Cải cách DNNN và bài học Vinashin

Theo Đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã bắt đầu được tái cơ cấu sau quyết định mạnh tay của Chính phủ. Tuy nhiên, điều cần cảnh báo sau câu chuyện Vinashin chính là việc quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cũng như cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới đây như thế nào.

 

Cần phải nhắc lại rằng, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, chuyện đầu tư dàn trải, kém hiệu quả ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã nhiều lần "nóng" trên diễn đàn Quốc hội và trên các phương tiện truyền thông. Trong đó, Vinashin luôn là cái tên được nhắc tới nhiều nhất.

Không thể phủ nhận đóng góp tích cực của Vinashin đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, song con số mà ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp vừa đưa ra khiến dư luận không khỏi giật mình: có tổng tài sản 90.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, nhưng vay nợ của Vinashin đã lên tới 80.000 tỷ đồng. Sau khi tái cơ cấu, 20.000 tỷ đồng trong khoản nợ này sẽ được chuyển qua Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Câu hỏi về hiệu quả sử dụng vốn và tài sản Nhà nước ở Vinashin mà bao lâu nay dư luận đặt ra dường như phần nào đã có câu trả lời. Trách nhiệm của lãnh đạo tập đoàn này, như lời của ông Phạm Viết Muôn, sẽ được kiểm điểm rõ ràng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đằng sau câu chuyện tái cơ cấu Vinashin là gì?

Một điều cần được khẳng định, tái cơ cấu doanh nghiệp là chuyện bình thường. Doanh nghiệp nếu hoạt động không hiệu quả, thì phải tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn, lành mạnh hơn. Bởi thế, sau Vinashin, còn có thể có các trường hợp khác, nếu hoạt động kém hiệu quả. Điều đó, cũng là sự vận hành bình thường của kinh tế thị trường. Điều này càng trở nên bình thường hơn, và thậm chí là điều rất nên làm, khi mà Chính phủ vẫn đang từng bước thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có yêu cầu đẩy nhanh việc cải cách DNNN.

Từ góc nhìn này, có lẽ, nên coi câu chuyện Vinashin như một lời cảnh báo, một bài học về việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, để từ đó có thể tránh những "vết xe đổ". Càng là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, các đơn vị này càng phải tuân thủ quy định pháp luật và sử dụng tốt và hiệu quả nguồn vốn mà Nhà nước tin tưởng giao phó.

Tương tự như vậy, câu chuyện Vinashin cũng đặt ra những vấn đề đối với quá trình cải cách các DNNN nói chung. Một sự trùng hợp, đó là cùng vào thời điểm Chính phủ đưa ra quyết định về việc tái cơ cấu Vinashin, thì những DNNN cuối cùng cũng đang hoàn tất việc chuyển đổi hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, để thực sự bình đẳng với tất cả các loại hình doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi dù đã hoàn tất đúng hạn, song điều mà nền kinh tế trông chờ chính là một sự chuyển đổi thực sự, làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này, tránh tình trạng "bình mới, rượu cũ".

Thêm một điều cần phải nhắc tới. Đó là vào tháng 2/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 8 nhiệm vụ chủ yếu và 18 phần việc cụ thể đã được phân giao trách nhiệm rõ ràng. Sau câu chuyện của Vinashin, có lẽ, cần tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Chương trình hành động này.