Tiến hành đồng bộ các giải pháp sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN

TS. PHẠM VIẾT MUÔN - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

(Tài chính) Ðổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được tiến hành từ năm 1986 và được đẩy mạnh từ năm 2001 khi Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Ðảng (khóa IX) thông qua Nghị quyết về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và các nghị quyết của Ðảng về DNNN, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực: DNNN đã được sắp xếp lại một bước quan trọng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt Nhà nước cần nắm giữ, đứng vững và không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn chung của đất nước; chi phối được những ngành then chốt của nền kinh tế, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thế và lực của đất nước; chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm trong nước, tổng thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư với nước ngoài. Ðây là lực lượng quan trọng trong thực hiện các chính sách xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm nhiều sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh. DNNN ngày càng thích ứng hơn với cơ chế thị trường, trình độ công nghệ và quản lý có nhiều tiến bộ, hiệu quả và sức cạnh tranh từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, kết quả sắp xếp, đổi mới DNNN vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: thể chế, cơ chế quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước vẫn còn sơ hở, bất cập; DNNN cũng còn những mặt hạn chế, chưa thật sự làm tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu vẫn còn chưa hợp lý, dàn trải, một bộ phận quy mô còn nhỏ, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả; trình độ công nghệ lạc hậu; năng suất lao động thấp; quản trị yếu kém; chưa thật sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; một số doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật nghiêm trọng; mô hình tổ chức đảng trong DNNN chưa hợp lý, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng còn hạn chế.

Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, trong bối cảnh mới, DNNN cần phải được tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả theo các phương hướng:

Một là, hoàn thành sắp xếp các DN 100% vốn nhà nước hiện có để tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng.

Tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn kinh tế (TÐKT), tổng công ty nhà nước (TCTNN) để hình thành những TÐKT, TCTNN lớn mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao.

Hai là, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN; thu hút cán bộ giỏi và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh của DNNN.

Ðể thực hiện các phương hướng nêu trên, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp:

Phân loại để sắp xếp, thu hẹp phù hợp ngành, lĩnh vực hoạt động và số lượng DN 100% vốn nhà nước hiện có. DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ có số lượng hạn chế, tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực: an ninh, quốc phòng; độc quyền tự nhiên; cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn. Các DN còn lại sẽ thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần với mức độ khác nhau, trong đó, những DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực quan trọng Nhà nước giữ cổ phần chi phối tuyệt đối hoặc chi phối lớn. Các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng DN; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên; giải thể, phá sản. 

Thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TÐKT, TCTNN một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm; tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Thực hiện thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải ngành kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính và vốn nhà nước ở các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối theo nguyên tắc thị trường. Kết thúc việc thực hiện chủ trương thí điểm các TÐKT nhà nước. Xem xét chuyển một số TÐKT tổ chức hoạt động không khác TCTNN, thành lập mang tính cơ học, không phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ đề ra thành TCTNN. Tập trung phát triển để đến năm 2020 có một số DN đạt tầm khu vực.

 Các DN còn lại sẽ thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần với mức độ khác nhau, trong đó, những DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực quan trọng Nhà nước giữ cổ phần chi phối tuyệt đối hoặc chi phối lớn. Các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng DN; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên; giải thể, phá sản.

Ðẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Ðến năm 2015, thực hiện cổ phần hóa các DNNN theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành cổ phần hóa toàn bộ các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Hoàn thiện khung pháp lý để DNNN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý công khai minh bạch và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước và để các TÐKT, tổng công ty, DNNN hoạt động có hiệu quả hơn. Ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DN; chế độ công bố, minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành TÐKT, TCTNN; tăng cường trách nhiệm giải trình của Hội đồng thành viên và Ban điều hành.

Nghiên cứu hình thành tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Trước mắt tập trung rà soát, điều chỉnh sự phân công, phân cấp để tiếp tục phân định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, các bộ tổng hợp, UBND cấp tỉnh và Hội đồng thành viên, Chủ tịch TÐKT, tổng công ty, DNNN. Có cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Ðổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với DNNN theo các nội dung: chấp hành pháp luật; thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và thực hiện quy chế phối hợp; nghiên cứu để có mô hình tổ chức đảng gắn với mô hình tổ chức quản lý DN; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế, quy định, quy trình công tác của các tổ chức đảng ở DN.

Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, TCTNN trong thực hiện tái cơ cấu DNNN; coi đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng; thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm chức năng của chủ sở hữu đối với DN do mình được giao làm đại diện chủ sở hữu, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện yếu kém, kịp thời chấn chỉnh.