Thấy gì từ việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của một số nước

TS. Nhâm Phong Tuân, TS. Trần Đức Hiệp, Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội

(Tài chính) Những mô hình, cách làm hay về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của một số nước sẽ được tác giả đề cập trong bài viết. Qua đó, sẽ là bài học hữu ích cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nguồn nhân lực luôn luôn là yếu tố quyết định tới sự phát triển bền vững của ngành CNHT. Nguồn: internet
Nguồn nhân lực luôn luôn là yếu tố quyết định tới sự phát triển bền vững của ngành CNHT. Nguồn: internet

Chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của một số nước

Nhật Bản

Ngành công nghiệp Nhật Bản là một trong những ngành phát triển nhất so với các nước công nghiệp phát triển khác trên thế giới. Ngành điện tử, ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản với các thương hiệu đã nổi tiếng và có sức cạnh tranh mạnh từ lâu như Sony, Panasonic, Toyota, Honda… Để xây dựng những thương hiệu nổi bật đó, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Nhật Bản cũng thuộc hàng phát triển nhất thế giới. Để đạt được những thành công đó, Nhật Bản đã có những quyết sách đúng đắn trong chiến lược phát triển CNHT của mình. Cụ thể:

Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa

Thành lập các hiệp hội và tổ chức tín dụng, bảo lãnh tín dụng, tạo thị trường ngách cho các doanh nghiệp (DN) (thông qua các hợp đồng gia công giữa các công ty lớn với các doanh nghiệp nhỏ, tăng cường viện trợ và ký kết các hiệp định kinh tế, thương mại với các chính phủ nước ngoài để mở đường cho các DN hỗ trợ Nhật Bản thâm nhập thị trường thế giới).

Từ năm 1936, Nhật Bản đã thành lập Ngân hàng Shoko Chukin để đầu tư vốn cho các DN vừa và nhỏ. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật về sự hợp tác giữa các DN vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế khác, có hiệu lực năm 1949 nhằm tăng cường vị thế cũng như tạo điều kiện cho các DN liên kết với nhau. Cũng vào năm 1949, Nhật Bản đã có quỹ tài chính đầu tư vốn cho DN vừa và nhỏ, chỉ mất 3 ngày để họ có thể vay vốn. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn thành lập những đơn vị bảo lãnh tín dụng có khả năng bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ khi họ vay vốn từ các DN tư nhân khác (Nguyễn Thị Huế, 2011).

Để tạo kênh thông tin cho các DN hỗ trợ trong nước, Nhật Bản đã xuất bản Sách trắng (White Book) về công nghiệp, cung cấp lượng lớn thông tin đáng tin cậy nhất từ những phân tích một cách toàn diện, dự báo các điều kiện và xu thế phát triển thương mại và các vấn đề liên quan khác, qua đó, đáp ứng các yêu cầu của các ngành công nghiệp nói chung và DN hỗ trợ nói riêng.

Nhật Bản còn quan tâm tới việc xúc tiến liên kết giữa các nhà cung cấp linh kiện, thường là các DN nhỏ với các công ty lớn bằng việc thiết lập cơ sở dữ liệu về CNHT (Hayashida Takayuki, 2010).

Xây dựng tính đa cấp và chuyên môn hóa

Đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, một đặc điểm của ngành này là tính đa cấp. Các DN tham gia CNHT nằm ở các vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Một chiếc ô tô phải trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu từ nguyên liệu thô, qua các giai đoạn sản xuất, lắp ráp… cho tới khi tích lũy đủ giá trị vào thành phẩm cuối cùng.

Sự phân cấp rõ ràng các nhà cung cấp theo các chỉ tiêu đặc điểm nhằm gia tăng tính chuyên môn hóa và phân cấp, nhưng đều chung một mục tiêu là tạo nên một nền công nghiệp ô tô phát triển với các chi tiết đạt tiêu chuẩn hoàn hảo và đồng bộ.

Cũng theo tính phân cấp này, mỗi DN là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung cấp các sản phẩm hỗ trợ cho các công ty lắp ráp ô tô của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự cố thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 đã nảy sinh vấn đề nghiêm trọng  là nếu có một sự cố xảy ra với một mắt xích thì cả dây chuyền sản xuất sẽ ngừng hoạt động. Điều này đã thúc đẩy các nhà sản xuất linh kiện và lắp ráp tính tới phương án xây dựng nhiều nhà cung cấp ở nhiều nước khác nhau nhằm giảm tỷ lệ rủi ro (Ngô Đức Anh, 2006).

