Sức ép hội nhập từ AEC và động lực tạo lập vị thế của Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ MINH CHI

Làm thế nào để phát huy vai trò to lớn của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong sự hòa hợp của các quốc gia thành viên? Sự nỗ lực của mỗi quốc gia trong quá trình hội nhập AEC mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn lực từ bên ngoài, tuy nhiên đi kèm với đó là sức ép lớn phải đổi mới đối với các nước thành viên, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bối cảnh của Việt Nam trước thềm hội nhập AEC

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác tối đa các ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực được cắt giảm dần về 0%. Tuy nhiên, theo điều tra về nhận thức và sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) đến AEC của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), phần lớn các DN Việt Nam có hiểu biết và nhận thức rất hạn chế về AEC. Cụ thể, 76% số DN được điều tra không biết về AEC và 94% DN không biết về Biểu đánh giá thực hiện AEC.

Trong khi đó, chỉ còn vài tháng nữa AEC sẽ chính thức thành lập, bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, với 4 tiêu chí chính: (i) Một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất; (ii) trở thành khu vực kinh tế cạnh tranh; (iii) các nền kinh tế phát triển một cách bình đẳng, công bằng; (iv) AEC có thể hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là cần trang bị kiến thức đầy đủ cho người dân của mỗi nước khi tham gia về AEC để họ có thể nhìn nhận được những lợi ích khi tham gia vào tổ chức này. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần có một Ban Thư ký - cơ quan điều hành đủ năng lực và quyền lực để điều phối hoạt động của các nước thành viên trong khu vực. Khi đó, việc thành lập AEC sẽ đạt được như mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020.

Sự ra đời của AEC và cơ hội cho Việt Nam

Nếu AEC được hình thành trong năm nay, sẽ là sự liên kết về kinh tế trên cơ sở sản xuất thống nhất, hướng tới tự do thương mại về đầu tư, chu chuyển vốn, lao động, dịch vụ. Việt Nam tham gia AEC sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế như:

Thứ nhất, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực, trước hết là chuỗi cung ứng giá trị hàng nông sản và các sản phẩm chế tạo trung gian. Điều này, một mặt, gia tăng khả năng sáng tạo giá trị nghĩa là làm tăng GDP; mặt khác, cải thiện năng lực cạnh tranh, khai thác hiệu quả nguồn lực bên trong và bên ngoài cũng như tạo lợi thế theo quy mô. Việc làm và thu nhập của dân cư tăng lên và người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội lớn hơn để tiêu dùng nhiều loại hàng hóa được sản xuất trong ASEAN.

Thứ hai, tạo ra lợi ích lớn hơn cho Việt Nam khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước bên ngoài khu vực, bởi việc hình thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) theo mô hình của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong nội bộ châu Á, sẽ loại bỏ thuế quan đối với khoảng 90% hàng hóa trong một khoảng thời gian khá dài.

Thứ ba, thúc đẩy quá trình thực hiện các đột phá chiến lược để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ. Đường lối hội nhập quốc tế chủ động, tích cực được thực hiện thành công.

Thứ tư, giảm bớt rủi ro trong xuất - nhập khẩu từ việc giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, tăng sự thay thế của thị trường ASEAN đối với thị trường Trung Quốc. Theo các tác giả Ngô và Ðặng (2014), ASEAN có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác thông qua các thỏa thuận thương mại tự do riêng rẽ.

Sức ép đối với doanh nghiệp Việt Nam

Nỗi lo thua trên sân nhà của Việt Nam, không phải là không có cơ sở. Đến khi nào DN Việt Nam mới thực sự hội nhập? Dư luận gần đây cũng đã đưa ra rất nhiều lập luận và bằng chứng để chứng minh cho quan điểm này:

Thứ nhất, trong AEC Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất, các DN Việt Nam đứng trước 5 thách thức là cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu với chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao. Bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vẫn thiếu năng lực thể chế để có thể theo kịp tốc độ liên kết kinh tế của các thành viên cũ là ASEAN-6.

Thứ hai, người lao động Việt Nam có năng suất làm việc và kỷ luật lao động thuộc “top” thấp nhất trong khu vực. Thiếu lao động có trình độ, kỹ năng cao. Vị trí của Việt Nam về năng suất lao động xếp thứ 6 trong khu vực (giai đoạn 2009 – 2012). Thêm vào đó, hiện nay, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam là bốn nước chưa có khung nghề chuẩn quốc gia, trong đó Việt Nam còn gặp khó khăn gấp bội vì thiếu sự chuẩn bị và còn nhiều rào cản.

Thứ ba, sự chuẩn bị của Việt Nam khi bước vào “sân chơi chung” AEC hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tuy đã và đang diễn ra nhưng vẫn còn chậm so với tốc độ chung, nhiều chính sách còn chậm được sửa đổi và ban hành; việc quan tâm, tìm hiểu và đề ra các bước đi thích hợp của rất nhiều DN về AEC hay TPP còn rất ít, thậm chí mơ hồ về AEC và TPP.

Định hướng mang tính chủ động cho Việt Nam

Đối với Chính phủ

- Tạo ra các rào cản hợp pháp, kịp thời và hiệu quả bảo hộ các DN nội địa, bởi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với sự lấn sân ồ ạt vào thị trường của các DN nước ngoài.

- Xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm, hàng hóa: Một mặt, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; mặt khác tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Xây dựng chính sách thu hút nhân tài tránh tình trạng chảy máu chất xám khi lao động lành nghề nước này sẽ đi tìm những công việc có thu nhập cao hơn ở Thái Lan, Singapore và Malaysia khi AEC cho phép luân chuyển tự do lao động trong khu vực.

- Thúc đẩy công tác tuyên truyền các nước thành viên ASEAN trong cộng đồng nói riêng và ASEAN nói chung trong dân cư và nhất là học sinh, sinh viên; thực hiện rà soát chính sách; tăng cường năng lực cải cách thể chế.

- Tổ chức các cuộc đối thoại không chính thức giữa Chính phủ và các DN với mục đích là nhằm thu thập những phản hồi từ các bên liên quan về những sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực và sự phát triển tiếp theo của ASEAN sau năm 2015.

- Tổ chức những hội nghị quy mô lớn đối với từng ngành hoặc các ngành dịch vụ như giáo dục, du lịch, bảo hiểm… và các chương trình huấn luyện dài hạn. Trong đó, bao gồm cả việc phổ biến về những FTA khác với Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc.

Đối với các DN Việt Nam

- Thực hiện hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài uy tín ở các nước trong khu vực. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất, một mặt tranh thủ đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn nước ngoài nhằm có những bước chuẩn bị vững chắc, trước khi gia nhập AEC.

- Tăng cường tìm đầu ra và thị trường mới cho sản phẩm. Bên cạnh đó DN cũng cần nhận thức rằng AEC 2015 sẽ tạo ra môi trường xuất nhập khẩu phi thuế quan, mở cửa thị trường trong nước cho khu vực.

- Thâm nhập thị trường ngách bởi muốn vào thị trường ASEAN, DN Việt Nam không có còn cách nào khác là phải thâm nhập thông qua sự khác biệt của hàng hóa dịch vụ.