Chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng

Thanh Sơn

Đó là nhận định của GS.,TS. Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn Thủ tướng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ thường niên 2017 diễn ra ngày 26/9, tại TP. Hồ Chí Minh. Diễn đàn với chủ đề“Tái cơ cấu Kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng”, do Ban Kinh tế Trung ương, VCCI, Ủy ban Nhân dân 8 tỉnh và báo Diễn đàn Doanh nghiệp cùng phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh Diễn đàn với chủ  “Tái cơ cấu Kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng”. Hình Thanh Sơn
Toàn cảnh Diễn đàn với chủ “Tái cơ cấu Kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng”. Hình Thanh Sơn

Hiện, vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước; có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,4 lần đến 1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2017, ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhận định: “Năm 2017, nền kinh tế bước sang giai đoạn mới. Đây là giai đoạn cần nhiều hơn những nỗ lực để kết thúc thời kỳ dựa vào những yếu tố sản xuất một cách hiệu quả và hướng đến nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo không ngừng. Trong bước chuyển giao giai đoạn, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII xác định nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020 là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo”.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng - Ảnh 1
Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh Thanh Sơn
Tại diễn đàn vấn đề tái cơ cấu  kinh tế đã được các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, đầu tư và các doanh nghiệp cùng trao đổi, mổ xẻ, kiến nghị.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, bức tranh chung của vùng kinh tế là tính liên kết còn khá yếu. Đặc trưng chung là mạnh ai nấy làm, chưa hình thành được kết nối về chiến lược, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực..., trong đó trọng tâm nhất chính là thiếu kết nối của các doanh nghiệp.
Để Đông Nam Bộ có thể phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế, các đại biểu cho rằng chiến lược phát triển từng tỉnh cần được quy hoạch trong tư duy phát triển vùng. 
Tại hội nghị PGS.,TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có tình trạng trên là do chưa định hình rõ mục tiêu đầu tàu trong phát triển vùng, chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ, thúc đẩy vai trò "hạt nhân”. Tư duy phát triển vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy "dàn hàng ngang cùng tiến", "chia đều" thậm chí các tỉnh miền Trung nước ta cùng nắm tay hướng ra biển mà không có sự dẫn dắt, đầu tàu định hướng,TP. Hồ Chí Minh  phải đóng vai trò “dẫn dắt" của  trong sự phát triển Vùng Đông Nam Bộ ...
Trong đó việc liên kết vùng hiện tại vẫn chưa thực sự đồng bộ, giữa các tỉnh, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm. TP. Hồ Chí Minh được xác định phải là đầu tàu cho vùng Đông Nam bộ, trong đó có việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối giao thương giữa các vùng trong khu vực giúp kết nối các tỉnh trong vùng.
Một chuyên gia tham dự diễn đàn đã đề nghị thành lập Hội đồng Vùng kinh tế Đông Nam Bộ để có sự chỉ đạo thống nhất trong việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng để định hướng phát triển Vùng kinh tế Đông Nam Bộ đột phá hơn nữa.