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNHT

Công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT của Nhật Bản được thể hiện thông qua các mô hình Monozukuri, Coblas và mô hình đào tạo hạt nhân (Nguyễn Thị Huế, 2011; Hoàng Văn Châu, 2010).

Mô hình Monozukuri: Monozukuri là một khái niệm nói đến hình thức sản xuất theo kỹ năng của Nhật Bản sáng tạo, nó đỏi hỏi làm ra sản phẩm đảm bảo chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu của khách hàng với niềm tự hào và trân trọng. Thậm chí, mỗi người lao động đều là một nghệ nhân. Hoạt động sản xuất phải duy trì mối quan hệ lâu dài và tạo dựng được kỹ năng, kiến thức trong nội bộ DN hoặc giữa các DN với nhau. Sản xuất kiểu Monozukuri phải đáp ứng nhu cầu cao về quản lý chất lượng theo 5s (Seiri, Seiton, Seiso, Sheiketsu và shitsuke – tạm dịch là Sạch sẽ, sắp xếp, săn sóc, san sẻ, sẵng sàng tại nơi làm việc), QCD (quality, cost, delivery – tạm dịch Chất lượng, chi phí và vận chuyển) và Kaizen (nỗ lực cải tiến liên tục). Trong lĩnh vực chính sách, khái niệm Monozukuri thường được Chính Phủ Nhật Bản nhấn mạnh với mục đích nâng cấp năng lực sản xuất nội địa và mở rộng mô hình kinh doanh kiểu Nhật ra bên ngoài.

Mô hình COBLAS: Coblas (viết tắt cụm từ tiếng Anh “consulting based learning for ASEAN SMEs) với mục tiêu chủ yếu của mô hình là biến sinh viên – đã được đào tạo tinh thần doanh nhân (Entrepreneurship education) trong chương trình đại học – trở thành các tư vấn viên cho DN; và mục tiêu tiếp theo là hình thành mối quan hệ hợp tác giữa DN địa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Mô hình này mở rộng trên phạm vi ASEAN được thực hiện thông qua việc giúp đỡ các DN vừa và nhỏ đang hoạt động trong khu vực. Cụ thể là giáo dục sinh viên thành doanh nhân, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nhân để thành công và thiết lập mối liên kết giữa trường đại học và cộng đồng DN tại địa phương.

Mô hình đào tạo hạt nhân: Là mô hình đào tạo trong đó sinh viên/học viên xuất sắc của Nhật Bản thuộc các trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề trong ngành ô tô sang các nước có công nghệ phát triển hơn để tu nghiệp kỹ thuật. Sau thời gian thực tập, trở về nước họ sẽ là lực lượng kỹ thuật và quản lý nòng cốt của nguồn nhân lực CNHT Nhật Bản. Tạo thành mạng lưới nhân lực công nghiệp và công nghệ thông tin chất lượng cao, là xúc tác cho CNHT phát triển tiến bộ.

Trung Quốc

Để phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, cụ thể là riêng về vấn đề phát triển ngành công nghiệp ô tô, Trung Quốc đã xác định cần đẩy mạnh CNHT. Để thực hiện được điều đó, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp đáng chú ý sau:

Mua lại các DN hỗ trợ của nước ngoài

Bên cạnh việc khuyến khích thu hút của các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài tham gia lĩnh vực này, Trung Quốc còn đẩy mạnh hoạt động mua lại các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ kiện ở nước ngoài chuyển về trong nước. Điển hình là vụ mua lại của hãng Wanxin – một nhà sản xuất thiết bị phụ trợ của Trung Quốc, để xuất khẩu và cung cấp cho GM và Ford – đối với Automotive Component Holding, một tổ hợp 17 nhà máy và 6 xí nghiệp mà Ford nắm quyền kiểm soát từ những năm 2000. Một ví dụ thực tế khác như hãng Weichai mua lại của Delphi, thuộc GM, dây chuyền sản xuất phanh, hệ thống treo, chi tiết cabin và tay lái… Lifan mua công nghệ BMW và Chrysler nhằm nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chính sách mua lại các DN CNHT nước ngoài đã thỏa mãn được 2 mục tiêu sau:

- Sở hữu những công nghệ sản xuất hiện đại. Kết hợp với nguồn nhân lực giá rẻ, sản phẩm từ các hãng CNHT này của Trung Quốc có cơ hội chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường quốc tế, xóa bỏ quan niệm “xe Trung Quốc kém chất lượng”.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc nhờ sử dụng dây chuyền sản xuất giá rẻ, tận dụng nhân công phổ thông là chủ yếu sẽ không thể chiếm lợi thế lâu dài do đối mặt với các vấn đề về môi trường và sự đình công của công nhân khi kinh tế rơi vào khủng hoảng (Lưu Thị Hải Ninh, 2010).

Thành lập cụm CNHT

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã sớm nhận thấy mô hình công nghiệp tối ưu là một hãng lắp ráp được đặt gần những DN CNHT để có một hệ thống cung ứng kịp thời, đẩy mạnh hiệu quả cung cấp. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các DN lắp ráp và DN hỗ trợ, khuyến khích DN hỗ trợ đặt nhà máy gần DN lắp ráp để thiết lập cụm sản xuất điện tử, ô tô….

Thái Lan

Thái Lan được coi là một trong những nước ASEAN tích cực nhất trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Điều này được thể hiện qua việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Thái Lan được bắt đầu từ khá lâu trước những năm. Trong quá trình này, Thái Lan đặc biệt coi trọng các công ty FDI, đặc biệt nguồn vốn từ Nhật Bản. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp với  các chính sách yêu cầu xuất xứ địa phương trong sản phẩm đã trở thành kênh chính kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ địa phương vào các mạng sản xuất toàn cầu và tạo sức ép cho các doanh nghiệp địa phương tiến lên đáp ứng được các yêu cầu tổ chức và kỹ thuật của các mạng sản xuất toàn cầu.

Để làm được việc này, bên cạnh chính sách định hướng, các kênh hỗ trợ cũng đặc biệt quan trọng. Thái Lan đã rất lưu tâm tới việc tạo dựng các thể chế kết nối hai thực thể tồn tại độc lập trước đây là công ty đa quốc gia nước ngoài và doanh nghiệp địa phương. Ủy ban Đầu tư của Thái Lan (Board of Investment in Thailand -BOI) đã thành lập Cơ quan Phát triển liên kết Công nghiệp (BUILD - BOI Unit for Industrial Linkage Development) để khuyến khích các liên doanh giữa các công ty địa phương với các công ty nước ngoài trong công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, Ban khuyến khích Công nghiệp (Department  of  Industrial  Promotion - DIP) của Bộ Công nghiệp Thái Lan cũng đã xây dựng cụ thể chương trình phát triển nhà cung ứng quốc gia - NSDP (National  Suppliers  Development  Program) và bắt đầu thực hiện chương trình này từ năm 1998 (Inoue Ryuichiro, 1999).

Bên  cạnh  các  chính  sách  trực  tiếp  phát  triển  công  nghiệp  hỗ  trợ,  Thái  Lan còn  có  các chính  sách  bổ  trợ  quan  trọng. Đáng  lưu  lý  là  chính  sách  phát  triển  các cụm  công  nghiệp.  Các  nước  châu  Á  thường  phát  triển  các  cụm  công  nghiệp  ở  các làng  xã  và  thị  trấn  nhỏ.  Ở Thái Lan, một khái niệm hết sức rõ được đưa ra là mỗi làng một sản phẩm. Trên thực tế, chính sách này thúc đẩy mỗi  làng/xã  phát  triển  một  sản  phẩm  truyền  thống  của  mình.  Bản  chất của  ý  tưởng  mỗi  làng  một  sản  phẩm  là  tìm  kiếm  và  tạo  ra  sự  chuyên  môn  hóa  của mỗi  làng  ở  một  sản  phẩm  có  thể  tạo  ra  giá  trị  gia  tăng  cao  hơn. 

Ở  Thái  Lan,  khái niệm  này  được  gọi  là  OTOP  (One  Tambon  One  Product)  và  được  phát  triển  dựa trên  các  cơ chế  khuyến  khích  về  chính  sách,  hành  chính,  tạo  dựng  mạng  lưới  và các chiến  lược  marketing.  Để  phát  triển  OTOP,  Thái  Lan  một  mặt  khuyến  khích  các doanh  nhân  và  thúc  đẩy  tinh  thần  kinh  doanh,  mặt  khác  hỗ  trợ  bằng  cách  thực  hiện các hoạt động tư vấn và thảo luận giữa cộng đồng địa phương và chuyên gia về việc sử  dụng  lao  động,  cung  nguyên  vật  liệu,  quá trình  thiết  kế  và marketing. 

