Dự báo trái chiều về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,96%, lạc quan nhất trong số các dự báo đến thời điểm này.
Tại tọa đàm báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2019 ngày 11/7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 ở mức 6,96%, trong đó, quý III và IV đều tăng trưởng trên 7%.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết đưa ra kịch bản lạc quan khi cho rằng Việt Nam vẫn còn những lợi thế trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ tạo nhiều cơ hội cho tăng trưởng các tháng cuối năm 2019.
Tuy nhiên, trước những phân tích về sự bất định của tình hình kinh tế thế giới, vị chuyên gia chia sẽ có thể có 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế cuối năm, trong đó, tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn mức độ lạc quan trên.
Ngày 11/7, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng đưa ra dự báo kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng khá trong năm 2019. Với việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo theo làn sóng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thâm dụng lao động.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, cùng với làn sóng khởi nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục với số lao động đăng ký tăng khá cao. Cùng với đó, triển vọng xuất khẩu lao động năm 2019 khá sáng sủa ở thị trường Nhật Bản , Đông Âu và các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia.
Theo đó, Trung tâm đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm 2019 ở mức 6,86%, vượt so với mục tiêu 6,6-6,8% của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo & Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV lại cho rằng mức tăng trưởng cao khó có thể xảy ra. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong khoảng 6,6 - 6,7% do các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm đều thấp hơn năm 2018.
Theo ông Lực, tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại ở mức hơn 7% so với mức hơn 16% cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018. Tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường chính như EU, Trung Quốc đều thấp hơn năm trước. Riêng với Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, đây là nước Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thâm hụt thương mại.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu và tín dụng thắt chặt. Trong đó, theo chuyên gia WB, dịch tả heo châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu.