Tăng tuổi hưu không ảnh hưởng đến tạo việc làm mới

Theo Báo Đầu tư

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã khẳng định như vậy và cho biết, năm 2013, các ngành dễ tìm việc là: chế biến gỗ, xây dựng, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, bán lẻ, công nghệ - thông tin, điện, điện tử.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, điều này sẽ gây áp lực đến việc giải quyết việc làm mới?

Tăng tuổi hưu không ảnh hưởng đến tạo việc làm mới - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hải Vân
Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Theo tôi, tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến tạo việc làm mới. Nhu cầu tìm việc làm mới liên quan chủ yếu đến những người mới bước vào tuổi lao động, thanh niên mới tốt nghiệp.

Áp lực tạo việc làm mới không quá phụ thuộc đến việc làm thay thế cho những vị trí lao động đến tuổi nghỉ hưu, mà được tạo ra chủ yếu qua nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, qua nhu cầu thành lập mới doanh nghiệp trong quá trình phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề tăng bao nhiêu, tăng vào thời điểm nào vẫn đang được đưa ra lấy ý kiến, bàn bạc, để tìm một giải pháp tốt nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Năm 2013, nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lao động?

Theo dự báo của chúng tôi, việc mất cân đối cung cầu lao động vẫn diễn ra, dù có thể nhẹ hơn so với năm trước. Có thể kể tới nhiều nguyên nhân, như trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, tiền lương doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động…

Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu tốt đối với thị trường lao động năm 2013, thể hiện qua tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán khá cao, khoảng 90%; số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội 2 tháng đầu năm 2013 chỉ bằng 56% cùng kỳ năm ngoái… Thị trường việc làm trong năm 2013 sẽ rất sôi động. đặc biệt, các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương có nhu cầu lao động rất lớn và việc cung ứng lao động đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo bà, những ngành nghề nào có cơ hội tìm việc làm cao trong năm nay?

Theo điều tra về tình hình lao động năm 2013 và trả lời của các doanh nghiệp về nhu cầu lao động, năm nay, các ngành có cơ hội việc làm lớn là chế biến gỗ, xây dựng, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin, điện, điện tử. Với những nghề đòi hỏi yêu cầu cao, kỹ thuật bậc trung như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo…, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhu cầu tuyển dụng cao, nhưng lại rất khó tìm lao động, do đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu xã hội. Ví dụ, các nghề như lắp ráp đòi hỏi công tác đào tạo phải có máy móc, thiết bị để thực hành, nhưng do tiền đầu tư quá cao, nên các trung tâm đào tạo không có điều kiện trang bị.

Nghĩa là, đang có một khoảng cách khá lớn giữa cung và cầu trên thị trường lao động, khi mà nhu cầu nhân lực thì có, nhưng doanh nghiệp rất khó tuyển người. Vậy đâu là căn nguyên dẫn đến thực trạng này?

Căn nguyên là doanh nghiệp và người lao động chưa gặp được nhau. Đứng về phía người lao động, chúng tôi thấy, họ vẫn còn hạn chế về chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nên khó tìm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hay những doanh nghiệp trả lương cao. Ngoài ra, do tác phong nông nghiệp, nên khi vào làm việc trong các dây chuyền sản xuất 8 tiếng/ngày liên tục, thì họ cảm thấy mệt mỏi.

Về phía doanh nghiệp, qua kiểm tra, không ít doanh nghiệp đăng tuyển dụng cao gấp 5-10 lần nhu cầu, để lấp chỗ trống của lao động nhảy việc. Một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, nên thường xuyên tuyển và sa thải lao động theo hợp đồng học việc… Những nhu cầu thiết yếu của người lao động như nhà ở, lương chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, người lao động chưa mặn mà với doanh nghiệp.

Trung gian kết nối cung và cầu giữa người lao động và doanh nghiệp là sàn giao dịch việc làm cũng còn hạn chế. Tại sàn giao dịch việc làm, thường chỉ có lao động phổ thông đến tham gia, còn lao động có trình độ cao thường tự tìm việc qua mạng, hoặc trực tiếp đến gặp chủ lao động… Nhiều sàn giao dịch chỉ mời được doanh nghiệp quy mô nhỏ, nên cũng chỉ có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, lao động trình độ cao đến nhưng không tìm được việc, dần dần họ cũng bỏ.