Các yếu tố cần thiết để xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải khí trong tương lai

Bùi Thu Hiền - Đại học Ngoại thương, Vũ Trung Kiên - Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Thị trường mua bán quyền phát thải đã và sẽ trở thành trung tâm của các nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu quốc gia và quốc tế trên, tạo điều kiện để các đối tượng tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích và cơ hội. Nắm bắt được các yếu tố để xây dựng một thị trường mua bán quyền phát thải trong tương lai là hết sức cần thiết đối với các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như các đối tượng đang phát thải ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc mua bán quyền phát thải khí hay việc tạo ra một thị trường carbon đã xuất hiện trong các nghiên cứu trước đây về kinh tế môi trường của John H. Dales (1968). Cách tiếp cận của nhà nghiên cứu này là các đối tượng được hưởng quyền phát thải khí chỉ được thải ra một số lượng cụ thể các chất ô nhiễm trong một khoảng thời gian giới hạn, và quyền phát thải khí có thể được chuyển nhượng nếu như các cơ quan quản lý xác định được một mức trần cho lượng phát thải tổng thể… Việc tạo ra một thị trường thương mại cho việc mua bán quyền phát thải khí có thể mang lại nhiều lợi ích.

Thứ nhất, người mua và người bán trên thị trường đều được hưởng lợi ích do giảm được chi phí giảm thải khi việc mua bán quyền phát thải khí diễn ra. Lấy ví dụ hai công ty A và B (Hình 1) được nhận quyền phát thải khí là như nhau, tuy nhiên công ty A đã vượt quá mức trợ cấp là 1 tấn khí thải (chi phí để giảm thải của công ty A là 10 EUR/tấn) và công ty B vượt quá mức trợ cấp là 2 tấn (chi phí để giảm thải của công ty B là 5 EUR/tấn). Trong trường hợp không có việc mua bán quyền phát thải khí, tổng chi phí giảm thải của hai công ty sẽ là 30 EUR (20 EUR đối với công ty A và 10 EUR đối với công ty B).

Tuy nhiên, nếu hai công ty được mua bán quyền phát thải khí trên thị trường, công ty A có thể mua thêm quyền phát thải 1 tấn từ công ty B. Khi đó, tổng chi phí giảm thải của hai công ty là 15 EUR (Công ty A không phải trả chi phí giảm thải, công ty B trả 15 EUR chi phí giảm thải). Rõ ràng, cả hai công ty đều được hưởng lợi ích từ việc mua bán quyền phát thải khí này.

Thứ hai, việc hình thành thị trường mua bán quyền phát thải khí sẽ tạo động lực cho các thực thể tham gia như các quốc gia, các công ty, các tổ chức… cạnh tranh và phát triển các công nghệ hiệu quả nhằm mục đích giảm lượng khí phát thải và bán trên thị trường để tạo ra lợi nhuận. Quan điểm này góp phần khẳng định thêm lợi ích của thị trường mua bán quyền phát thải trên cơ sở kiểm soát và điều tiết thích hợp từ chỗ cần ít sang chỗ cần nhiều hơn.

Các yếu tố để xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải khí trong tương lai

Theo Hiệp hội hợp tác hành động carbon quốc tế - ICAP (2014), một số các yếu tố chính cần được xem xét khi xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải bao gồm:

- Xác định mức trần phát thải và phạm vi: Theo lý thuyết, mức trần này được xác định khi chi phí giảm thải cận biên  bằng với lợi ích cận biên do việc giảm thải mang lại.

Trong thực tế, mức trần được xác định dựa trên mục tiêu giảm phát thải mà mỗi quốc gia, mỗi tổ chức đã đặt ra. Các nhà hoạch định chính sách sẽ dựa vào “điểm cong trên đường cong chi phí”. Đó là điểm khi chi phí cho mỗi đơn vị giảm phát thải bắt đầu tăng nhanh.

Các yếu tố cần thiết để xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải khí trong tương lai - Ảnh 1

Ngoài việc xác định mức trần phát thải, thị trường mua bán quyền phát thải khí cũng cần phải xác định sẽ mua bán loại khí phát thải nào? Liệu có phải chỉ mua bán khí CO2- nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính hay không? Bảng 1 cho thấy, ngoài CO2, phát thải CH4 và N2O cũng có liên quan không nhỏ đến hiệu ứng nhà kính nhưng từ trước đến nay, hai loại khí này chưa được quan tâm. Do đó, song song với việc mua bán quyền phát thải khí CO2, cần thiết phải đưa hai loại khí CH4 và N2O này được mua bán trên thị trường.

Phạm vi ngành cũng là yếu tố cần được xem xét. Do các vấn đề liên quan đến việc đo lượng phát thải khí nhà kính, việc xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải có thể bắt đầu với các ngành như ngành điện hoặc các ngành công nghiệp lớn và sử dụng nhiều năng lượng.

Có ý kiến cho rằng các ngành phát thải khí ít có thể loại trừ ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, ngay cả đối với những ngành phát thải ít như thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp, nông nghiệp thì vẫn cần phải có cơ chế giám sát để chắc chắn rằng các ngành này không vượt ngưỡng phát thải…

- Phân bổ quyền phát thải khí: Một yếu tố cũng hết sức quan trọng đối với thị trường mua bán quyền phát thải, đó là vấn đề phân bổ quyền phát thải khí trong số tổng mức trần đã đưa ra. Quyết định về phương pháp phân bổ mang tính chính trị cao vì đây là một loại tài sản có giá trị và khan hiếm cũng như có tác động đến các nhóm lợi ích khác nhau.

Nếu quyền phát thải khí là miễn phí, có thể sử dụng hai phương pháp phân bổ đó là xác định số lượng quyền phát thải dựa trên phát thải trong quá khứ (grandfathering) hoặc xác định số lượng quyền phát thải dựa trên một thước đo hiệu suất phát thải xác định cho một ngành, một nhóm sản phẩm, hoặc một đơn vị đầu ra (brenchmarking).

Việc phân bổ quyền phát thải khí dựa trên phương pháp “grandfathering” tương đối dễ dàng, vì nó chỉ yêu cầu các dữ liệu phát thải trong quá khứ. Nhược điểm của “grandfathering” là những đối tượng gây ô nhiễm nhiều nhất thì sẽ được hưởng quyền phát thải nhiều nhất.

Các yếu tố cần thiết để xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải khí trong tương lai - Ảnh 2

Phân bổ theo phương pháp “benchmarking” có ưu điểm là sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các nhóm phát thải và các công ty sẽ phải nỗ lực để cải thiện hiệu quả phát thải và nhận được nhiều quyền phát thải hơn. Hiệu quả phát thải lý tưởng nhất được tính dựa trên mỗi đơn vị đầu ra. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đặt ra nhiều thách thức, đó là làm thế nào để xác định được các tiêu chuẩn về hiệu quả phát thải đối với các nhóm sản phẩm không đồng nhất trong các lĩnh vực khác nhau.

- Ổn định giá và kiểm soát chi phí: Ưu điểm của thị trường mua bán quyền phát thải khí là hiệu quả về chi phí so với các công cụ chính sách khác và tính linh hoạt mà nó mang lại cho các đối tượng phát thải trong việc đưa ra các quyết định khi nào và làm thế nào để đầu tư vào các công nghệ ít carbon.

Tuy nhiên, đối với bất kỳ thị trường nào, đặc biệt với các thị trường carbon chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, khối lượng giao dịch và khả năng thanh khoản thấp cũng như biến động giá cả và các điều kiện cực đoan có thể làm giảm hiệu quả của thị trường.

Có một số công cụ có thể làm ổn định thị trường, kiểm soát giá carbon cũng như giảm chi phí cho việc mua bán quyền phát thải. Các công cụ này bao gồm: (i) Dự trữ quyền phát thải khí; (ii) Vay quyền phát thải khí; (iii) Giá sàn; (iv) Giá trần; (v) Bù trừ.

- Hoạt động giám sát và cơ chế thực thi: Thị trường mua bán quyền phát thải khí tạo ra tài sản mới và có giá trị - quyền phát thải nhưng những tài sản này chỉ có giá trị kinh tế vì dựa trên các quy định. Do đó, để đảm bảo một thị trường hoạt động đáng tin cậy, cơ quan quản lý cũng như các tổ chức cần đảm bảo tính chính xác trong đo lượng phát thải thực tế, trong việc kiểm tra và báo cáo (gọi tắt là hoạt động MRV). Ngăn chặn bất kỳ hành vi gian lận là điều quan trọng không chỉ cho hoạt động của thị trường, mà còn để đảm bảo tính toàn vẹn môi trường.

- Các công cụ thị trường: Mua bán quyền phát thải khí nhà kính sẽ ra một thị trường vận hành với cơ chế tương tự thị trường chứng khoán hiện nay. Bên cạnh thị trường sơ cấp, nơi các đối tượng phát thải mua quyền phát thải trực tiếp từ chính phủ (thông qua đấu giá), thị trường thứ cấp là nơi mà các đối tượng này có thể mua và bán quyền phát thải cho nhau.

