Tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP

PV.

Tại Việt Nam, việc thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việc thu hút nguồn lực từ xã hội đầu tư theo hình thức PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nguồn: internet
Việc thu hút nguồn lực từ xã hội đầu tư theo hình thức PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời gian tới là rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực từ các nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu. Do đó, việc thu hút nguồn lực từ xã hội đầu tư theo hình thức PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để việc huy động nguồn vốn xã hội đạt hiệu quả cao cần có sự tham gia vốn của Nhà nước vào đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức BOT nhằm giảm thời gian thu phí cũng như giảm giá phí hạ tầng, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đồng thời giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế.

Thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP (BOT, BT...) đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, nổi bật là tại hai đầu tàu kinh tế của cả nước là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội cho biết, thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn Thành phố trong 6 tháng đầu năm đã tăng 4,2 lần so với cả giai đoạn 2011 - 2015. Đây là một kết quả tích cực mang tính đột phá trong thu hút vốn đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hà Nội có 52 dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 338,725 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 35 dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật; 12 dự án nước sạch nông thôn và 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Đây là lần đầu tiên Hà Nội công khai kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xây dựng các phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP. Trước đó, Hà Nội chủ yếu tập trung phát triển kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách.

Trong khi đó, thống kê của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy từ tháng 4/2015 đến hết quý I/2016, Thành phố đã kêu gọi được 17 dự án đầu tư theo hình thức PPP (các hợp đồng BOT, BT, BTO, BOO…), với tổng vốn đầu tư khoảng 33.538 tỉ đồng. Đến thời điểm này, số lượng dự án đang xin chủ trương đầu tư, đang lập đề xuất dự án và đang thẩm định đề xuất dự án trong danh mục khoảng 66 dự án với tổng vốn đầu tư cần kêu gọi ước tính là 480.394 tỉ đồng (tương đương 215 tỉ USD). Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để nghiên cứu xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, giáo dục…

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ này báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, an sinh của người dân cần phải triển khai nhanh. Đồng thời, cũng cho rằng các khoản thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư theo hình thức PPP cần xét đến yếu tố lạm phát bởi nhà đầu tư không thể kiểm soát rủi ro lạm phát, không thể chuyển giao rủi ro lạm phát cho nhà đầu tư. Ngoài ra, cần thành lập một tổ chức chuyên cung cấp bảo lãnh đối với các dự án PPP... Những kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh phần nào cũng cho thấy, để có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư PPP, rất nhiều vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ từ phía Nhà nước lẫn các nhà đầu tư.

Mới đây, để tạo ra sự đột phá về thu hút vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng trong thời gian tới, đặc biệt là hạ tầng giao thông, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, lập danh mục các dự án ưu tiên đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, chọn lọc các dự án ưu tiên (Bộ Giao thông vận tải tập trung đầu tư đường cao tốc Bắc Nam), đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là nguồn quan trọng cho đầu tư phát triển hạ tầng, thiết lập nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho các dự án PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các nhà tài trợ khác để xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn ODA cho các dự án PPP, trên cơ sở tính toán khả năng giải ngân các hiệp định đã cam kết đến năm 2020 và mức tối đa có thể vay theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, để chủ động hơn trong triển khai các dự án PPP, Phó Thủ tướng thống nhất tiếp nhận khoản vay dự phòng của JICA dưới dạng khoản vay cho chương trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan thực hiện vai trò cơ quan chủ quản chương trình, làm đầu mối theo dõi, tổng hợp, lựa chọn dự án... Ngoài nguồn hỗ trợ của nhà nước từ khoản vay của JICA nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần nghiên cứu các hình thức tham gia bằng nguồn vốn nhà nước vào các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo tổng hợp về cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này, trong đó tập trung vào sự cần thiết có sự tham gia hỗ trợ vốn của Nhà nước; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới; nhu cầu vốn nhà nước cho hỗ trợ đầu tư các dự án ưu tiên trong tất cả các ngành, lĩnh vực; trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông; nguồn vốn hỗ trợ và cơ chế tổ chức thực hiện.