Đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế. Tổng kết 4 tháng đầu năm, trong khi vốn đầu tư ngân sách thực hiện còn thấp so với kế hoạch thì vốn đầu tư FDI vừa tăng về số đăng ký lẫn tỷ lệ thực hiện.

Đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư
4 tháng đầu năm, trong khi vốn đầu tư ngân sách thực hiện còn thấp so với kế hoạch. Nguồn: baoquangninh.com.vn

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, có vai trò quan trọng về nhiều mặt: hình thành các công trình trọng điểm; đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, các vùng hoặc không có lợi nhuận, hoặc thu hồi vốn chậm mà các nguồn vốn khác không thể hoặc không muốn đầu tư; là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư theo... Tuy nhiên trong quý I năm nay nguồn vốn này thực hiện chỉ đạt trên 11,7 nghìn tỷ đồng/tháng, đã giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước và chỉ còn chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Sang tháng 4, lượng vốn thực hiện đạt gần 15,7 nghìn tỷ đồng, tuy có cao hơn mức bình quân trên, nhưng tính chung 4 tháng cũng mới chỉ đạt 25,7% kế hoạch cả năm và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số trên, nguồn vốn do Trung ương quản lý còn đạt kế hoạch năm thấp hơn (23,2%) và so với cùng kỳ năm trước còn giảm sâu hơn (giảm 17%). Nguồn vốn do các bộ, ngành quản lý đều có tỷ lệ thực hiện giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số bộ, ngành còn giảm sâu hơn, như Bộ Y tế giảm 26,4%, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 25,8%, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn giảm 20,7%, Bộ Công thương giảm 19,1%, Bộ Giao thông vận tải 19%...

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2013 SO VỚI CÙNG KỲ

Đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn vốn do địa phương quản lý thực hiện 4 tháng tuy có cao hơn nguồn vốn do Trung ương quản lý, nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch cả năm (đạt 26,4%) và tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước (tăng 0,4%). Trong đó có một số địa phương đạt thấp so với kế hoạch cả năm, như Bình Dương đạt 19,4%, Hà Nội đạt 19,5%, TP. Hồ Chí Minh đạt 21,2%, Khánh Hoà đạt 21,8%, Đồng Nai đạt 23,1%, Quảng Ninh đạt 24,7%... Các tháng còn lại phải thực hiện cho được gần 18,6 nghìn tỷ đồng/tháng, mới đạt được kế hoạch cả năm do Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt.

Vì vậy, cần phải đẩy nhanh việc thực hiện nguồn vốn từ ngân sách nông nghiệp, đồng thời phải nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm cho số lao động thuộc ngành này.

Vốn FDI khởi sắc

Trong 4 tháng đầu năm nay, nguồn vốn FDI có sự khởi sắc với tổng lượng vốn đăng ký ước đạt 8,219 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là tín hiệu khả quan để cả năm có thể vừa tăng so với năm trước (16,31 tỷ USD), vừa vượt dự kiến kế hoạch đề ra, trong đó đăng ký của các dự án mới đạt 4,252 tỷ USD, tăng 14,6%, đăng ký bổ sung của các dự án cũ đạt 3,346 tỷ USD, tăng 20,7%. Tổng lượng vốn FDI thực hiện ước đạt 3,75%, tăng 3,9%.

Theo quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Nhật Bản (3,635 tỷ USD), tiếp đến là Singapore (2,331 tỷ USD), Liên bang Nga (1,105 tỷ USD)...

Theo địa bàn, Thanh Hoá dẫn đầu với lượng vốn 2,8 tỷ USD vào dự án lọc dầu Nghi Sơn; Thái Nguyên đứng thứ 2 với 2,016 tỷ USD, trong đó có 2 tỷ USD vào dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sam Sung Electronics Việt Nam; Bình Định đứng thứ 3 với 1,009 tỷ USD vào dự án Công ty BusIndustrial Center xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác...

Trong 18 ngành và lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến chiếm 90,2% tổng số, tiếp đến là bất động sản chiếm gần 3,7%...

Trong 4 tháng, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất khẩu đạt 25,527 tỷ USD, chiếm 64,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng chung (16,9%); nếu không kể dầu thô đạt 23,046 tỷ USD, chiếm 58,4% và tăng 25,3%. Nhiều mặt hàng còn chiếm tỷ trọng cao hơn và tăng với tốc độ cao hơn. Khu vực này (kể cả dầu thô) đã xuất siêu 3,764 tỷ USD, góp phần vào việc kiềm chế nhập siêu của cả nước (ở mức 722 triệu USD).

Với tỷ trọng chiếm khoảng 20% GDP cả nước, khu vực này có tốc độ tăng cao hơn, với lượng vốn thực hiện cao hơn làm tăng thêm năng lực mới sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn. Với lượng vốn thực hiện cao hơn sẽ góp phần cải thiện cán cân vốn, cán cân tổng thể, dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá...