Sửa Luật để nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) được xem là đạo luật gốc trong thể chế và quản lý tài chính công. Chính vì thế, trong một cuộc hội thảo gần đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp đã nhận định, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến Luật NSNN là vấn đề phức tạp, cần phải xem xét kỹ lưỡng.

 Dự kiến ngân sách xã, thị trấn sẽ được phân cấp khoản thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nguồn: internet
Dự kiến ngân sách xã, thị trấn sẽ được phân cấp khoản thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nguồn: internet

Quan điểm xuyên suốt của Luật sửa đổi sắp tới là phải hướng tới việc nâng cao hiệu quả quá trình phân bổ, sử dụng và quản lý tài chính công, tạo động lực phát triển các nguồn lực tài chính trong xã hội.

Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và các văn bản hướng dẫn Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thống nhất trong việc quản lý NSNN, đảm bảo quản lý NSNN chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tiềm lực tài chính quốc gia và quy mô NSNN ngày càng được nâng cao qua các năm. Thu NSNN năm 2012 gấp 4,87 lần so với năm 2003, tốc độ thu bình quân tăng trên 20% năm. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN ngày càng cao, từ 51,7% năm 2003 lên 64,3% năm 2012. Thu NSNN đã đảm bảo đủ chi thường xuyên, chi trả nợ và tăng dần tích lũy cho đầu tư phát triển.

Trong cơ cấu chi NSNN tiếp tục duy trì mức độ hợp lý cho đầu tư phát triển, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô của NSNN ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hôi phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tốc độ tăng chi đầu tư phát triển bình quân trên 16,2%/năm, chiếm trên 20% tổng mức chi đầu tư toàn xã hội.

Trong khi đó, NSNN cũng tập trung mạnh cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề chiếm 20%, cũng như dành một nguồn lực quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương và hướng vào thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...

Theo Bộ Tài chính, Luật NSNN sửa đổi sẽ đổi mới phương thức quản lý NSNN phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, tăng cường phân cấp quản lý ngân sách, đảm bảo tính thống nhất của NSNN và vai trò chủ đạo của NSTƯ, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của ngân sách các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng NSNN.

Trên cơ sở đó, nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong quản lý NSNN; kiểm soát chặt hoạt động thu - chi, nâng cao kỷ luật kỷ cương trong quản lý tài chính - ngân sách, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

Hạn chế lồng ghép ngân sách

Hệ thống NSNN hiện nay mang tính lồng ghép, NSNN bao gồm ngân sách trung ương (NSTƯ) và ngân sách địa phương (NSĐP), NSĐP bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp ở địa phương; ngân sách cấp dưới là một bộ phận hợp thành của ngân sách cấp trên. Quy định này tạo sự trùng lặp về thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp chưa thật rõ ràng, nhất là chưa thực sự đảm bảo quyền tự chủ của cấp dưới. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, định hướng lâu dài cần thực hiện mô hình các cấp ngân sách không lồng ghép, khi đó nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp ngân sách được quy định rõ ràng hơn, mỗi cấp ngân sách có thời gian và điều kiện để xem xét chi tiết, kỹ lưỡng ngân sách cấp mình.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh khoảng cách phát triển giữa các địa phương ở nước ta khá lớn, trình độ quản lý ngân sách các địa phương không đồng đều, cho nên vẫn kiến nghị thực hiện hệ thống NSNN lồng ghép. Để từng bước hạn chế tính lồng ghép của hệ thống ngân sách, cần sửa đổi, bổ sung Luật NSNN theo hướng: Chi NSNN, Quốc hội chỉ quyết định tổng chi, bao gồm chi NSTƯ và chi NSĐP. Đối với NSĐP, Quốc hội chỉ quyết định chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách.

Đặc biệt, không quyết định trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Phương án này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động hơn trong phân bổ và quyết định chi NSNN. Không những thế, chi ngân sách sẽ sát với yêu cầu của từng địa phương, từng lĩnh vực; hạn chế tính hình thức của HĐND các địa phương khi quyết định NSNN.

