Sự hòa hợp của chuẩn mực kế toán: Vận dụng hệ số modified jaccard trong hàng tồn kho

TS. Nguyễn Anh Hiền - Đại học Sài Gòn, ThS. Phạm Thị Thùy Thanh - Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Trên thế giới và tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các phương pháp khác nhau để đánh giá mức độ hòa hợp của chuẩn mực kế toán quốc gia và chuẩn mực kế toán quốc tế. Nghiên cứu này sử dụng hệ số Jaccard có điều chỉnh nhằm xem xét, đánh giá mức độ hoà hợp của chuẩn mực kế toán về hàng tồn kho của Việt Nam và quốc tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế về hàng tồn kho đạt mức 80,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ năm 2001, Bộ Tài chính đã xây dựng hệ thống Chuẩn mực kế toán (CMKT) Việt Nam (VAS) dựa trên hệ thống CMKT quốc tế (IAS). Mặc dù được xây dựng với nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhưng VAS vẫn có mức độ hòa hợp chưa cao so với IAS.

Lựa chọn IAS/IFRS làm cơ sở để xây dựng hệ thống CMKT là một sự lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, khoảng cách giữa VAS và IAS, đặc biệt là các CMKT về tài sản vẫn còn khá lớn đã ảnh hưởng đến quá trình hội nhập và hoàn thiện CMKT của nước ta.

Vì vậy, việc tìm hiểu mức độ hòa hợp của VAS và IAS có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá mức độ hòa hợp, tìm nguyên nhân và đưa ra định hướng cho việc hoàn thiện các CMKT Việt Nam nói chung.

Cơ sở lý thuyết

Chuẩn mực kế toán Việt Nam về hàng tồn kho (HTK) (VAS02) được ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính. VAS02 quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán (KT) đối với HTK.

Đến nay, VAS02 chưa được sửa đổi lần nào. Tuy nhiên, một số nội dung của VAS 02 được thay đổi bởi chế độ kế toán doanh nghiệp (KTDN) ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.

Như vậy, khi xem xét mức độ hòa hợp của VAS 02 và CMKT quốc tế thì cần xem xét ở cả VAS 02 và một số nội dung được hiệu chỉnh bởi chế độ KTDN. 

Trên thế giới và tại Việt Nam có nhiều nghiên cứu về sự hòa hợp của CMKT quốc gia và CMKT quốc tế sử dụng các phương pháp khác nhau như thống kê mô tả; các chỉ số hài hòa về mặt đo lường (M-DJCS), khai báo thông tin (D-DJCS) và tổng hợp (O-DJCS); Hệ số Jaccard có điều chỉnh (Modified Jaccard’s Coefficient), Chỉ số Absence, Chỉ số Divergence, Khoảng cách Average (Average Distance)…

Trong đó, một số nghiên cứu sử dụng hệ số Jaccard để xem xét mức độ hòa hợp của CMKT quốc gia và CMKT quốc tế như Yu & Qu (2009) áp dụng khi đo lường mức độ hoà hợp giữa CMKT Trung Quốc và CMKT quốc tế; Lasmin (2011) đo lường mức độ hòa hợp giữa CMKT Indonesia và chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế...

...

Kết quả và thảo luận

Căn cứ nội dung của VAS 02, chế độ KT DN hiện hành và IAS 02, kết quả xác định các loại yêu cầu của từng nguyên tắc KT được trình bày ở bảng 1, kết quả xác định các chỉ số a, b, c, d và hệ số JACC thể hiện ở bảng 2.

Qua kết quả tính toán và phân tích ở bảng 2, ta thấy VAS 02 đến nay chỉ có độ hoà hợp ở mức trung bình so với IAS 02 (đạt ở mức 63.41%). Điều này là do VAS 02 ban hành năm 2001 dựa trên CMKT quốc tế ban hành trước năm 2003.

Tuy vậy, CMKT Việt Nam nói chung và VAS 02 nói riêng sau khi ban hành đã không được cập nhật mặc dù CMKT quốc tế đã có những thay đổi, bổ sung.

Việc sửa đổi, bổ sung các VAS được thực hiện thông qua chế độ KT dẫn đến khi xem xét mức độ hòa hợp của KT Việt Nam và quốc tế phải dựa trên các VAS và chế độ KT hiện hành.

Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy các thay đổi, bổ sung CMKT thông qua chế độ KT DN ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC đã làm tăng mức độ hòa hợp kế toán HTK của Việt Nam lên 80.5% so với IAS 02.

Điều này cho thấy Thông tư 200/2014/TT-BTC đã có những thay đổi tích cực để phù hợp với thông lệ quốc tế như cho phép sử dụng phương pháp giá vốn chuẩn và phương pháp giá bán lẻ để định giá HTK; bãi bỏ việc sử dụng phương pháp nhập sau xuất trước khi tính giá trị xuất HTK.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số khác biệt giữa qui định của VAS 02 và chế độ KT Việt Nam so với IAS 02 như IAS 02 cho phép việc lập dự phòng giảm giá HTK có thể thực hiện đối với một nhóm các hàng hoá có liên quan trong khi KT Việt Nam thì không cho phép việc này.

Như vậy, có thể thấy mức độ hòa hợp của KT Việt Nam về HTK sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 200/2014 đã tăng đáng kể so với qui định của VAS 02 và hiện đạt ở mức 80.5%.

...

Kết luận và khuyến nghị giải pháp

Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần gia tăng mức độ hòa hợp của KT Việt Nam với CMKT quốc tế như sau:

Một là, cần cho phép DN được lập dự phòng giảm giá HTK đối với một nhóm các hàng hoá có liên quan. Điều này ngoài việc giúp tăng độ hòa hợp của KT Việt Nam và quốc tế còn giúp DN giảm bớt công sức và thời gian trong việc lập dự phòng giảm giá HTK trong trường hợp có nhiều mặt hàng tương tự nhau mà vẫn đảm bảo tính phù hợp của giá trị thuần có thể thực hiện được.

Hai là, Việt Nam cần thường xuyên cập nhật hệ thống CMKT theo IAS/IFRS bởi vì các VAS được soạn thảo từ năm 2000 đến 2005 theo CMKT quốc tế, tuy nhiên cho đến nay, VAS vẫn chưa được cập nhật, bổ sung những thay đổi của các CMKT quốc tế đã sử dụng để soạn thảo CMKT Việt Nam cũng như các chuẩn mực mới ban hành sau năm 2005.

...

Bài viết chi tiết mời độc giả xem trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 7/2018.