Thể chế hóa một số điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người

ThS. Hoàng Văn Khải - Học viện Chính trị khu vực IV

(Tài chính) Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng ta về quyền con người, coi con người là chủ thể, là động lực quan trọng của sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Nguồn: internet
Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Nguồn: internet
Những điểm mới trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người

So với Hiến pháp năm 1992 và các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cụ thể:

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 đã thay thế Chương V "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân" trong Hiến pháp năm 1992 thành Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Đáng chú ý, Hiến pháp năm 2013 đã thay đổi về cách thức hiến định về các quyền con người, từ công thức: Nhà nước “quyết định”, “trao” quyền cho người dân, sang công thức: Các quyền con người là tự nhiên, vốn có, chứ không phải là sự ban phát, trao quyền của công quyền, Nhà nước phải ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện, không phân biệt đẳng cấp, màu da, giới tính… Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền…”, “công dân có quyền…” và Nhà nước có trách nhiệm trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền này. Vì vậy, thay vì quy định “công dân có quyền… được thông tin” (như Điều 69 Hiến pháp năm 1992) thì Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân có quyền… tiếp cận thông tin”.

Một số quyền được củng cố và phát triển hơn như Bảo vệ bí mật đời tư (Điều 21); Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28)… Cùng với đó, quyền con người, quyền công dân không chỉ được quy định trong Chương II mà là nội dung xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013. Việc đưa các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân vào nhiều chương khác của Hiến pháp nhằm tạo ra cơ chế hiến định bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 có sự phân biệt giữa “quyền con người”“quyền công dân”. Hiến pháp sử dụng khá hợp lý hai thuật ngữ này cho các quyền tự do hiến định. Theo đó, quyền con người được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra; còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với nhà nước, được nhà nước bảo đảm đối với công dân của nước mình. Hiến pháp năm 2013 đã sử dụng từ “mọi người” và từ “không ai” khi thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định về quyền công dân.

Thứ ba, trách nhiệm của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước trong việc ghi nhận, tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định đầy đủ trong các điều luật. Ngoài nguyên tắc như: “Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14); ở nhiều điều khác đều quy định trách nhiệm và bảo đảm của Nhà nước như Điều 17: “Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Điều 28: “Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”…

Thứ tư, lần đầu tiên giới hạn của các quyền được quy định thành nguyên tắc trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013, theo tinh thần của các công ước quốc tế đã quy định thành nguyên tắc ở Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, từ nay không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền con người, quyền công dân, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do luật định. Quyền con người, quyền công dân là những quyền mà con người, công dân có toàn quyền định đoạt. Chúng chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp đặc biệt, chứ không phải chung chung như “theo quy định của pháp luật” trước đây.

Đây là những nguyên tắc căn bản nhằm đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa sự tùy tiện cắt xén, hạn chế, cho chỗ này, lấy lại ở chỗ khác từ phía các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Trên cơ sở của các nguyên tắc căn bản này, Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung một số quyền mới một cách chặt chẽ, chính xác, khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Nhà nước ta là thành viên.

Hiến pháp năm 2013 không chỉ kế thừa mà còn phát triển, mở rộng các quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992. Ví dụ trong lĩnh vực dân sự - kinh tế, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ (Điều 32); chuyển từ nguyên tắc mọi người được kinh doanh theo quy định của pháp luật sang nguyên tắc được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33); ghi nhận thêm các quyền mới như quyền sống, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp… Một số quyền, nghĩa vụ được quy định rõ việc thực hiện do Luật định như “không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19); quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân; nghĩa vụ nộp thuế…

Với những điểm mới, tiến bộ cơ bản nêu trên, Hiến pháp năm 2013 đã mở ra không gian rộng lớn trong việc mở rộng và phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta.

Thể chế hóa những quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013

Để các quy định tiến bộ nêu trên của Hiến pháp năm 2013 thực sự đi vào cuộc sống, cần những bước đi cụ thể, rõ ràng. Trong đó, Nhà nước là chủ thể chính để thể chế hóa và thực thi những quy định của Hiến pháp trên thực tế. Thực tiễn cho thấy, chỉ trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân mới có điều kiện tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Vấn đề này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước, từ việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy để bảo đảm thực thi Hiến pháp.

Để Hiến pháp năm 2013 sớm đi vào cuộc sống, Quốc hội cần ưu tiên đẩy mạnh việc bổ sung, sửa chữa và ban hành những luật mới theo những quy định của Hiến pháp đã nêu. Theo chương trình làm việc của Quốc hội, dự kiến trong thời gian tới, Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tổng cộng 28 luật liên quan tới quyền con người, trong đó có 12 văn bản thuộc lĩnh vực dân sự chính trị và 16 văn bản thuộc lĩnh vực quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Nghĩa là từ nay đến năm 2016, phải cố gắng sớm ban hành những điều luật này để thực thi trong thực tế. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện như thế nào, cần phải có những quy định của những văn bản luật và dưới luật cụ thể để hướng dẫn cách thức thực hiện. Để triển khai thực hiện kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng kế hoạch rà soát các quy định về quyền con người trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và công việc này cũng đã bắt đầu được triển khai.

