Tăng bội chi nhưng vẫn bảo đảm nợ quốc gia

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Theo Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIII của Thủ tướng Chính phủ chiều 21/11, với mức bội chi ngân sách 224 nghìn tỷ đồng năm 2014 và phát hành thêm 170 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội thông qua, nợ công của nước ta giai đoạn 2014 - 2016 vẫn trong giới hạn an toàn, không quá 65% GDP như đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015.

Việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu. Nguồn: internet
Việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu. Nguồn: internet

Tăng bội chi để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của đất nước

Chia sẻ về việc Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tăng bội chi để bù đắp phần hụt thu năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng năm 2013 tình hình kinh tế vẫn hết sức khó khăn, dự báo ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ hụt thu khoảng 63 nghìn tỷ đồng. Đây là số hụt thu lớn nhất từ trước tới nay và không thể xử lý được bằng biện pháp thông thường là cắt giảm chi tiêu mà buộc phải tăng bội chi ngân sách.

“Bản chất của lần tăng bội chi này khác những lần tăng bội chi trước. Cụ thể nếu những lần trước, tăng bội chi để sử dụng cho đầu tư phát triển thì lần này tăng bội chi để bù hụt thu. Thực tế chúng ta đã cắt giảm khoảng hơn 13 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm số tiết kiệm chi thường xuyên 10%. Chúng ta chưa bố trí đủ cho trả nợ, nợ đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay, chưa có thống kê chính thức về nợ đầu tư xây dựng cơ bản là bao nhiêu, nhưng thực tế cho thấy con số này tương đối lớn. Chính vì thế, NSNN năm 2013 hết sức căng thẳng giữa cân đối thu – chi, buộc phải tăng bội chi để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của đất nước", Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết.

Trong Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIII chiều 21/11, lý giải về việc tăng bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài kém hiệu quả, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân vốn ODA, thu hút mạnh hơn các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm được tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30-31% GDP, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động; và góp phần quan trọng vào việc tăng năng lực sản xuất, thực hiện đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, nâng bội chi ngân sách lên 5,3% vào năm 2014 và bổ sung 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 là việc làm cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đang dang dở vì "đói” vốn.

Vẫn bảo đảm nợ quốc gia

Trong câu hỏi chất vấn chiều ngày 21/11/2013 dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Trần Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) bày tỏ e ngại việc Chính phủ đề nghị nâng trần bội chi ngân sách (từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP cho 2 năm 2013 và 2014) và phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ (170 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2014-2016) sẽ làm lạm phát cao trở lại, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ nỗi lo lắng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng lo ngại của các đại biểu Quốc hội là chính đáng. Để không xảy ra những hệ quả trên, Thủ tướng cho biết cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội đã được nêu trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, trái phiếu Chính phủ sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án và thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô. Việc sử dụng vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ được quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả đồng thời với việc thực hiện phù hợp chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, không làm tăng quá mức tổng cầu. Với các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng.

Một thực tế là dù hiện nay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới như Moody’s, Standard & Poor và Fitch xếp hạng nợ công của Việt Nam ở mức ổn định và an toàn song nợ công vẫn luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người dân và đại biểu Quốc hội trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn. Chia sẻ nỗi lo này, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn, không quá 65% GDP, song cũng cho rằng áp lực trả nợ rất lớn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cùng với việc bố trí nguồn từ NSNN để trả nợ, cần phát hành mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc trái phiếu Chính phủ đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu Chính phủ. Qua đó sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu NSNN theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt.

Với chính sách chi năm 2014, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trước tiên phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, đặc biệt lưu ý đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, an ninh tài chính quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho biết: “Trong Nghị quyết về điều chỉnh dự toán NSNN năm 2013 vừa thông qua, Quốc hội đưa ra nguyên tắc - căn cứ số hụt thu thực tế của ngân sách Trung ương năm 2013, giao Chính phủ nâng mức bội chi NSNN năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách Trung ương nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Như vậy, 195.500 tỷ đồng là cái khóa mà Quốc hội đặt ra cho an ninh tài chính quốc gia. Có thể Chính phủ sẽ không phát hành bội chi đến mức 5,3% GDP nếu từ nay đến cuối năm tình hình thu ngân sách khá hơn. Nhưng nếu trong trường hợp tăng hơn thì bội chi cũng không được quá 195.500 tỷ đồng”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, nợ công là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của nền tài chính quốc gia. Do vậy, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm thực hiện đúng Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.