Trong số  các  sản  phẩm  của  làng  sản  xuất,  cần  phải  tìm  ra  và  nhấn  mạnh  một  sản  phẩm mạnh  nhất,  gọi  là  sản  phẩm  OTOP  vô địch  (OTOP  product  champion)  sau  đó  lấy giấy  chứng  nhận  của  chính  quyền  về  sản phẩm,  sau  đó có những xem  xét  và nghiên cứu để phản ứng  với  nhu  cầu  của  thị  trường  và  tiêu  chuẩn  chất  lượng  (Dab  Kehah, 2008). Mặc  dù  chính  sách  mỗi  làng  một  sản  phẩm,  xuất  xứ ban  đầu  là gắn  liền  vớicác  sản  phẩm  truyền  thống  vốn  thiên  về  các  sản  phẩm  tiêu  dùng  cuối  cùng,  song hiện  nay  với  các  chiến  lược  và  công  cụ  marketing  hiện  đại,  nhiều  làng  đã  có  thể phát  triển  các  cụm  công  nghiệp  hỗ  trợ  dựa  trên  các  lợi  thế  vốn  có của  mình  kết  hợp với khả năng gia nhập vào các mạng cung  ng sản xuất nội địa và toàn cầu.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực

Thái Lan cũng rất tích cực trong việc phát triển kỹ năng thông qua các gói hỗ trợ đổi mới công nghiệp, giảm thuế thu nhập đến mức dài nhất là 8 năm và miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc.  Những  hỗ  trợ  được  đưa  ra  cho  8  lĩnh  vực  hoạt  động  là  thiết  bị  y  tế,  thiết  bị  phục  vụ  nghiên  cứu khoa học, các  thiết kế  điện tử, hoạt động nghiên cứu triển khai,  hoạt  động phòng thí nghiệm,  các  dịch  vụ  kiểm  định,  các  hoạt  động  phát  triển  nhân  lực,  chế  tạo  và  sửa chữa máy  bay. Đặc  biệt,  các  doanh  nghiệp  hoạt  động  trong  các  lĩnh  vực  nghiên  cứu triển  khai  và  thiết  kế, đào  tạo  nguồn  nhân  lực  Thái  Lan,  phát  triển  đội  ngũ  bán  lẻ cũng như tuyển dụng nhân lực khoa học công nghệ đều được hưởng ưu đãi nói trên.

Chính sách xây dựng thể chế và cơ sở dữ liệu

Thái  Lan  đã  xây  dựng  cơ  sở  dữ  liệu  công  nghiệp  hỗ  trợ  ASEAN,  xây  dựng các  tổ  chức  độc  lập  như  Viện  nghiên  cứu  Ôtô  Thái  Lan  –  Thailand  Automative Institute  TAI,  Viện  nghiên  cứu điện và điện  tử  -  EEI,  Viện  nghiên  cứu  thực  phẩm Food  Institute,  Viện  nghiên  cứu  dệt  may-  textile  Institute. Đồng  thời, Thái  Lan  đã thành  lập  Cục  phát  triển  công  nghiệp  hỗ  trợ  năm  1988  trong  khuôn  khổ  Phòng  khuyến  khích  công  nghiệp  của  Bộ  Đầu  tư  -  Bureau  of  Supporting  Industries Development (BSID) Dept. of Industrial Promotion in MOI). Tổ chức này thực hiện các nhiệm vụ chính như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho công nghiệp hỗ trợ, thiết  kế  và phát  triển  các  sản  phẩm  mẫu  ví  dụ  các  linh  kiện  điện  tử  chi  tiết  cho  việc nung, sấy, khuyến khích các hệ thống thầu phụ.

Hiện nay, Cục  công  nghiệp  hỗ  trợ  Thái  Lan  đã  phân  loại  một  cách  cụ  thể  tất cả các ngành công  nghiệp hỗ trợ thành 19 lĩnh vực khác nhau gồm  ba  cấp, đó  là máy  móc  và thiết bị, linh kiện và dịch vụ và đồng  thời  đưa  ra  các  chính  sách  riêng biệt phù hợp với từng cấp vấn đề.  Ngoài ra, Thái Lan cũng coi trọng việc áp dụng chính sách “quy tắc xuất xứ địa phương” để khuyến khích và bắt  buộc  các  nhà  lắp  ráp  phải  quan  tâm  và  tăng  cường  sử  dụng  các  đầu  vào  lắp  ráp được sản xuất tại địa phương (Đỗ Mạnh Hồng, 2004).