Có thể nói, những điểm mới về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng, định hướng cho những thay đổi của luật pháp nước ta tới đây về quyền con người, góp phần làm giảm bớt những sai sót của quá trình thực thi pháp luật, đặc biệt là do những cá nhân cụ thể trong quá trình thực thi pháp luật gây ra. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, có lúc, có nơi việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội vẫn chưa được tôn trọng một cách đầy đủ, toàn diện.

Đối với những lĩnh vực đặc thù, liên quan đến sinh mạng chính trị của con người, nếu để xảy ra oan sai, hậu quả rất lớn, nhiều trường hợp không thể khắc phục, bồi thường được. Việc hoàn thiện cơ chế tố tụng hình sự để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân phải dựa trên nguyên tắc chung của Hiến pháp, trên cơ sở quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân được bảo đảm.

Hiến pháp đã đưa ra những quy định mở, để những bộ luật, đạo luật sắp tới đây có quy định cụ thể bảo vệ cho những người chẳng may rơi vào vòng lao lý, để làm sao khắc phục được những oan sai như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn vừa qua. Chẳng hạn, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Đây được xem là một thay đổi rất quan trọng so với quy định trước đây. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, có 3 yếu tố cần phải làm rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự tới đây.

Một là, phạm vi những người bị coi là có tội đã được thu hẹp hơn trước, chỉ xác định trong số những “người bị buộc tội”. Vì thế, thời gian tới, Bộ luật Tố tụng hình sự phải làm rõ khái niệm “người bị buộc tội” gồm những người nào, và dù họ có thể bị bắt, bị khởi tố, truy tố, xét xử thì vẫn chưa được coi là có tội.

Hai là, việc chứng minh phải tuân theo trình tự luật định, nếu không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục tố tụng theo luật định thì kết quả chứng minh không có giá trị kết tội. Đây chính là điểm mới rất quan trọng đòi hỏi phải sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự với trình tự, thủ tục tố tụng phải hoàn thiện và chặt chẽ.

Ba là,
thời điểm được coi là có tội khi bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Hiến pháp lần này đã làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội. Nghĩa là bây giờ có thêm một điều kiện rất quan trọng đó là việc buộc tội phải được chứng minh thì mới có bản án. Do vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự tới đây nhất thiết phải khắc phục điểm này, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo đúng Hiến pháp quy định.

Bên cạnh đó, để làm rõ hơn khoản 4, điều 31 của Hiến pháp “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra, hoặc truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”, thiết nghĩ Bộ luật Tố tụng hình sự thời gian tới cần phải quy định cụ thể “người khác” là người nào, để vừa bảo đảm quyền bào chữa, vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Được đánh giá là nguyên tắc rất quan trọng mang tính đột phá trong tiến trình cải cách tư pháp nước ta, khoản 4 Điều 103 của Hiến pháp mới quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Tuy nhiên, để hiện thực hóa nguyên tắc này là một vấn đề không đơn giản. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, muốn hiện thực hóa chế định này đòi hỏi pháp luật Tố tụng hình sự phải làm rõ được phạm vi tranh tụng là tranh tụng từ giai đoạn tố tụng nào; tính chất tranh tụng là tranh tụng như thế nào; các chủ thể có quyền và nghĩa vụ tranh tụng là ai tranh tụng với ai… Có như vậy mới bảo đảm xác định sự thật của vụ án, bảo đảm cho người bị oan có cơ hội để chứng minh sự vô tội, bảo đảm cho công lý được thực hiện một cách triệt để. Đây chính là mục tiêu cao nhất của nền tư pháp văn minh, hiện đại.

Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện những bước tiến mới trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, trong thời gian tới, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự cũng cần nghiên cứu vấn đề tạm giam đối với một số loại tội, theo hướng giảm bớt các đối tượng tạm giam nếu thấy họ không cản trở, hợp tác trong quá trình điều tra. Cũng cần hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội. Bởi lẽ, khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, người bị tạm giam bị tước quyền tự do thân thể và bị buộc phải cách ly với thế giới bên ngoài, bị hạn chế nhiều quyền khác. Vì vậy, cần nghiên cứu vận dụng để có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn như bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm nếu người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt, không trốn tránh và cản trở hoạt động điều tra… Đó cũng là những tiêu chí bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự.

Hiến pháp năm 2013 ra đời đã tạo một nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền con người, quyền công dân trên thực tế. Những điểm mới được quy định trong Hiến pháp về quyền con người là sự tổng kết, chắt lọc từ thực tiễn gần 30 năm đổi mới, thực hiện những cam kết quốc tế và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những quy định của luật để hiện thực hóa quyền con người.