Chính phủ có nhiều cách để điều hành thị trường sơ cấp như đấu giá, thuê bên ngoài để bán đấu giá hoặc thuê các tổ chức tài chính bán quyền phát thải. Chính phủ có thể hạn chế những người tham gia đấu giá hoặc có thể quyết định sẽ bán bao nhiêu quyền phát thải khí tại một cuộc đấu giá. Ở thị trường thứ cấp, các sàn giao dịch có thể cung cấp các sản phẩm liên quan đến mua bán quyền phát thải khí như bù trừ hoặc các chứng khoán phái sinh… giống như các mặt hàng khác.

Các chứng khoán phái sinh có thể giao dịch trên thị trường mua bán quyền phát thải khí bao gồm: (i) Hợp đồng kỳ hạn; (ii) Hợp đồng tương lai; (iii) Các hợp đồng quyền chọn. Những đối tượng tham gia thị trường có lý do chính đáng để sử dụng các công cụ thị trường khác nhau.

Các yếu tố để xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải khí tại Việt Nam

Hoạt động kinh doanh phát thải khí nhà kính là một giải pháp kinh tế quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Với thành công gần đây của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và INDC (Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định) mà Việt Nam cam kết, rõ ràng Việt Nam sẽ cần tham gia tích cực vào các cơ chế giao dịch phát thải trong những năm tới, cả trong nước và quốc tế.

Mặc dù, Việt Nam đã tham gia vào cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto nhưng một hệ thống thương mại giao dịch quyền phát thải khí hiệu quả vẫn chưa có ở Việt Nam. Khi đặt trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về biến đổi khí hậu và môi trường. 

Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã cùng 196 nước ký cam kết tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 21, Việt Nam sẽ phải bắt đầu giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2020. Do đó, Việt Nam cần có kiến thức, tầm nhìn rõ ràng để theo kịp tốc độ thay đổi của tình hình quốc tế, xây dựng ra các cơ chế trao đổi, mua bán quyền phát thải khí phù hợp và tạo động lực mới cho nền kinh tế quốc gia.

Có rất nhiều việc cần làm, tuy nhiên một số gợi ý để xây dựng thị trường mua bán quyền phát thải khí tại Việt Nam trong ngắn hạn bao gồm:

Thứ nhất, cần thiết lập một Mục tiêu cụ thể của quốc gia – INDC, hướng dần tới NDC, là nơi hội tụ của các chương trình ban đầu như: Chương trình hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia NAMA, Chương trình về giảm phát thải nhà kính Redd+, chiến lược tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ hai, xây dựng chính sách quốc gia (gồm chiến lược, kế hoạch hành động, thông tư…) quy định các mục tiêu giảm phát thải khí cho các ngành và các công ty thử nghiệm.

Thứ ba, lựa chọn danh mục các nhà máy và công ty tiên phong, phân bổ trách nhiệm giảm phát thải.

Thứ tư, hệ thống quản lý và cơ chế kiểm soát, áp dụng chính sách dựa trên thị trường. Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết, không can thiệp quá sâu.

Thứ năm, tiến hành các chương trình thử nghiệm, có thể tại cấp vùng, cấp tỉnh trước. Đồng thời, ở cấp quốc gia có thể hình thành chính sách thuế carbon để tạo cơ sở định giá carbon dùng làm mức tham chiếu cho thị trường.

Thứ sáu, cho phép sáng tạo để thử nghiệm: đưa ra hơn 1 giải pháp hiệu quả, áp dụng công nghệ phần mềm và hệ thống quản lý tiên tiến cho sàn giao dịch carbon tương tự sàn chứng khoán hoặc sàn hàng hóa cho các giao dịch tuân thủ quy định.

Thứ bảy, tạo thị trường và đảm bảo khung pháp lý cho các giao dịch tự nguyện ví dụ như bù trừ carbon…

Nghiên cứu này được tài trợ bởi trường Đại học Ngoại thương và do nhóm nghiên cứu “Thương mại quyền phát thải khí nhà kính” của nhà trường thực hiện.         

Tài liệu tham khảo:

1. Dales, J. H., 1968. Pollution, Property and Prices. Toronto: University of Toronto Press, 92-100;

2. Delbosc, A., & De Perthuis, C., 2012. Et si le changement climatique nous aidait à sortir de la crise. Le Cavalier Bleu, Paris;

3. EPA, 2003. Tools of the Trade: A Guide to Designing and Operating a Cap and Trade Program for Pollu-tion Control. Washington, DC. Online available at: www.epa.gov/airmarkets/resource/docs/tools.pdf .