Malaysia

Dù xếp sau Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á, CNHT ở Malaysia vẫn được đánh giá cao nhờ những chính sách ưu tiên phát triển từ rất sớm.

Trước tiên, phải kể đến việc thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Phát triển kỹ năng Penang (PSDC) năm 1989 và Cơ quan phát triển tổng thể nền công nghiệp Malaysia (MIDA). Trung tâm phát triển kỹ năng Penang có nhiệm vụ nâng cao trình độ công nghiệp cho lao động trong các công ty và những người vừa tốt nghiệp. Ngoài ra, trung tâm này còn cung cấp và thường xuyên cập nhập công nghệ hiện đại, điều này mang lại lợi ích lớn cho các ngành CNHT trong nước. Trung tâm còn đưa ra sáng kiến về chương trình cung cấp toàn cầu (GSP) giúp giảm khoảng cách thông tin giữa các công ty đa quốc gia và nhà cung cấp linh kiện trong nước. Tất cả những đóng góp trên đều dựa trên định hướng phát triển công nghiệp hóa chiến lược từ Chính phủ và Cơ quan phát triển công nghiệp Malaysia, chú trọng sự phát triển của ngành ô tô và CNHT.

Do tác động kết hợp của việc nâng cao công nghệ và giảm khoảng cách thông tin, Trung tâm phát triển kỹ năng Penang đã góp phần vào tăng cường liên kết giữa các công ty đa quốc gia và những DN vừa và nhỏ (SMEs) hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Tiếp theo, phải kể đến Chương trình Phát triển nhà cung cấp (VDP – Vendor Development Program) được triển khai từ đầu những năm 1990. Đây là một chương trình marketing công nghiệp có mục tiêu phát triển hệ thống các DN vừa và nhỏ của Malaysia có khả năng sản xuất và cung ứng linh kiện, máy móc, công cụ và dịch vụ công nghiệp liên quan cho các DN lớn hơn. Nó cũng cung cấp sự tương tác và kết nối giữa DN vừa và nhỏ với DN lớn, công ty đa quốc gia với các tổ chức tài chính. Tính đến cuối tháng 10 năm 1994, đã có tổng cộng hơn 40 cty đa quốc gia và viện tài chính tham gia vào chương trình phát triển nhà cung cấp. Thành quả này đã trở thành tiền đề quan trọng phát triển CNHT Maylaysia trong giai đoạn này.

Tiếp đó, chính phủ triển khai Chương trình Trao đổi thầu phụ (SES – Sub-sector Exchange Scheme), với mục đích giúp trao đổi cơ sở dữ liệu giữa các DN vừa và nhỏ với DN lớn, nhằm điều phối cung-cầu hợp lý trong ngành CNHT. Đây là một hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính với các DN vừa và nhỏ đóng vai trò là nhà cung cấp, DN lớn hoặc công ty đa quốc gia đóng vai trò người mua trong các lĩnh vực được ưu tiên khi đó là điện, điện tử, gỗ, cao su, nhựa, ánh sáng kỹ thuật và đặc biệt là ngành ô tô. Mục tiêu của chương trình trao đổi này là cung cấp thông tin về các cơ hội hợp đồng thầu phụ và xác định sự tương thích của các DN vừa và nhỏ trong ngành CNHT để phù hợp với các yêu cầu về linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị. Thông qua các liên kết thầu phụ này, các công ty lớn sẽ tạo ra một môi trường công nghiệp cho các DN vừa và nhỏ sản xuất và phát triển CNHT.

Cùng giai đoạn này, Chính phủ Malaysia còn tổ chức các hội chợ công nghiệp, hỗ trợ các nhà sản xuất vừa và nhỏ mở rộng thị trường, thâm nhập thị trường mới. Các hoạt động xúc tiến gồm các chương trình xúc tiến đặc biệt, khuyến mãi, tổ chức hội trợ thương mại, buổi giới thiệu sản phẩm có khả năng đáp ứng cao nhu cầu DN lắp ráp đề ra, triển lãm  địa phương, triển lãm cấp quốc gia… được tổ chức hàng năm.

Năm 1996, Malaysia thành lập Công ty Phát triển công nghiệp vừa và nhỏ (SMIDEC – Small and Medium Industries Development Corporation). Việc thành lập Công ty này nâng cao mức độ hỗ trợ cho các DN hỗ trợ qui mô vừa và nhỏ ở mức độ cao hơn. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là thúc đẩy, hỗ trợ DN vừa và nhỏ nghiên cứu phát triển, tiếp thu công nghệ mới từ nước ngoài bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng, tiếp cận thị trường,… và các chương trình hỗ trợ liên quan khác. Mặt khác, sự hỗ trợ này đã nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ trên thị trường tự do và thị trường quốc tế. Công ty này trở thành đầu mối quốc gia trong việc phát triển CNHT, sản xuất và cung ứng linh kiện, phụ kiện,…trong và ngoài nước (Kenichi Ohno, 2006).

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên phân tích kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, bài viết này đưa ra một số khuyến nghị giải pháp cho trường hợp Việt Nam nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ một cách chất lượng hơn và bền vững.

Thứ nhất, chiến lược và chính sách thúc đẩy phát triển CNHT rõ ràng và khả thi

Theo như phân tích ở trên, có thể thấy rằng cả bốn quốc gia đều có chiến lược phát triển ngành CNHT rõ ràng, có kế hoạch triển khai cụ thể theo từng lĩnh vực từ nghiên cứu tiền khả thi, trọng tâm thu hút vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, đồng bộ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, các chiến lược đưa ra đều được thực hiện tốt và vượt chỉ tiêu trong một số các trường hợp.

Tại Việt Nam hiện nay, chiến lược phát triển ngành công nghiệp đã có, ví dụ như ngành công nghiệp ô tô năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 kèm theo ngành CNHT đã được thông qua. Theo đó, các mục tiêu chiến lược đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên để chiến lược này có thể thành công thì chính phủ cần có rất nhiều những chính sách thúc đẩy đồng bộ khác bao gồm ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ kinh doanh, cần phải xây dựng trên cơ sở không phân biệt doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Kinh nghiệm phát triển ngành CNHT của cả 4 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đều sử dụng những chính sách và biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về nhiều mặt như vốn, cung cấp mặt bằng sản xuất phù hợp, hưởng các chính sách ưu tiên và ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp, thuế các loại, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn quản lý… Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp hạn chế nhất định về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực đòi hỏi Chính phủ cần có những cơ chế và chính sách hỗ trợ. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những biện pháp hiệu quả và thiết thực nhất để nâng cao nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các hãng lắp ráp lớn.

Ngoài ra, các nước nêu trên đều khuyến khích các Viện nghiên cứu triển khai nghiên cứu đề tài, dự án ứng dụng thực tiễn nhằm phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu, chi tiết, linh phụ kiện, phụ tùng…phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nhanh chóng đổi mới công nghệ, cải tiến kĩ thuật. Đây thực sự là bài học đáng giá đối với Việt Nam để phát triển ngành CNHT.

Thứ ba, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài hợp lý

Tất cả các nước trên, đặc biệt Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đều trọng tâm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là lý do mà các nhà lắp ráp trong nước này hoàn toàn có thể mua linh kiện trong nước và hơn nữa còn xuất khẩu linh kiện tới các nước xung quanh như Việt Nam.

