Diễn biến và tác động từ tốc độ tăng, giảm các loại giá 6 tháng qua

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ngoài giá tiêu dùng (CPI), còn có các loại giá khác, vừa tác động đến CPI, vừa tác động đến các nhà sản xuất, xuất, nhập khẩu cùng “cánh kéo giá cả” mà các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cần quan tâm.

Các loại giá khác gồm giá nhập khẩu, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, giá cước vận tải, giá bán sản phẩm của người sản xuất (nông, lâm nghiệp-thủy sản, công nghiệp), giá tiêu dùng, giá vàng, giá USD, giá xuất khẩu, tỷ giá thương mại.

Có thể nhận diện tốc độ tăng các loại giá trong 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước trên một số góc độ khác nhau.

 Diễn biến và tác động từ tốc độ tăng, giảm các loại giá 6 tháng qua - Ảnh 1
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
Nhìn tổng quát, so với cùng kỳ năm trước, bình quân 6 tháng đầu năm nay giá tăng cao nhất là CPI (4,77%), tiếp đến là giá bán sản phẩm của người sản xuất, tỷ giá thương mại, giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất, giá cước vận tải, giá xuất khẩu, trong khi giá nhập khẩu giảm, giá vàng giảm mạnh nhất (17,66%). Người dân, các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có thể từ “cánh kéo” các loại giá trên để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Xin nêu cụ thể diễn biến và tác động tăng/giảm các loại giá như sau.

Giá nhập khẩu hàng hóa: Nếu năm 2011 tăng rất cao (20,18%) thì từ năm 2012 đã giảm 0,33%, năm 2013 giảm 2,36%, 6 tháng đầu năm nay giảm 2,31%. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho CPI tăng chậm lại trong năm 2012, 2013 và 6 tháng đầu năm 2014. Điều này cũng gợi ý cho các nhà sản xuất, kinh doanh có thể tranh thủ lúc giá thế giới giảm và ở mức thấp để nhập khẩu.

Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất trong 6 tháng đầu năm tăng tương đương với năm 2013 (3,05%). Tuy tốc độ tăng đã chậm lại, nhưng lại tăng cao hơn giá nhập khẩu, chủ yếu do giá nguyên, nhiên, vật liệu ở trong nước tăng lên. Điều này chứng tỏ có sự tác động của giá cả trong nước, đồng thời cũng giải thích tại sao khu vực sản xuất trong nước ưa nhập khẩu giá rẻ hơn và chưa thật tích cực phát triển công nghiệp hỗ trợ để thay thế hàng nhập khẩu.

Giá cước vận tải trong các năm trước tăng khá cao (năm 2013 tăng 6,48%), đến 6 tháng năm nay đã tăng chậm lại, còn chưa bằng một nửa. Đây là một cố gắng trong việc nâng cấp đường xá, giảm bớt ách tắc, tai nạn, giảm bớt chi phí để hỗ trợ sản xuất với chi phí thấp hơn, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh… Tuy nhiên, chi phí vận tải có xu hướng tăng sau biện pháp quản lý chặt hơn tình trạng xe chở quá tải.

Giá bán sản phẩm nông, lâm nghiệp-thủy sản tăng khá cao trong năm 2011 (tăng 31,6%), nhưng đã giảm trong năm 2012 (giảm 2,63%), tăng thấp trong năm 2013 (tăng 0,57%), đã làm cho thu nhập của người sản xuất nông, lâm nghiệp-thủy sản tăng thấp… Trong 6 tháng đầu năm nay, giá đã tăng cao lên nhờ Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo (với khối lượng lớn), hỗ trợ thủy sản, cà phê… Tuy nhiên, do giá các năm trước tăng thấp nên người làm nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực vẫn còn bị thiệt thòi, nên cần được tiếp tục hỗ trợ trong việc tái cơ cấu, trong tiêu thụ.

Giá bán sản phẩm công nghiệp năm 2011 tăng khá cao (18,43%), năm 2012 chỉ tăng 3,43% nhưng năm 2013 lại tăng lên (5,25%). Trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng đã chậm lại nhưng vẫn còn thấp hơn CPI, vì thế, người sản xuất công nghiệp vẫn bị thiệt thòi so với người làm nghề buôn bán.

CPI 6 tháng năm nay tăng thấp hơn các năm trước, tuy vẫn có tốc độ tăng cao nhất so với các loại giá khác. Điều đó chứng tỏ, người buôn bán vẫn có lợi hơn so với người sản xuất và người tiêu dùng vẫn còn chịu giá tăng cao hơn giá người sản xuất.

Giá vàng sau khi tăng cao trong một thập kỷ, đến năm 2012 đã tăng chậm lại (tăng 7,83%), từ năm 2013 đã giảm sâu (giảm 11,26%) và 6 tháng 2014 giảm 17,66%. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu, giá vàng trong nước đã giảm xuống, thấp xa so với đỉnh điểm, nhưng vẫn còn cao hơn giá thế giới (hiện ở mức gần 10%). Ngoài thói quen tích trữ vàng, còn có yếu tố tâm lý chưa thật an tâm nên người dân vẫn tìm nơi trú ẩn vào vàng.

Giá USD sau mấy năm tăng cao, đến năm 2012 chỉ còn tăng 0,18%, năm 2013 chỉ còn tăng 0,66%; 6 tháng 2014 tăng 0,73%. Tuy nhiên, tốc độ tăng cả năm có thể vẫn thấp chỉ bằng trên 1/3 mức lạm phát ở trong nước. Có một điểm đáng lưu ý là tỷ giá thương mại sau 3 năm giảm (năm 2011 giảm 0,46%, năm 2012 giảm 0,22%, năm 2013 giảm 0,06%), thì 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng 3,4% - tức là giá xuất khẩu tăng, trong khi giá nhập khẩu giảm, xuất khẩu vẫn có lợi do giá tăng.

Giá xuất khẩu năm 2011 tăng khá cao (19,62%), 2 năm sau đó giảm (năm 2012 giảm 0,54%, năm 2013 giảm 2,41%), nhưng 6 tháng đầu năm nay tăng 1,21%. Trong khi giá nhập khẩu giảm 2,31%, nhưng giá xuất khẩu tăng 1,21% thì xuất khẩu vẫn có lợi…