Các tỉnh miền Trung "xốc" lại kinh tế cửa khẩu

Theo Việt Hương/nhadautu.vn

Trước sự trầm lắng tại các khu kinh tế cửa khẩu miền Trung, những địa phương này đã có biện pháp nhằm tìm ra hướng đi mới cho doanh nghiệp cũng như lôi kéo nhà đầu tư trở về.

 Quảng Bình đang biến KKT cử khẩu quốc tế Cha Lo thành khu vực trọng điểm trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Nơi đây đang trải qua những năm tháng sầm uất nhất, sôi động nhất trong chuỗi các KKT cửa khẩu miền Trung. Nguồn: internet
Quảng Bình đang biến KKT cử khẩu quốc tế Cha Lo thành khu vực trọng điểm trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Nơi đây đang trải qua những năm tháng sầm uất nhất, sôi động nhất trong chuỗi các KKT cửa khẩu miền Trung. Nguồn: internet

Quảng Trị tìm hướng đi chung với tỉnh bạn

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính xác nhận, Quảng Trị đã có biện pháp mới nhằm vực dậy KKT cửa khẩu Lao Bảo và bước đầu có kết quả tích cực. 

Theo người đứng đầu tỉnh Quảng Trị, cuối năm 2017, UBND tỉnh này đã có một cuộc hội thảo với tỉnh Savannakhet (Lào) để bàn về chiến lược hợp tác, tháo gỡ rào cản cũng như các khó khăn vướng, mắc của hai bên để có những biện pháp giải quyết thông thương tại cửa khẩu.

"Cuộc làm việc này do Chủ tịch tỉnh Quảng Trị và Tỉnh trưởng Savanakhet chủ trì cùng với các ban ngành ngồi lại với nhau để cùng chỉ ra những vướng mắc và bàn cách giải quyết vướng mắc đang gặp phải. Sau đó đi đến thống nhất mỗi bên giao cho một cấp phó (phó chủ tịch tỉnh - PV) chịu trách nhiệm lắng nghe, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và trực tiếp làm nhiện vụ liên quan đến của khẩu Lao Bảo", ông Chính cho biết.

Ông Chính cho biết, một trong những biện pháp mà phía Quảng Trị cũng như Savannakhet bắt tay vào thực hiện bước đầu có kết quả tích cực đó là cả hai phía đã huỷ bỏ cổng B. Xây dựng quy chế phối hợp và bảo đảm thông thương, trực tiếp ra công văn trên toàn tỉnh việc nghiêm cấm các lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa chồng chéo dọc đường. "Hiện, chỉ được duy nhất 01 chốt CSGT tỉnh làm nhiệm vụ chuyên môn của tuyến đường QL9. Ngoài ra tất cả các lực lượng chức năng khác phải có lệnh khi đó mới được yêu cầu doanh nghiệp dừng xe", ông Chính nói.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng đã lên phương án cho các dự án đã đầu tư đi vào hoạt động phải phát huy hiệu quả; một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm, kéo dài; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nhiệp khó khăn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; một số dự án đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh nhưng chưa đưa vào hoạt động... Tất cả sẽ được UBND tỉnh xem xét chuyển hướng đầu tư, chuyển nhượng dự án, hoặc sẽ bị thu hồi.

Để các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án đã đăng ký, đề nghị các tổ chức tài chính, ngân hàng quan tâm đến việc hỗ trợ về nguồn vốn, xem xét cho nới thêm hạn mức tiền vay, thủ tục cho vay vốn. Đặc biệt là đề xuất với Trung ương cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng Quẩng Trị trong việc thhu hút đầu tư.

Quảng Bình áp dụng chiến lược mới

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) đang đổi thay từng ngày. Cùng với đó, quá trình cải cách mạnh mẽ về thủ tục thông quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu... là những gì mà chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân đến đây.

Định hướng của tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Năm 2016 - 2017, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo "được" khoác trên mình tấm áo mới, với nhiều hạng mục công trình đang được gấp rút hoàn thiện. Khu nhà liên hợp cũng là nơi làm việc của các bộ phận: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch được xây mới khang trang, hiện đại nhộn nhịp người qua lại. Cổng xuất-nhập có mái che được lắp đặt điện chiếu sáng, với 6 làn đường giúp các phương tiện lưu thông thuận tiện, trật tự, khoa học.

Theo báo cáo của đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế tại Cửa khẩu Cha Lo, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tình hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được đảm bảo, không có tình trạng ách tắc, mất trật tự, an toàn, an ninh tại khu vực Cửa khẩu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Cửa khẩu ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm người và phương tiện lưu thông thuận lợi. 

Trong năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh và phi mậu dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo là 1,7 tỷ USD. Thuế hàng hóa qua Cửa khẩu đạt 37,8 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch đạt trên 207 triệu USD, tăng 40%, thuế hàng hóa qua Cửa khẩu ước đạt hơn 4 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết: Quảng Bình đang tiếp tục xây dựng một Cửa khẩu quốc tế Cha Lo phải hiệu quả hơn bây giờ - từ một diện mạo tương đối sầm uất so với các cửa khẩu lân cận thì UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục quản lý tốt cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cũng như quy hoạch khu vực Cửa khẩu, đồng thời chú trọng về vấn đề vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp khu vực Cửa khẩu.

Hà Tĩnh đã giải quyết được 2/3 phần khó khăn

Theo quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) được xác định là một trong 9 cửa khẩu quốc tế trong cả nước được Chính phủ đầu tư xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý và cơ chế chính sách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Dương Tất Thắng cho biết, trong thời gian qua, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tập trung kiện toàn hoạt động quản lý dự án, nhằm tăng cường công tác quản lý, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang dang dở.

Theo ông Thắng, Dự án Nhà liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc Môn đã khánh thành đưa vào sử dụng đã giải quyết được 2/3 phần khó khăn tồn tại bấy lâu nay. Nguồn vốn để giải quyết những tồn động đối với các dự án phụ cận tại Nhà liên hợp cũng như khắc phục, sữa chữa lại tuyến QL8 cũng đã được UBND tỉnh có kế hoạch để thực hiện trong năm 2018 này.

"Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sẽ trở thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; một khu đô thị miền núi khang trang; một trung tâm kinh tế - thương mại - du lịch", ông Thắng nhấn mạnh.

Số liệu từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho thấy những tháng đầu năm, các hoạt động ở cửa khẩu diễn ra khá sôi động với nhiều tín hiệu vui. 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XNK tại đây đạt 58,5 triệu USD, (tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu đạt 22,3 triệu USD, nhập khẩu đạt 36,2 triệu USD.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị chức năng tại cửa khẩu Cầu Treo tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.

"Chúng tôi cũng khuyến khích, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ hàng đến nộp tờ khai và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục, đảm bảo giải quyết nhanh gọn tại chỗ nên lượng hàng hóa, vận tải thông thương qua Cầu Treo đang ngày càng tăng mạnh", ông Nguyễn Đình Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết.