Đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 doanh nghiệp Nhà nước
Nếu như vào những năm 1990, cả nước có khoảng 12.000 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thì đến nay số lượng này chỉ còn 500 DN 100% vốn nhà nước ở 11 bộ, ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.
Đó là thông tin được Bộ Kế hoach và Đầu tư cho biết tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN tổ chức sáng ngày 6/11/2018 tại Hà Nội.
Hiện nay, DNNN luôn được coi là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới và tái cơ cấu DNNN được xác định là một trong những trụ cột chính. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ cụ thế hóa bằng Đề án: “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020”.
Thực hiện Đề án này, bước đầu đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2016 đến hết tháng 10/2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 DNNN, trong đó, đã tiến hành cổ phần hóa nhiều DN quy mô rất lớn như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty Phát điện 3, Điện lực Dầu khí, Lọc Hóa dầu Bình Sơn… Theo đánh giá, sau khi cổ phần hóa số lượng cổ phiếu IPO của các doanh nghiệp này đều bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. .
Về công tác thoái vốn nhà nước tại DN, cũng từ năm 2016 đến tháng 10/2018, đã có các thương vụ lớn thoái vốn tại Tổng công ty Bia – Rượu – nước giải khát Sài Gòn, Công ty Cổ phần sữa Vinamilk… đã thu về gần 160.000 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách.
Còn theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 DNNN (gấp 1,03 lần so với con số 55 DNNN cổ phần hóa của năm 2016). Qua 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), với tổng giá trị DN đạt gần 40,7 tỷ đồng, trong đó, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt gần 22,5 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng...
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN và hiệu quả hoạt động của DNNN so với DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn và luôn là vấn đề bận tâm của dư luận.
Trong khi quản lý 100% vốn nhà nước, một khối tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Bên cạnh đó, kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hơn hoạt động của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN, nhằm giúp DNNN luôn giữ vững vị trí then chốt của kinh tế nhà nước.