Sửa Luật Doanh Nghiệp: Tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Thực tiễn phát sinh và bối cảnh hội nhập đang đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005 nhằm phù hợp với quá trình hoạt động và phát triển của DN.

Nhiều hoạt động DN cần được điều chỉnh bổ sung khi sửa Luật Doanh nghiệp. Nguồn: baohaiquan.vn
Nhiều hoạt động DN cần được điều chỉnh bổ sung khi sửa Luật Doanh nghiệp. Nguồn: baohaiquan.vn

Luật hóa hình thức sáp nhập

Được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2005 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2006, Luật DN 2005 là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong những năm qua, Luật DN 2005 đã góp phần to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho toàn dân tham gia hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, nền kinh tế đã có những thay đổi lớn, do đó nhiều quy định trong Luật DN năm 2005 đã không còn phù hợp, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng chưa được điều chỉnh trong luật. Trong quá trình hội nhập song phương và đa phương với khu vực cũng như thế giới, nhiều vấn đề của hoạt động DN cần được sửa đổi, bổ sung. Thực tế này cho thấy việc sửa đổi Luật DN 2005 là cần thiết khách quan và cấp bách.

Trong vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế rơi vào vòng xoáy khó khăn, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) DN nhiều lúc, nhiều nơi trở nên sôi động. Thực tế cho thấy DN đang thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động mua bán và sáp nhập. Luật DN hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc nêu khái niệm sáp nhập DN và không đề cập đến các hình thức sáp nhập. Luật Cạnh tranh cũng không quy định rõ ràng, vì vậy việc thiếu các quy định cụ thể điều chỉnh các hình thức sáp nhập có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và thực hiện khác nhau.

Theo luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn Luật sư Hà Nội, trên thực tế, hiện nay đang tồn tại một số hình thức sáp nhập cần được luật hóa. Thứ nhất là sáp nhập DN thông qua việc công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ vốn sang công ty nhận sáp nhập. Hình thức này phổ biến nhất hiện nay đối với các công ty chưa đại chúng. Thứ hai là sáp nhập DN thông qua cách thức công ty nhận sáp nhập phát hành cổ phần để đổi lấy 100% cổ phần/phần vốn góp từ công ty bị sáp nhập. Đây là loại hình sáp nhập diễn ra tương đối phổ biến trong thời gian qua. Hình thức sáp nhập thứ ba cần được luật hóa trong Luật DN sửa đổi là sáp nhập thông qua việc định giá chuyển 100% giá trị công ty bị sáp nhập và toàn bộ người lao động sang công ty nhận sáp nhập.

Đưa ra kiến nghị sửa đổi một quy định khác về điều kiện họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), bà Ngô Thị Hà, luật sư, chuyên viên pháp chế, Phòng Pháp chế, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex cho biết, Luật DN năm 2005 quy định điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ với tỷ lệ rất cao (lần thứ nhất là ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và lần thứ hai là ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết). Với quy định như vậy, đối với các công ty cổ phần có ít cổ đông thì việc triệu tập ĐHĐCĐ có thể là đơn giản, tuy nhiên, đối với các công ty đại chúng có vài hàng trăm, thậm chí là vài nghìn cổ đông thì việc triệu tập cổ đông đạt tỷ lệ theo luật định quả là việc không dễ. Trên thực tế, đã có nhiều công ty cổ phần đại chúng đã không thể tiến hành họp ĐHĐCĐ vì không đạt được tỷ lệ theo quy định.

Theo bà Ngô Thị Hà, những quy định này gây quan ngại cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, gây khó khăn cho các công ty cổ phần đại chúng, đặc biệt là các công ty niêm yết trong việc tổ chức họp ĐHĐCĐ. Vì vậy, liên quan đến vấn đề này, bà Hà kiến nghị sửa đổi Luật DN năm 2005 theo tinh thần cam kết gia nhập WTO của Việt Nam tức là chấp thuận tỷ lệ được tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ theo hướng: lần thứ nhất chỉ cần tối thiểu 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và tỷ lệ giảm dần trong các lần tổ chức họp kế tiếp.

