăng trưởng bền vững, tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, Huế, ngày 26/9/2013

4. Ban Mai (2013). Lực lượng lao động vẫn "thừa lượng, thiếu chất”, Thời báo Kinh tế Sài gòn online, truy cập từ http://mobile.thesaigontimes.vn/ArticleDetail.aspx?ID=95327

5. Mai Vọng (2013). Lương thấp, sao giữ được nhân tài?, Báo Thanh niên online, truy cập từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130129/luong-thap-sao-giu-duoc-nhan-tai.aspx