Tìm hướng xuất khẩu cho lao động qua đào tạo

Theo daibieunhandan.vn

Dự thảo đề án đưa lao động có trình độ cao sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel... đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng. Đây được coi là hướng mở tạo ra cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao cho những người trình độ đại học, cao đẳng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Mở đường xuất khẩu lao động cho cử nhân

Một trong những điểm nghẽn của ngành lao động năm 2016 là giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn khó khăn. Theo đó, quý III/2016, cả nước có khoảng 202 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp. Trong khi đó, công tác tuyển sinh học nghề, tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề, phân luồng học sinh còn nhiều hạn chế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề ở mức thấp. Theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tiếp tục gia tăng, hơn 200 nghìn người so với năm 2016.

Đối với thị trường xuất khẩu lao động, trong thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động phổ thông, có trình độ tay nghề thấp. Việc đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng chỉ mới được triển khai trong vài năm lại đây, ở những nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình dành cho lao động có trình độ và chuyên môn (Visa E7).

Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế. Theo thống kê của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam thì năm 2016, lao động là điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhưng các ngành nghề khác như công nghệ thông tin, kỹ thuật, cơ khí… rất thấp. Mới chỉ có một số kỹ sư công nghệ thông tin đi làm việc ở Singapore nhưng số lượng rất ít. Thậm chí, nhiều lao động chấp nhận làm việc ở nước ngoài với công việc thấp hơn chuyên môn được đào tạo để lấy kiến thức, kinh nghiệm.

Dự thảo đã đưa ra một số ngành nghề như xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản và CHLB Đức; công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang Nhật Bản; cơ khí sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Trung Đông; đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi Hàn Quốc. Cùng với việc chuẩn bị đề án trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia; tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức theo các chương trình đã ký kết.

Cần kế hoạch dài hơi

Với tỷ lệ thất nghiệp ở những lao động có trình độ đại học, cao đẳng hiện đang tương đối cao, xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới không chỉ làm nâng cao vị thế của người lao động mà còn là một trong những giải pháp giải quyết việc làm cho số sinh viên đang thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định. Đây cũng là xu thế chung của thị trường lao động thế giới, nếu xuất khẩu được lao động có chuyên môn cao sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về an ninh xã hội. Bởi lao động không có tay nghề thường phải làm trong ngành nghề độc hại, thu nhập và bảo hiểm hạn chế.

Khẳng định việc xuất khẩu lao động có tay nghề là xu hướng tất yếu, song rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn về trình độ ngoại ngữ, cũng như kỹ năng nghề của các cử nhân tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Bởi, nhìn vào danh sách thị trường xuất khẩu mà dự thảo đề án đưa ra thì đều là những trị trường khó tính, đòi hỏi phải có ngoại ngữ, có kỹ năng, kỷ luật lao động, tác phong công việc. Điều này không chỉ đòi hỏi việc đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường thực hành… mà ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính.

Vì vậy, cần có một kế hoạch dài hơi để đào tạo bài bản lao động có chất lượng đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ là trình độ ngoại ngữ, mà còn là kỹ năng, tác phong làm việc. Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế, Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng trở ngại lớn nhất của lao động Việt Nam là trình độ ngoại ngữ. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn trẻ muốn tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài cần trau dồi ngoại ngữ ở nước tiếp nhận.