Xuất khẩu vào Hoa Kỳ: Cần chú trọng cả chất và lượng

Theo Quỳnh An/thanhtravietnam.vn

Hoa Kỳ vốn là thị trường lớn mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu muốn thâm nhập. Tuy nhiên, không dễ gì để đặt chân vào thị trường này bởi các điều kiện tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra cho các loại hàng hóa cũng rất khắt khe. Bởi vậy, tuân thủ nghiêm chỉnh tiêu chuẩn của thị trường, chú trọng tăng cường cả chất và lượng là chìa khóa để mở rộng cánh cửa vào thị trường này.

 Dệt may chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Nguồn: internet
Dệt may chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Nguồn: internet

Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường Mỹ 24 tỷ USD, vươn lên trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 12 tại thị trường Mỹ. Trong đó, ngành dệt may, da giày có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục nhất, đạt từ 8,74% - 11,83% và đứng vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc. 

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam đạt gần 31 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường Mỹ hơn 24,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Riêng sản phẩm dệt may, Việt Nam đã xuất được 9,25 tỷ USD hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này. Đối với ngành hàng giầy dép cũng đã xuất được 3,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 12% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc ở cả hai nhóm may mặc và giày dép. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc Hoa Kỳ. Điều này cho thấy, thời gian gần đây các doanh nghiệp Việt cũng đã rất chú trọng đến chất lượng, giá cả và những điều kiện về hàng hóa xuất khẩu.

Mặc dù các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ đã đánh giá cao, nhận thấy được các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận về khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may, da giày nói riêng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi lẽ, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang bị áp mức thuế cao hơn các nước phát triển khác như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan, Campuchia… Thậm chí, có những dòng hàng hóa bị áp mức thuế trên 17% - 30%. Việt Nam đang xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa nói chung sang thị trường Mỹ với hơn 30,1 tỷ USD, nhưng lại đóng thuế đến 2,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2 về nộp thuế trong tổng số các nước xuất khẩu hàng vào Mỹ.

Thuế và hàng loạt rào cản đối với hàng hóa Việt

Việc đánh thuế, chính sách hải quan đối với hàng Việt xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang là vấn đề quan tâm lớn của các nhà làm chính sách. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 diễn ra tại Hội An vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam có đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ xem xét đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong khi trước đó, tháng 2/2107, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Nghị quyết số 29 về việc phê duyệt Hiệp định và Nghị định thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về tránh đánh thuế hai lần. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tích cực phối hợp và tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm đi đến ký kết và thực hiện Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2017, hàng xuất khẩu Việt Nam vào Hoa Kỳ đã đóng hơn thuế 2,2 tỷ USD (đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc) dù trị giá nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ.

Số tiền thuế hàng nhập khẩu xuất xứ từ Việt Nam phải đóng chiếm khoảng 10,11% trong tổng số tiền nước Mỹ thu thuế hàng nhập khẩu vào thị trường của mình. Trong khi đó, xét về giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng Nhật Bản vào thị trường Mỹ, Nhật Bản đang xếp thứ 4 với 89,2 tỷ USD - cao hơn rất nhiều so Việt Nam nhưng số thuế mà hàng hóa Nhật Bản phải đóng chỉ khoảng 1,5 tỷ USD - đứng vị trí thứ 3.

Còn các nước trong ASEAN cũng đang đóng mức thuế thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam, như Campuchia 278 triệu USD, Thái Lan 298 triệu USD hay Indonesia khoảng hơn 823 triệu USD...  Thực tế này đã làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại Mỹ.

Có thể thấy, thuế cùng với hàng loạt rào cản về thương mại, kỹ thuật khác từ Hoa Kỳ đang là chướng ngại vật rất lớn cho nỗ lực của các doanh nghiệp từ Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường quan trọng bậc nhất này.

Việt Nam cần chủ động thích ứng với các rào cản kỹ thuật 

Để có thể giữ vững, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Á - Âu... để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo những diễn biến gần đây tại thị trường Mỹ cho thấy, Mỹ sẽ không thực hiện đàm phán song phương hay đa phương về các hiệp định thương mại tự do và sẽ thực hiện tái đàm phán lại các hiệp định thương mại theo hướng song phương.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ sẽ đẩy mạnh giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại, quản lý thương mại và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, kết hợp với kích cầu sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và phát triển thị trường nội địa.

Do vậy, chúng ta cần nắm bắt nhanh, kịp thời những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ để phân tích, tận dụng tối đa những lợi thế ưu đãi cho phép. Từ đó, có những giải pháp thích hợp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhằm duy trì ưu thế xuất khẩu vào thị trường này.

Mặt khác, Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng hệ thống pháp lý công bằng, minh bạch. Đây là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư FDI và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nội phát triển.