Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Kết quả và lộ trình cho giai đoạn mới

ThS. Lê Trúc Thuận - Ngân hàng TMCP Quân đội

Bài viết đánh giá lại chặng đường thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2011- 2015 và cũng là kết thúc giai đoạn 1 thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Có thể nói, hoạt động tái cấu trúc đã đạt được những kết quả nhất định trên các khía cạnh mua bán sáp nhập, hợp nhất, ổn định tạm thời thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chủ trương và chính sách triển khai tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Sau Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa XI), việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) được đặt ra và có lộ trình cụ thể. Cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra 4 mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bao gồm: (i) Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng; (ii) Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng; (iii) Cấu trúc lại cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng; (iv) Hệ thống ngân hàng phải hội nhập và có sức cạnh tranh với quốc tế.

Tiếp đó, ngày 01/03/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Ðề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 kèm theo Quyết định 254/QÐ-TTg. Ðây được xem là một nỗ lực về mặt pháp lý quan trọng nhất cho tới nay trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tạo ra một hành lang rộng để xử lý các ngân hàng yếu kém và đề ra một lộ trình cho đến năm 2015. Theo lộ trình thực hiện, NHNN đã đề ra những nội dung của tái cấu trúc tập trung vào các nội dung sau:

- Về vốn: NHNN yêu cầu các ngân hàng lớn tham gia mua cổ phần, tham gia vào quản trị điều hành và cơ cấu lại các khoản mục đầu tư; mua lại hoặc hợp nhất, sáp nhập nếu cần. NHNN cũng sẽ tham gia giám sát chặt chẽ quá trình này. Theo đó, nếu các ngân hàng không thể tự tái cấu trúc thì NHNN sẽ can thiệp và thậm chí tính đến việc hợp nhất hoặc sáp nhập. Trên thực tế, các ngân hàng nhỏ đều có vốn điều lệ dưới mức quy định tối thiểu (3.000 tỷ đồng) nên không thể tự mình tái cấu trúc nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Vì vậy, NHNN cùng với các cơ quan giám sát và theo dõi của cơ quan quản lý để giúp các ngân hàng nhỏ tìm kiếm các đối tác nâng cao năng lực vốn, năng lực quản trị, đảm bảo thanh khoản và an toàn vốn.

- Về xử lý nợ xấu: NHNN đã ban hành Quyết định số 780/QÐ-NHNN ngày 23/04/2012 cho phép “các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ”.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đã có Văn bản số 2871/NHNN-TD yêu cầu 14 ngân hàng gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, MB, MSB, VPBank, VIB, SeaBank và SHB chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ theo các quy định hiện hành; Thực hiện mua, bán nợ theo quy định tại Quyết định số 59/2006/QÐ-NHNN ngày 21/02/2006 về Quy chế mua, bán nợ của TCTD, trong đó cho phép 14 ngân hàng mua bán nợ dưới dạng cho DN vay và nợ của các TCTD vay lẫn nhau.

- Về thanh khoản: NHNN đã phối hợp với các ngân hàng mạnh để cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng yếu để giảm thiểu rủi ro thanh khoản của hệ thống. Ðồng thời, NHNN đã cho các ngân hàng gia hạn nợ đối với DN và cho phép nhóm 14 ngân hàng mua bán nợ dưới dạng cho DN vay và nợ của các TCTD vay lẫn nhau.

- Về quản trị ngân hàng: NHNN đã ban hành một số văn bản liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là các thông tư thay thế Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD và Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 về việc ban hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD. Theo Ðề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015, thì cuối năm 2015, TCTD phải đạt mức vốn tự có đủ để bù đắp rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp theo quy định của Basel II.

Kết quả thực hiện tái cấu trúc hệ thống
ngân hàng giai đoạn 2011-2015

Nhìn lại giai đoạn 2011-2015, việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2012, NHNN đã thực hiện phân loại các NHTM thành các nhóm để ấn định mức rủi ro, cụ thể:

- Nhóm thứ 1: Các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh có năng lực và quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những ngân hàng trụ cột, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Ước tính có khoảng 15 ngân hàng loại này, chiếm khoảng 80% thị phần hoạt động của cả hệ thống ngân hàng.

- Nhóm thứ 2: Các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện phát triển quy mô cao hơn nữa. NHNN sẽ có quy định đảm bảo giám sát chặt chẽ cũng như phân khúc thị trường để đảm bảo cho các ngân hàng này hoạt động hiệu quả.

- Nhóm thứ 3: Ngân hàng đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải cấu trúc lại. NHNN sẽ tham gia giám sát chặt chẽ, yêu cầu các ngân hàng tham gia mua cổ phần, tham gia vào quản trị điều hành và cơ cấu lại các khoản mục đầu tư; mua lại hoặc hợp nhất, sáp nhập nếu cần.

Năm 2012, NHNN tập trung củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa hoạt động tài chính của các NHTM mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính và tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng. Năm 2013, NHNN chuyển sang giai đoạn hai của nhiệm vụ lành mạnh hóa tài chính hệ thống ngân hàng với việc tăng cường xây dựng các qui định về an toàn vốn, xử lý nợ xấu hệ thống qua việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và tăng cường quản trị rủi ro, hướng đến chuẩn mực Basel II. Kết quả là, trong 2 năm, đã có 9 NHTM nhỏ đã được đưa vào chương trình phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc thông qua các biện pháp khác nhau như hợp nhất (SCB, Ficombank, TinnghiaBank), sáp nhập (Habubank vào SHB) và tự tái cơ cấu (TienphongBank, TrustBank, Navibank, Westernbank và GP Bank).

