Chính sách tài chính trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam


Theo các chuyên gia kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế là một quá trình phức tạp, phạm vi rộng, chi phí thực hiện lớn. Đây cũng là hai nội dung có mối quan hệ đan xen, phụ thuộc lẫn nhau và chịu sự chi phối của nhiều chính sách khác nhau, trong đó không thể thiếu vai trò của chính sách tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối với mọi nền kinh tế, chính sách tài chính có vai trò quan trọng và vị trí đặc biệt trong thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, qua kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính luôn được chú trọng.

Các chủ trương, định hướng đề ra trong nhiều chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của đất nước đều rất coi trọng vai trò của tài chính trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực trong xã hội, chuyển tải các nguồn lực tài chính quốc gia phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có mục tiêu, định hướng về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính sách tài chính vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong việc hình thành các cơ chế tạo động lực để thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo định hướng ưu tiên. Vẫn còn tình trạng các chính sách ưu đãi tài chính bị dàn trải, gây lãng phí nguồn lực, không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, theo ông Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Việt Nam cần đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế về tài chính; kiên định với các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn nền tài chính công, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho quá trình đổi mới tăng trưởng.

Trong đó, ngoài việc tập trung thực hiện có hiệu quả vai trò kiến tạo xây dựng hệ thống động lực để hỗ trợ cho thị trường huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính, Nhà nước cần chủ động điều chỉnh thể chế về tài chính để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 trên cơ sở gắn với 3 trụ cột chính, đó là: Áp dụng hiệu quả, chủ động các thành quả của CMCN 4.0; Khai thác, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính để thúc đẩy sự phát triển các yếu tố của CMCN 4.0, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; Khắc phục có hiệu quả khoảng trống chính sách do xuất hiện các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử...) với quy mô ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả huy động, phát triển các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, xây dựng một hệ thống thuế "thân thiện với tăng trưởng". Thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu... Tiếp tục rà soát các chính sách ưu đãi về thuế đảm bảo việc thực hiện có chọn lọc, gắn với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực...

Tiếp tục củng cố và tái cấu trúc hệ thống tài chính, đảm bảo sự phát triển hài hòa. Tập trung phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, đẩy mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, đưa thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước, cải cách căn bản phương thức quản lý để đảm bảo phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sach nhà nước, phát huy vai trò là "nguồn vốn mồi" trong việc thu hút các nguồn lực xã hội.

Nghiên cứu đổi mới cơ chế phân cấp và mối quan hệ tài khóa giữa các cấp ngân sách, chủ động có giải pháp để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp năm 2013 trên giác độ thu và chi ngân sách nhà nước, đảm bảo ngân sách trung ương tiếp cận đẩy đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo phân định.

Ông Trương Bá Tuấn cũng cho rằng, cần đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính để hỗ trợ hiệu quả quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính, ngân hàng thống nhất, tin cậy, minh bạch và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phân tích dự báo.

Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, từng bước tạo "không gian tài khóa" đủ rộng để có thể đối phó với các biến động bất lợi trong và ngoài nước. Quản lý chặt chẽ sự gia tăng của nợ công, đảm bảo việc vay nợ cần phải đặt trong mối tương quan chung với kế hoạch và khả năng trả nợ, với chi phí vay nợ và mức độ rủi ro hợp lí. Quản lý hiệu quả các nguồn gốc gây ra rủi ro tài khóa, đảm bảo các khoản nợ dự phòng, kể cả các khoản nợ dự phòng theo cam kết...