Đối với Việt Nam, khi nguồn vốn trong nước hạn chế thì thu hút được vốn nước ngoài FDI là rất quan trọng. Hơn nữa, ngoài vốn được tăng cường, công nghệ và khả năng quản lý của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ kích thích sự phát triển của ngành CNHT thông qua sự học tập và chuyển giao công nghệ. Sự chuyển giao công nghệ này có thể là chuyển giao trong nội bộ doanh nghiệp FDI (công ty mẹ-con), chuyển giao giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cùng ngành, và chuyển giao giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước kết hợp sản xuất theo chiều dọc trong chuỗi giá trị sản xuất. Trong tất cả các trường hợp này, công nghệ đều được chuyển giao và đạt hiệu quả lan tỏa cao trong các doanh nghiệp ngành CNHT. Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hợp lý để tận dụng tối đa lợi ích của đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, chính sách đạo tạo và phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực luôn luôn là yếu tố quyết định tới sự phát triển bền vững của ngành CNHT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các quốc gia nêu trên đều coi trọng vấn đề phát triển nguồn nhân lực để phát triển CNHT. Với lực lượng lao động khoảng 46 triệu người, Việt nam có thể cung cấp một lượng lao động lớn mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào. Tuy nhiên, Việt nam lại thiếu lực lượng kỹ sư có trình độ trung cấp đến cao cấp. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực rõ ràng, bao gồm cả đội ngũ các nhà quản lý, các kỹ sư và lao động lành nghề cho ngành CNHT. Chúng ta cần cải cách triệt để đào tạo đại học theo cả hai hướng, đó là phần cứng (bằng trang thiết bị) và phần mềm (chương trình đào tạo và phương thức giảng dạy), và có một khối lượng lớn kỹ sư có thể làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Các chương trình liên thông giữa các trường đại học và các tổ chức học thuật, ví dụ như chương trình thực tập ngắn hạn, cần phải có hiệu quả để sinh viên có điều kiện nâng cao kỹ năng thực hành và có thái độ đúng đắn với môi trường làm việc của một doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, để có được một lực lượng kỹ sư có trình độ trung cấp, việc mở rộng các trường cao đẳng kỹ thuật và các trung tâm đào tạo nghề là điều hết sức cần thiết.

Thứ năm, chính sách tăng cường liên kết doanh nghiệp, cụm công nghiệp

Thực tế phát triển ngành CNHT tại các nước nêu trên cho thấy một yếu tố quan trọng cho sự thành công của ngành CNHT chính là sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành. Sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp linh kiện với các nhà lắp ráp đóng vai trò quan trọng thông qua việc kiểm soát chất lượng sản phẩm tối ưu và giảm giá thành sản xuất đáng kể. Sự liên kết này giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI sẽ càng tạo ra lợi ích nhiều hơn cho sự phát triển của toàn ngành CNHT.

Theo kinh nghiệm của các nước, chúng ta có thể thấy rằng sự liên kết giữa các doanh nghiệp khi chặt chẽ sẽ tạo thành những cụm công nghiệp tương hỗ và ngược lại những doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp mới có thể chứng tỏ sự liên kết chặt chẽ. Cụm công nghiệp cho phép các doanh nghiệp lắp ráp liên kết chặt chẽ với những nhà cung cấp linh kiện cấp 1, cấp 2, 3, và các cơ quan tài chính, các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các nhà cung ứng dịch vụ, cũng như nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, các hiệp hội, các cơ sở giáo dục và hỗ trợ kỹ thuật.

Để tạo ra sự liên kết chặt chẽ hiệu quả này, vai trò của Chính phủ là rất quan trọng. Chính phủ thành lập các tổ chức chuyên về phát triển CNHT. Các cơ quan này sẽ là cầu nối không chỉ giữa chính phủ với doanh nghiệp mà giữa các doanh nghiệp với nhau.  Các cơ quan này có thể có các hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành CNHT trong nước và trong khu vực, xây dựng chương trình gặp gỡ giữa người mua và người bán nhằm hỗ trợ liên kết giữa họ…

Tài liệu tham khảo:

1.Ngô Đức Anh (2006), Công nghiệp phụ trợ Việt Nam dưới con mắt của các nhà sản xuất Nhật Bản, Diễn đàn phát triển kinh tế Việt Nam;

2.Hoàng Văn Châu (2010), CNHT - Kinh nghiệm từ các nước và giải pháp cho Việt Nam, NXB Thông tin và Truyền thông;

3.Nguyễn Thị Huế (2011), Kinh nghiệm phát triển CNHT ô tô của Nhật Bản và bài học với Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, số 12, trang 46-52.

4.Lưu Thị Hải Ninh (2010), Một vài hàm ý từ CNHT trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Trung Quốc trích trong CNHT- Kinh nghiệm từ các nước và giải pháp cho Việt Nam, NXB Thông tin và Truyền thông;

5. Kenichi Ohno (2006), Hoạch định chính sách công nghiệp ở Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản – Bài học kinh nghiệm cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, Diễn đàn phát triển kinh tế Việt Nam;

6. Hayashida Takayuki (2010), Phát triển CNHT: Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Thời báo kinh tế Việt Nam, số 210, ngày 4/9/2010;

7. Ryuichiro, Inoue (1999),  Future Prospects of supporting industries in Thailand and Malaysia.