Cải thiện môi trường đầu tư tại các khu chế xuất - khu công nghiệp

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Theo Ban quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), việc thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn năm 2013 đạt 99% kế hoạch. Có được kết quả trên là nhờ việc đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đạt hiệu quả cao. Tuy vậy, cũng có không ít DN đã phải đóng cửa, giảm hoạt động trong năm 2013 do gặp khó khăn.

 Cải thiện môi trường đầu tư tại các khu chế xuất - khu công nghiệp
việc thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp còn không ít bất cập. Nguồn: internet

Còn không ít bất cập

Theo Hepza, phần lớn các dự án mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong các khu chế xuất - khu công nghiệp là những dự án vừa và nhỏ với ngành nghề thuộc lĩnh vực phụ trợ. Các dự án này chỉ thuê nhà xưởng xây sẵn của các công ty phát triển hạ tầng, nhà xưởng dư thừa của DN đang gặp khó khăn. Ðây là những dự án có mức vốn đầu tư thấp nhằm hạn chế rủi ro, hoặc đầu tư để tìm hiểu thị trường. Hầu hết, đó là các dự án đến từ các quốc gia Singapore, Austraylia, Ðức, Nhật Bản, Mỹ... với ngành nghề đầu tư ở các lĩnh vực cơ khí, dược phẩm, nhựa và thực phẩm.

Bên cạnh đó, trong năm 2013, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các khu chế xuất - khu công nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều từ khó khăn của nền kinh tế trong nước và tiếp tục có sự tăng trưởng nhẹ. Các DN này tăng đầu tư, mở rộng hoạt động do có kế hoạch từ trước và được hỗ trợ từ công ty mẹ, sản phẩm có đầu ra ổn định.

Trưởng Phòng Ðầu tư Hepza Trần Việt Hà cho biết, các DN FDI trong các khu chế xuất - khu công nghiệp phát triển khá ổn định trong năm 2013, do ít bị ảnh hưởng từ tình hình suy giảm kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cả năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn đạt 100% kế hoạch đề ra, khoảng 5,1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2012.

Tuy vậy, vẫn còn không ít DN trong các khu chế xuất - khu công nghiệp đã gặp điều kiện bất lợi trong hoạt động. Theo thống kê từ Hepza, tính từ đầu năm đến tháng 12/2013, trong các khu chế xuất - khu công nghiệp đã có 20 dự án tạm ngưng hoạt động; trong đó có 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 8,379 triệu USD, bảy dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 122,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 21 dự án phải thanh lý, giải thể trước thời hạn do hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, cũng có 35 dự án gặp khó khăn, phải giảm từ 20% đến 30% công suất; tập trung ở các ngành vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, thiết bị điện, may mặc. Nhiều DN khác phải giảm giờ làm, bố trí lại ca làm việc, thay vì tổ chức ba ca như trước, nay giảm còn hai ca hoặc một ca. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn đối với các DN là giá thuê đất tại các khu chế xuất - khu công nghiệp ở thành phố cao hơn so với các tỉnh lân cận và hạ tầng kỹ thuật lại chưa hoàn chỉnh. Cùng với đó là do sự thay đổi về chính sách ưu đãi thuế. Từ sau năm 2009, những ưu đãi về thuế thu nhập DN không còn đã làm giảm sự hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp ở các địa bàn được coi là khó khăn.

Linh hoạt về chính sách đầu tư

Với thực tế trên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pepperl - Fuchs Việt Nam (khu chế xuất Tân Thuận) Hồng Hán Thành cho rằng, nếu không còn ưu đãi về thuế thu nhập DN thì Nhà nước nói chung hoặc các khu chế xuất - khu công nghiệp nói riêng cần có những ưu đãi khác, linh hoạt về chính sách đầu tư để thu hút DN. Ðược biết, Công ty Pepperl - Fuchs Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư thêm 30 triệu USD cho nhà máy thứ hai nhưng do không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế cho phần đầu tư thêm này nên có khả năng sẽ không triển khai.

Công ty Unilever Việt Nam (khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi) cho biết, cũng do trở ngại về thuế ưu đãi nên Unilever Việt Nam đã dừng mở rộng nhà máy do sức cạnh tranh của dự án sẽ thấp. Một lãnh đạo Hepza thừa nhận, không ít nhà đầu tư khác trong các khu chế xuất - khu công nghiệp cũng gặp những khó khăn tương tự. Một điểm nữa cần khắc phục là giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao. Ðể có được lực lượng lao động vừa ý, các DN thường phải tốn kém khá nhiều. Theo Công ty TNHH Pepperl - Fuchs Việt Nam, mỗi năm công ty này phải chi ra khoảng 200 nghìn USD để đào tạo lại hoặc đưa nhân viên ra nước ngoài đào tạo.

Theo Tổng G3iám đốc Công ty TNHH Nhôm Sapa Bến Thành (khu công nghiệp Bình Chiểu) J.An - đéc - xơn, chính sách về thuế cần hợp lý hơn nữa. Bởi một số lĩnh vực thuế lại đang gây khó khăn cho DN trong các khu chế xuất - khu công nghiệp như thuế xuất khẩu, nhập khẩu phế phẩm một số kim loại có khuynh hướng gây bất lợi cho DN và khuyến khích nhập khẩu phế phẩm.

Theo Trưởng phòng Ðầu tư Hepza Trần Việt Hà, nhằm hỗ trợ về vốn, thị trường và tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian tới, Hepza sẽ tiếp tục hỗ trợ DN qua việc tổ chức kết nối DN có nhu cầu vay vốn với các ngân hàng, hỗ trợ DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và tổ chức tiếp các cuộc đối thoại chuyên đề với lãnh đạo thành phố...

Về nguồn nhân lực, thành phố sẽ quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo các đơn vị đào tạo nâng cao chất lượng để nguồn nhân lực đầu ra đáp ứng yêu cầu các DN. Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp, thành phố đang kiến nghị loại bỏ khu công nghiệp Phú Hữu ra khỏi quy hoạch, giảm diện tích khu công nghiệp Tân Tạo; đồng thời chuyển đổi các cụm công nghiệp của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Ða Phước, Bàu Trăn và Phạm Văn Cuội thành bốn khu công nghiệp mới...