Động lực tăng trưởng mới

Theo thoibaonganhang.vn

Khu vực dịch vụ với trọng tâm là bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng là động lực hiệu quả nhất có thể kích thích để tạo ra tăng trưởng trong thời điểm hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Anh Trần Chí Trung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang đếm lùi từng ngày để nhận chìa khoá căn hộ chung cư trên đường Minh Khai, cùng vợ và 2 con nhỏ dọn về tổ ấm mới. Ở tuổi ngoài 30, giấc mơ sở hữu nhà riêng của những cặp vợ chồng như anh Trung sẽ khó thành hiện thực nếu không nỗ lực lao động và có khoản tích cóp nhỏ sau gần 10 năm làm việc, cùng với sự hỗ trợ một phần từ gia đình và một phần từ vốn vay ngân hàng.

Ở một quốc gia Á Đông như Việt Nam, nơi mà tư tưởng “an cư rồi mới lạc nghiệp” vẫn lưu truyền tới những người thuộc thế hệ trẻ như anh Trung, thì tổ ấm riêng này chính là động lực để phấn đấu lên những bước thăng tiến mới trong công việc, dần tích luỹ và cải thiện cuộc sống.

Trường hợp như anh Trung vì thế cũng không cá biệt. Niềm tin vào triển vọng thu nhập trong tương lai đã tạo điều kiện quan trọng để người tiêu dùng “rút hầu bao” cho những nhu cầu thiết yếu. Với những khoản chi tiêu lớn hơn như mua nhà, tậu xe… mà năng lực tài chính chưa đủ để trang trải, dịch vụ NH đã có mặt kịp thời để cung cấp các khoản vay tiêu dùng cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau.

Những người trẻ tuổi thuộc tầng lớp trung lưu với nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng theo thu nhập, lại được hỗ trợ của dịch vụ tài chính hiện đại, cũng đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dẫn chứng, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay có đóng góp rất lớn của tiêu dùng dân cư. Nếu xét theo cấu trúc sử dụng GDP, trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,97% so với cùng kỳ năm 2015, đã đóng góp tới 4,96 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Riêng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp lớn nhất với 4,52 điểm phần trăm. Trong khi đó tích lũy tài sản chỉ góp khoảng 2,87 điểm phần trăm; còn chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu, đã làm giảm 1,9 điểm phần trăm vào tăng trưởng.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu được Thời báo Ngân hàng tham vấn cũng đều chung nhận định, tiêu dùng trong nước sẽ là động lực quan trọng của tăng trưởng trong tương lai sắp tới.

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nêu quan điểm, khu vực dịch vụ với trọng tâm là bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng là động lực hiệu quả nhất có thể kích thích để tạo ra tăng trưởng trong thời điểm hiện nay. Ông Ánh phân tích, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nếu loại trừ yếu tố giá vẫn tăng xấp xỉ 10%, do đó đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế đã là đủ với năng lực hiện nay của các ngành sản xuất công nghiệp.

Vì vậy, “nỗ lực của xuất khẩu đến nay theo tôi đã hết cửa, càng đẩy mạnh chúng ta càng thiệt vì nguyên nhân gây sụt giảm là giá của thị trường thế giới giảm. Vậy để kích thích tăng trưởng từ giờ đến cuối năm, theo tôi nên tập trung đẩy mạnh thương mại trong nước”, ông Ánh khuyến cáo.

Ông phân tích thêm, tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mới tăng 9,5%, thấp hơn mức tăng 10,2% cùng kỳ năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 7,7%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 9,2%. “Như vậy tổng mức bán lẻ hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ nếu trừ yếu tố giá mới chỉ bằng 2/3 so với thời kỳ đỉnh cao, có những năm lĩnh vực này phải tăng trưởng tới 12-15%”, ông Ánh cho biết.

Bên cạnh đó, khi tiếp cận từ góc độ tổng cầu thì trong kết cấu tăng trưởng kinh tế gồm chi tiêu Chính phủ, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình, đầu tư và xuất nhập khẩu. Như đã phân tích ở trêm, xuất khẩu đã đóng góp hết sức vào tăng trưởng và khó có thể gia tăng, trong khi chi tiêu nhà nước thì cần cân nhắc vì thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng cao.

Cùng với đó, hiện nay quy mô đầu tư đã ở mức trên 32% GDP, với tốc độ tăng trưởng 5,93% thì hiệu quả đầu tư chưa cải thiện, nếu tăng đầu tư thì chưa chắc hiệu quả đã tốt, lại gây bất ổn vĩ mô. Vậy chỉ còn trông vào tăng tiêu dùng của các hộ gia đình.

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng khẳng định, với nền kinh tế đã chuyển sang thu nhập trung bình dù còn ở mức thấp, sự hình thành của tầng lớp trung lưu, phải rất quan tâm tới tiêu dùng dân cư và coi đây là động lực để tăng trưởng.

Ông Thành cũng bổ sung, từ góc độ đầu tư, với nền kinh tế mở như Việt Nam, đây cũng là cơ hội để kinh doanh với rất nhiều lĩnh vực. “Bầu trời người tiêu dùng rất rộng trong các FTA thế hệ mới như TPP, FTA Việt Nam – EU… Cho nên không phải ngẫu nhiên người ta đánh giá các ngành có liên quan tới tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội phát triển như bán lẻ, dược phẩm, du lịch…”, ông Thành nói.

Như vậy, cùng với thúc đẩy tiêu dùng, nhiều lĩnh vực đầu tư mới sẽ được mở rộng và trở thành những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.