Tách bạch phạm vi điều chỉnh

Theo luật gia Cao Bá Khoát, Công ty tư vấn K và Cộng sự, Luật DN hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập lớn, một trong những vấn đề cơ bản là cấu trúc Luật DN nên được tách bạch rõ ràng giữa phạm vi điều chỉnh và hoạt động đầu tư, kinh doanh… theo luật chuyên ngành các lĩnh vực. Phạm vi điều chỉnh của Luật DN là việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DN, còn phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư là hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh. Nhưng khi đi vào chi tiết cụ thể thì hai luật này lại chồng chéo nhau. Liên quan đến vấn đề hoạt động của DN, đáng lẽ ra Luật Đầu tư chỉ cần điều chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng trên thực tế lại điều chỉnh cả việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN bằng quy định tại Điều 20 Luật DN 2005 là “Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Quy định này đã dẫn đến sự chồng chéo chức năng giữa các cơ quan đăng ký DN.

Theo luật gia Cao Bá Khoát, việc liệt kê 11 đạo luật chuyên ngành theo Điều 3 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật DN là chưa đầy đủ gây khó khăn cho thực thi Luật. Chẳng hạn, khi có sự khác biệt giữa Luật DN với các luật khác khá đặc thù nhưng không trong nhóm 11 luật được liệt kê tại Nghị định 102 như Luật Kế toán, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dạy nghề, Luật Nhà ở, Luật Dược... thì giải quyết như thế nào? Nếu hiểu theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102 đương nhiên phải áp dụng Luật DN. Điều này khiến cho những quy định về thành lập DN, tổ chức quản lý trong các đạo luật chuyên ngành sẽ không còn tác dụng nữa.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia và luật sư cũng cho rằng, đăng ký DN là thủ tục khai sinh ra DN xuất phát từ ý tưởng thành lập DN, còn việc DN hoạt động hay đầu tư như thế nào là quá trình phát triển ý tưởng kinh doanh. Nhà nước cần ban hành cơ chế quản lý hệ thống đăng ký DN thống nhất ở một cơ quan, thuộc sự quản lý thống nhất ở một Bộ và cần có một văn bản pháp quy điều chỉnh việc quản lý của Nhà nước đối với việc đăng ký DN.

Sau 8 năm thực hiện, nhu cầu thực tiễn đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật. Định hướng sửa đổi là tiếp tục thực hiện những mục tiêu của Luật DN 2005 chưa đạt được, bên cạnh đó là sửa đổi các quy định của Luật chưa rõ ràng, không còn phù hợp, lạc hậu đồng thời bổ sung những quy định về vấn đề mới phát sinh. Dự thảo Luật DN sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp giữa năm 2014 và dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm. Những vấn đề thực tiễn phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung đang được các chuyên gia góp ý nhằm xây dựng một đạo luật gốc về hoạt động của DN, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.

Ông Mai Đình Mạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam:

Khi sửa đổi Luật DN năm 2005 cần rà soát các luật chuyên ngành để có sự bổ sung, hiệu chỉnh cho phù hợp và đồng bộ hệ thống pháp luật hiện hành, để các luật ban hành có sự thống nhất áp dụng. Như vậy mới phát huy tính hiệu quả cao, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Luật DN cũng cần nghiên cứu sửa đổi quy định về giải thể, dừng hoạt động, nhất là điều kiện để thành lập DN, tránh tình trạng hoạt động phá sản, giải thể một cách nhanh chóng khi DN mới gặp những khó khăn bước đầu như thời gian vừa qua.

TS. Nguyễn Thị Yến, Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội:

Luật DN 2005 đặt ra nhiều quy định về thủ tục hành chính và thời hạn thực hiện các thủ tục đó đối với DN như thủ tục thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh, thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh việc thành viên thay đổi loại tài sản góp vốn đã cam kết…

Những quy định này trên thực tế không có nhiều ý nghĩa, vì chỉ mang tính chất thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng lại khiến DN và cổ đông, thành viên gặp nhiều phiền phức khi thực hiện. Do đó, nên bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với DN, cụ thể là bãi bỏ những thủ tục thông báo, đăng ký không cần thiết với cơ quan đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của DN, đồng thời khiến các quy định pháp luật có tính khả thi cao hơn.