Mạnh dạn hơn, trong một cuộc hội thảo mới đây do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức về chủ đề này, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Lê Văn Hoạt đề nghị xóa bỏ tính lồng ghép ngân sách, thực hiện ngân sách từng cấp độc lập. "Ngân sách cấp nào do cấp đó quyết định. Quy định Quốc hội chỉ quyết định NSTƯ trong đó có phần bổ sung cho ngân sách địa phương, phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSTƯ; ngân sách các cấp chính quyền địa phương do HĐND các cấp quyết định", ông Hoạt đề xuất.

Tuy nhiên, trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội mới đây, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội phương án: Quốc hội quyết định dự toán NSNN và phân bổ NSTƯ, phê chuẩn quyết toán NSNN. Bởi Nhà nước ta là thống nhất, tài chính nhà nước và NSNN là thống nhất. Vì vậy, việc giao thẩm quyền quyết định dự toán NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN cho Quốc hội là phù hợp với vị trí, vai trò và tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Điều chỉnh một số khoản thu

Về phân cấp nguồn thu, theo Bộ Tài chính cơ bản các khoản thu NSTƯ hưởng 100% và NSĐP hưởng 100% vẫn giữ nguyên như hiện hành, đồng thời, dự án Luật NSNN sửa đổi quy định có điều chỉnh một số khoản thu khác.

Ví dụ, đối với 5 khoản thu phân chia cho ngân sách xã, thị trấn theo quy định hiện hành, ngân sách xã, thị trấn được hưởng tối thiểu 70% và khoản thu lệ phí trước bạ ngân sách thị xã, thành phố thuộc tỉnh được hưởng tối thiểu 50% đang gây nhiều bất cập. Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt, quy định này không những làm hạn chế quyền của địa phương mà còn gây bất hợp lý như một số xã có nguồn thu lớn, sẽ dẫn tới tình trang có xã thì thừa nguồn đảm bảo nhiệm vụ chi, có xã thu ít thì không đảm bảo nhiệm vụ chi. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ không thể điều hòa ngân sách giữa các xã.

Dự kiến quy định trên sẽ được sửa theo hướng: Ngân sách xã, thị trấn được phân cấp các khoản thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh, thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình, lệ phí trước bạ nhà, đất để đảm bảo chủ động thực hiện các nhiệm vụ chi của các đơn vị hành chính này. Việc quyết định tỷ lệ phần trăm để lại cụ thể sẽ do HĐND tỉnh quyết định theo tình hình thực tế địa phương.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phân chia cho NSĐP cũng nhận được nhiều ý kiến từ lãnh đạo một số địa phương. Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị giao Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP. Hồ Chí Minh đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa Trung ương và TP. Hồ Chí Minh. “Nhưng trên thực tế, tỷ lệ điều tiết năm 2002 là 24%, năm 2003 là 33%, sau đó là 29% (từ năm 2004-2006), 26% (2007-2010), 23% (2011-2015). Với mức điều tiết như vậy, TP. Hồ Chí Minh sẽ gặp khó khăn cho chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và trả lãi vay”, bà Phạm Phương Thảo cho biết.

Trên cơ sở những hạn chế từ phân cấp ngân sách hiện nay, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Trần Kim Hùng đề nghị, phân cấp ngân sách cần phải xem xét đến điều kiện năng lực thực tế từng địa phương và cơ chế để thực hiện các dự án đầu tư theo vùng để giảm tính bất bình đẳng giữa các địa phương. Phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cũng cần phải thống nhất đầu mối, không để quá nhiều chương trình mục tiêu, nhiều chủ đầu tư khiến địa phương thiếu tính chủ động và trách nhiệm giải trình trong thực hiện phân cấp. Đồng thời, cần hình thành cơ chế để chính quyền địa phương có thêm sự tự chủ trong quyết định phân bổ nguồn lực.