Năm 2014, NHNN hoàn thiện Thông tư số 13/2010/TT-NHNN với mục tiêu hướng các NHTM tiếp cận việc quản lý rủi ro theo Basel II. Năm 2015, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn giai đoạn 2 với trọng tâm tái cơ cấu, sáp nhập và xử lý nợ xấu. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng NHTM và bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, NHNN xem xét áp dụng biện pháp can thiệp, thông qua mua cổ phần và sáp nhập bắt buộc một số NHTM “dưới chuẩn”, với sự tham gia tích cực của các NHTM Nhà nước và khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong quý II/2015, thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), hệ thống ngân hàng đã thực hiện cơ cấu một số ngân hàng như Sacombank-Southernbank, Vietinbank-PGBank, BIDV–MHB, Vietcombank-SaigonBank, MaritimeBank-MekongBank, EximBank- NamAbank.

Từ năm 2012 đến năm 2015, hệ thống NHTM và TCTD đã giảm bớt 5 NHTM cổ phần thông qua hoạt động sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á) và NHNN đã mua lại 3 NHTM cổ phần (VNCB, OceanBank và GPBank). Đồng thời, hai công ty tài chính đã được hợp nhất, giải thể; một công ty cho thuê tài chính bị rút giấy phép; một công ty tài chính đã được NHNN ủng hộ chủ trương bán lại cho tổ chức khác. Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam có một NHTM nhà nước (Agribank), 37 ngân hàng TMCP (kể cả 3 NHTM đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng), 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 1 ngân hàng chính sách và 1 ngân hàng hợp tác xã.

Một số TCTD phi ngân hàng quá yếu kém, chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích đem lại từ việc duy trì hoạt động đang được tiếp tục rà soát, đánh giá và xem xét xử lý. Một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước đang trong quá trình đàm phán bán lại công ty tài chính cho nhà đầu tư khác. Những TCTD phi ngân hàng hoạt động bình thường cũng đang triển khai cơ cấu lại theo Quyết định số 254/QĐ-TTg để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh…

Nhìn chung, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD được thực hiện theo đúng Đề án đã được phê duyệt, với những kết quả cụ thể: Hệ thống NHTM đã ngày càng cải thiện được tính thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ; Giảm sở hữu chéo trong hệ thống NHTM, giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh trên thương trường; Số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc.

Bên cạnh đó, phải kể đến sự cải thiện đáng kể của hệ thống pháp lý, tạo “đường ray” thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đi nhanh và đúng hướng, đồng thời, mở rộng “cửa” hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Để hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại các TCTD và bảo đảm cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, Chính phủ và NHNN đã ban hành thêm các văn bản như: Nghị định số 01/2013/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam; Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 quy định về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt; các Thông tư của NHNN bao gồm các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro (Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013); kiểm soát, toán độc lập, cấp phép; quản lý mạng lưới; niêm yết cổ phiếu của các TCTD trên thị trường chứng khoán...

Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Thực hiện bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, năng lực và hiệu quả hoạt động thanh tra giám sát, đổi mới công tác điều hòa lưu thông tiền mặt. Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục đổi mới quản trị DN theo thông lệ quốc tế, tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và quy mô về vốn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng dịch vụ, sản phẩm dịch vụ và năng lực cạnh tranh và cấu trúc hệ thống các TCTD. Để thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng này, trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, điều chỉnh cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các đơn vị thuộc NHNN theo hướng tinh gọn tiến tới hình thành chi nhánh NHNN khu vực; Xây dựng và triển khai một số dự án để bổ trợ, nâng cấp hệ thống thông tin FSMIMS.

Hai là, thực hiện điều tiết thị thường tiền tệ, kiểm soát lạm phát một cách chủ động trên cơ sở sử dụng các công cụ tiền tệ gián tiếp, lấy lãi suất làm công cụ chủ đạo trong điều hành.

Ba là, xử lý căn bản tình trạng đô la hóa vào năm 2020; hạn chế và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ đến năm 2020; tự do hóa giao dịch vốn ở mức cao, tăng mức đầu tư gián tiếp đổi với các nhà đầu tư nước ngoài hơn mức hiện tại; thực hiên chính sách tỷ giá linh hoạt với biên độ giao động rộng hơn.

Bốn là, triển khai giám sát đồng bộ và thống nhất toàn bộ khối ngân hàng; Thực hiện thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro là chủ yếu; Về cơ bản áp dụng đầy đủ 25 nguyên tắc của Basel, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng theo Basel II trước năm 2018 và thực hiện Basel III vào năm 2020.

Năm là, hoàn thành cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin đối thoại chính sách giữa NHNN và các cơ quan thanh tra thuộc khu vực tài chính trong nước, cơ quan giám sát tài chính, ngân hàng nước ngoài, bảo đảm giám sát toàn diện, nhất quán các hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Sáu là, thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng các dịch vụ ngân hàng cho các các thành phần trong nền kinh tế và mở rộng các dịch vụ ngân hàng ra ngoài khu vực truyền thống, tăng cường cạnh tranh quốc tế và mở rộng mạng lưới ra ngoài phạm vi quốc gia; Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trong quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng trong khuôn khổ pháp luật.

Bảy là, điều chỉnh mạnh mẽ cấu trúc hệ thống các TCTD theo hướng giảm dần số lượng, tăng quy mô về vốn tương ứng với năng lực quản trị điều hành và phạm vi hoạt động, đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động do NHNN quy định.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2012), Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015;

2. Võ Trí Thành (2012), Tái cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam – Vấn đề và định hướng giải pháp chính sách, Kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân, 4/2012;

3. Fullbright (2013), Định hướng và giải pháp cơ cấu lại hệ thống ngân hàng Việt Nam 2011-2015.