Tại sao bảo hiểm cháy nổ vẫn chưa được quan tâm?

Hồng Nhung

(Tài chính) Theo Nghị định số 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hóa là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện quyền lợi của người dân đối với tài sản của chính mình. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này.

Vụ cháy nhà máy Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet
Vụ cháy nhà máy Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet

Sụt giảm doanh thu

Theo số liệu tổng kết 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra trên 1.400 vụ cháy, làm chết hơn 20 người, bị thương trên 50 người, thiệt hại về tài sản trị giá 579,8 tỷ đồng. Trong đó có 16 vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản khoảng 467,9 tỷ đồng.

Có thể kể đến như cháy nhà máy Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh, cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, chợ trái cây Thạnh Trị - Tiền Giang, cháy nhà máy của công ty Diana ở Bắc Ninh và mới đây là vụ cháy nổ lớn của nhà máy sản xuất pháo hóa Z21 ở …

Bên cạnh những thiệt hại về người và của, những vụ cháy đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là 855 tỉ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tiền bồi thường đã giải quyết là 361 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khoản dự phòng bồi thường của các công ty (tức thiệt hại đã được thông báo với công ty nhưng chưa đến thời điểm giải quyết) là 314 tỉ đồng, nếu tính chung cả số tiền đã bồi thường và dự phòng bồi thường trong sáu tháng đầu năm thì tỷ lệ bồi thường bảo hiểm cháy nổ của toàn thị trường là 78%. Các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao trong mảng nghiệp vụ này là AAA với 131%, Fubon 107%, Samsung Vina 96%, Bảo Minh 87% và Bảo hiểm BIC là 83%.

Đâu là nguyên nhân?

Theo nhận định, hầu hết các vụ cháy nổ lớn đều có nguyên nhân chủ quan là do trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của các cơ sở rất sơ sài, không đáp ứng đủ điều kiện an toàn tiêu chuẩn. Chính sự chủ quan, lơ là của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy đã khiến nhiều vụ cháy, nổ trở nên nghiêm trọng.

Thêm vào đó, do chưa được tuyên truyền rộng rãi về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm cháy nổ bên rất ít cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia loại hình bảo hiểm này.

Theo tính toán, nếu tổng giá trị của sạp hàng là 100 triệu đồng, thì tiểu thương chỉ cần bỏ ra 263 nghìn đồng/năm là có thể bảo hiểm được hàng hóa, tài sản của mình phòng khi cháy nổ. Phí bảo hiểm thấp, lại được bảo vệ quyền lợi, đây thực sự là một phương thức hay để tiểu thương có thể bảo vệ được tài sản của chính mình. Tuy nhiên, đa số người dân khi tham gia chỉ thực hiện đóng bảo hiểm cho tài sản cố định hoặc chỉ đóng bảo hiểm cho những loại tài sản ít giá trị nhất. Điều này khiến cho ý nghĩa của việc san sẻ rủi ro không còn tác dụng.

Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ phía người dân, còn phải bàn đến những vướng mắc nội tại của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, thủ tục thực hiện bảo hiểm cháy nổ còn nhiều chồng chéo, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm.

Cụ thể như khách hàng chỉ được giao kết hợp đồng khi đã được cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy chưa được thực hiện triệt để. Các đơn vị bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ chưa được công khai nên doanh nghiệp bảo hiểm phải bán bảo hiểm tự nguyện theo quy tắc và biểu phí tự xây dựng.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh không tham gia bảo hiểm còn nhẹ, chưa mang tính chất răn đe. Một số cơ sở chấp nhận nộp phạt hành chính do mức phạt thấp hơn mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đóng.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp chưa thật sự chặt chẽ. Điều này dẫn đến một số trường hợp nhiều đối tượng bảo hiểm thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng không được cấp giấy chứng nhận an toàn Phòng cháy chữa cháy đã chuyển sang mua bảo hiểm tự nguyện để hưởng phí.

Theo Bộ Tài chính, với mục tiêu đưa bảo hiểm cháy nổ vào phục vụ đời sống người dân, liên Bộ Tài chính - Công an và các cơ quan liên quan đang tích cực rà soát lại các văn bản hướng dẫn việc thực hiện loại hình bảo hiểm này cùng các cơ chế tài chính thích hợp... Ði kèm với đó cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để chủ các cơ sở hiểu đúng bản chất của việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang xem xét việc điều chỉnh tăng phí, tăng mức thiệt hại mà chủ tài sản phải chịu cũng như sàng lọc bớt các khách hàng có nguy cơ cháy nổ cao. Việc tăng phí bảo hiểm bắt buộc được coi là giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hơn tính chuyên nghiệp trong hoạt động bồi thường cho khách hàng.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp vi phạm trục lợi bảo hiểm, cơ quan chức năng cần phải quy định rõ các hình thức và mức phạt đủ sức răn đe đồng thời ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm cháy nổ.

Tuy nhiên, bảo hiểm cháy nổ chỉ đơn thuần là hình thức bảo vệ tài sản cho người dân khi trường hợp xấu nhất xảy đến, chính các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức bổ ích về phòng cháy chữa cháy. Điều đó không chỉ bảo vệ được giá trị tài sản của chính mình mà còn mang ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và xã hội.