Tạo xung lực mới công cuộc phát triển

Theo LÊ TIỀN TUYẾN/http://saigondautu.com.vn

Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,5-6,7% nhưng ngay trong cuộc họp đầu năm, Chính phủ vẫn chủ trương xây dựng kịch bản tăng trưởng cao, đạt 6,7% hoặc cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để có thể đạt được mục tiêu này ngay trong tháng đầu, quý đầu, Thủ tướng chỉ đạo cán bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng hàng quý, phân công việc thực hiện nghiêm túc và xây dựng các chỉ tiêu cụ thể… báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 2-2018.
Hứng khởi thành tích kinh tế-xã hội đạt được năm 2017 vẫn tiếp tục lan tỏa tháng đầu 2018: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% (so cùng kỳ năm 2017 là 0,7%); ngành chế biến, chế tạo tăng đến 23,8% (4,7%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 19 tỷ USD (14,6  tỷ USD); đặc biệt chỉ số quản trị nhà mua hàng tăng 53,4 điểm, cao nhất trong khối ASEAN và so một số nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường, chúng ta có cơ hội phát triển tốt nhưng khả năng hiện thực đến đâu là phụ thuộc vào sự đổi mới, sáng tạo, quyết tâm vượt lên của tất cả chúng ta”.
Vậy cuộc đua đường trường này có những vật cản nào và ta có thể hóa giải? Có thể nói cản ngại đầu tiên là do chính chúng ta: Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn diễn ra chậm chạp; còn khoảng cách lớn giữa chủ trương cải cách và thực thi; nhiều ngành, địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đề ra…
Do vậy bối cảnh chung vẫn chưa tạo khí thế mới và doanh nghiệp vẫn co thủ để bảo toàn chính mình. Thắng lợi về nguồn thu ngân sách 2017 là rất ấn tượng, nhưng với những dự báo bất lợi trong năm nay, người đứng đầu ngành tài chính rất thận trọng và bày tỏ âu lo về nguy cơ mất cân đối năm 2018.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ: “Tăng trưởng kinh tế đặt mục tiêu 6,7% hay 6,8-6,9% cũng được, nhưng phải xem động lực tăng trưởng ở đâu và ngân sách nhà nước huy động được bao nhiêu. Thu ngân sách thì bằng tiền tươi, thóc thật, tình cảnh kinh tế nước ta thực tế chưa dư dả, nếu thiếu một đồng là dẫn đến mất cân đối ngay”.
Điều gì khiến những người “cầm cân nẩy mực” lo lắng? Trong tác động các yếu tố ngoại lai, một vấn đề nổi lên có thể ảnh hưởng cục diện kinh tế chung: yếu tố Donald Trump. Cuối năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump đã thông qua một đạo luật cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm qua, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% (tương đương với các nước khác hiện nay) xuống còn 21% kể từ năm 2018.
Động thái này được cho rằng tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có việc dịch chuyển dòng vốn FDI; sẽ xảy ra tình trạng một số nước ban hành chính sách ưu đãi thuế để thuyết phục các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở lại, không dịch chuyển về nước. Thực tế trong tháng đầu tiên năm 2018, dòng vốn FDI vào Việt Nam chỉ 1,26 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh ấy, để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững phải quản lý nợ công chặt chẽ, tái cơ cấu nguồn thu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Điểm đặc biệt là xây dựng chính sách thuế tập trung vào thu nội địa, do bối cảnh kinh tế quốc tế biến động, nhiều dòng thuế về mức 0% để thực hiện các cam kết hội nhập, doanh thu từ dầu thô sụt giảm…
Từ những vấn đề trên, một yêu cầu đặt ra nóng bỏng: Nhà nước, địa phương tiếp tục “trải thảm”, ưu đãi đầu tư để thu hút FDI, biến nước ta thành “công xưởng thế giới”, công nhân làm thuê cho nước ngoài hay tạo dựng môi trường chính sách bình đẳng, xây dựng doanh nghiệp dân tộc vững mạnh, có bản lĩnh hội nhập trào lưu cách mạng công nghiệp 4.0, vừa tạo được nguồn thu ổn định, bền vững.
Điều đáng mừng là mới đây Chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng: Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; thực hiện cán đích mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả năm 2020. Từ bài học Sabeco, cổ phần hóa phải được nâng chất, khi đưa ra thị trường phải thật sự hấp dẫn, sổ sách minh bạch, bảo đảm lợi ích của các chủ thể đầu tư.
Chìa khóa thành công là tiêu chí kinh doanh, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp phải xây dựng bài bản theo nguyên tắc thị trường, áp dụng thông lệ quản trị hiện đại. Khi đó, sau cổ phần hóa sẽ “lột xác” trở thành một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, gia nhập vào đội ngũ 1 triệu doanh nghiệp có sức mạnh trong nền kinh tế.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hai năm gần đây số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục (hơn 110.000 doanh nghiệp/năm) và nhiều người lạc quan, hứng khởi cho rằng doanh nghiệp nước nhà không ngừng lớn mạnh, sẽ cán đích mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mức độ phát triển doanh nghiệp trên cả nước, cho thấy năm 2017 tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động và có nguồn thu thực hiện nghĩa vụ thuế là 561.064 doanh nghiệp, chỉ tăng 11,1% so với năm 2016; còn tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động trên cả nước cũng lên đến 21.684 doanh nghiệp, tăng 8,9% so với 2016. Như vậy, có thể nói việc phát triển doanh nghiệp nước ta vẫn dưới mức tiềm năng, chưa có sự đột phá và môi trường khởi sự kinh doanh vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Vậy để tạo xung lực mới trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều yếu kém nội tại và tác động bất lợi ngoại lai, yêu cầu thực tế vẫn là đẩy mạnh cải cách, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), quy định quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, điều kiện kinh doanh chỉ được quy định từ cấp nghị định của Chính phủ, nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn tùy tiện đặt ra “giấy phép con” bất hợp lý, cản trở trong việc cấp đăng ký kinh doanh với nhiều giới hạn.
Mặt khác, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn là một nút thắt với 300 văn bản, gây khó cho doanh nghiệp tuân thủ, làm đội chi phí kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cùng mặt hàng so với hàng nhập khẩu… Nhìn thẳng thực tế, năm 2017 mặc dù đạt được nhiều kết quả về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, song chỉ số quan trọng nhất là khởi sự kinh doanh, nước ta lại giảm tới 2 bậc so với năm trước!
Vì vậy, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018. Làm được điều này mới thực sự tạo xung lực mới hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc vươn lên, thực sự tạo nền tảng tiềm lực đất nước vững mạnh.