Điểm nhấn tài chính - kinh tế trong nước nổi bật tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính giới thiệu tới bạn đọc những thông tin tài chính - kinh tế trong nước nổi bật tuần vừa qua (từ 11 đến 15/09/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tháng 8/2017, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD 
Theo số liệu thống kê củaTổng cục Hải quan, trong tháng 8/2017, Việt Nam đã xuất siêu 1,6 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng 7; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 18,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 7.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 270,91 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 135,03 tỷ USD, tăng 19,3%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 135,88 tỷ USD, tăng 22,5%. 
Thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều 
Trong tuần từ 11/9 - 15/9/2017, thị trường diễn biến trái chiều. Tính chung cả tuần:
- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 0,5 điểm (-0,06%) xuống 805,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 156,57 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 3.864 tỷ đồng/ngày.
- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,1 điểm (0,1%) lên 104,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 44,41 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 520,7 tỷ đồng/ngày.
- Upcom-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,04 điểm (0,08%) lên 54,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 6,06 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 105,1 tỷ đồng/ngày.
Tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR, trong giai đoạn 2007 - 2015, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% (năm 2007) lên 50% (năm 2015). Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan.
Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng hơn so với các quốc gia khác. Việc lương tối thiểu tăng cũng dẫn đến các phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp tăng theo thời gian.
Trong giai đoạn 2004 - 2015, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình nếu kéo dài sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 
Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2017 và vượt mức 18,3% của năm 2016
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 9/2017, ngân hàng HSBC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2017 và vượt mức 18,3% của năm 2016. Giả định tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm vẫn tương ứng với tốc độ tăng trưởng của năm 2016, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm sẽ đạt 19,3%.
Trong khi đó, việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 7/2017 cũng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng và giúp Chính phủ dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. 

Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) công bố Khung Đối tác quốc gia 2017 - 2022

Ngày 14/9, nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đã công bố Khung đối tác quốc gia 2017 - 2022, làm khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Với Khung đối tác mới này, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, bền vững về mặt môi trường.
Khung đối tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.