Xã hội hóa y tế: Cần minh bạch công – tư

Theo Đại biểu Nhân dân

Xã hội hóa (XHH) y tế là một chủ trương nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, góp phần tăng nguồn vốn đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, việc thiếu minh bạch trong tài sản công - tư và tự chủ tài chính tại các bệnh viện công… đang làm ảnh hưởng đến ý nghĩa và hiệu quả của chủ trương này.

Xã hội hóa y tế: Cần minh bạch công – tư
Xã hội hóa y tế là một chủ trương nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để giảm bớt gánh nặng NSNN. Nguồn: Internet

Nhu cầu XHH mạnh mẽ

Theo PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế, sau gần 5 năm thực hiện chủ trương XHH y tế, việc giao quyền và cho phép các cơ sở y tế tự hoạch toán, chủ động huy động các nguồn lực cho hoạt động KCB, đến nay, đã có khoảng 70 phòng KCB tư nhân và khoảng 140 bệnh viện tư nhân hoạt động. Khối y tế tư đã cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và hơn 2% tổng dịch vụ nội trú cho người dân.

Trong các bệnh viện công, với cơ chế tự chủ tài chính, XHH y tế, mô hình khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám dịch vụ, tự nguyện, chất lượng cao đã ra đời. Các hình thức này giúp người bệnh có khả năng chi trả, tiếp cận dịch vụ tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, được lựa chọn bác sỹ, phẫu thuật viên và đặc biệt là tránh được phiền hà, tốn phí phong bì.

Mặc dù công tác XHH y tế đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên, vào thực tế và thực lực thì mức độ, tiến độ XHH diễn ra còn chậm, chưa huy động được hết tiềm lực trong nhân dân. Đặc biệt, quá trình thực hiện công tác này vẫn còn để xảy ra tình trạng tăng thu, tận thu và nảy sinh nhiều bất cập.

Việc thiếu minh bạch trong tài sản công và tư trong XHH ở các bệnh viện công dễ dẫn đến sai phạm trong quá trình quản lý tài chính; xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết, đấu thầu thuốc. Việc lạm dụng dịch vụ này thể hiện ở nhiều hình thức như lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, nhập viện ở cả các bệnh nhẹ có thể điều trị ở tuyến dưới, kéo dài thời gian điều trị gây quá tải bệnh viện...

Không chỉ ở bệnh viện công, nó còn diễn ra ở cả các bệnh viện tư và hậu quả là tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại cho người bệnh, gây mất cân đối Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), đồng thời, tăng chi phí xã hội cho y tế nói chung.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiệu quả thực hiện chủ trương XHH y tế là rất cao. Trước nhu cầu KCB của người dân ngày một tăng cao và đa dạng; khoa học kỹ thuật về y tế phát triển mạnh, đòi hỏi nhu cầu đầu tư cho y tế ngày một lớn, nhưng do ngân sách có hạn, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư vào y tế.

Việc làm này đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của các đơn vị y tế trong việc huy động vốn đầu tư vào các trang thiết bị phục vụ hoạt động KCB. Các thiết bị được đầu tư chủ yếu là thiết bị khám chữa, điều trị công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân.

Chấn chỉnh bất cập, hạn chế

Tại Hội nghị về tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân do Bộ Y tế và Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia cũng đã mổ xẻ những bất cập trong việc thực hiện XHH y tế, tư nhân hóa cung ứng dịch vụ y tế ở các bệnh viện công.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam Dương Huy Liệu, tự chủ tài chính trong bệnh viện cần minh bạch, tránh nhập nhèm công - tư, khuyến khích XHH y tế nhưng phải ngoài khuôn viên của bệnh viện công. Thực chất đây là hình thức dịch vụ của tư nhân trong bệnh viện công. Do vậy, các khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu hay tự nguyện dễ trở thành sân sau của chính các bệnh viện công, dẫn đến tiêu cực trong sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ mặt trái của XHH y tế đó là lạm dụng dịch vụ để tận thu, như tăng chỉ định sử dụng xét nghiệm, kỹ thuật cao; tăng nhập viện điều trị nội trú để tăng thu, sử dụng thuốc không hợp lý, kéo dài thời gian điều trị...

Khác các lĩnh vực khác, người dân khó có sự lựa chọn việc có sử dụng dịch vụ XHH y tế và không có sự mặc cả, dù muốn hay không khi ốm đau phải đến bệnh viện, thầy thuốc chỉ định dịch vụ nào phải tuân theo dịch vụ ấy. 

Thực tế cho thấy, dịch vụ XHH y tế tại các bệnh viện công lập đang được thực hiện theo hình thức đầu tư “tư trong công”. Khởi đầu, chủ trương XHH lĩnh vực y tế đã mở đường cho các dịch vụ y tế tư nhân, tạo điều kiện chia sẻ gánh nặng cho hệ thống y tế nhà nước. Nhưng dần dần, nhiều “đại gia” thấy được tính chất “béo bở” của đầu tư y tế, đã đưa XHH y tế vào các bệnh viện công, lợi dụng môi trường của bệnh viện công lập để đầu tư máy móc, trang thiết bị, cung cấp thuốc, hóa chất... Họ đã tự xác định giá dịch vụ y tế XHH sao cho nhanh lấy lại vốn, chi hoa hồng hậu hĩnh cho người giới thiệu dịch vụ XHH. Hậu quả là giá dịch vụ y tế XHH trong các bệnh viện công được đẩy cao không kiểm soát được, tình trạng lạm dụng kỹ thuật xảy ra tràn lan…

Thu hút nguồn lực đầu tư từ XHH là hướng đi đúng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh phí đầu tư y tế còn hạn hẹp. Tuy nhiên để thực hiện chủ trương XHH đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, Bộ Y tế cần khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.

Trước mắt, Bộ Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát được tiêu cực trong việc thực hiện XHH, như lạm dụng dịch vụ, khai thác bệnh nhân chuyển tuyến, chưa tách được dịch vụ công và dịch vụ, tỷ lệ chia lợi nhuận bất cập.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn đầy đủ thực hiện Luật Khám chữa bệnh; Nghị quyết 18/2008 Quốc hội về đẩy mạnh XHH, nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân; Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Những văn bản pháp luật này đã ra đời nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện đầy đủ.