Đưa công nghệ vào nông nghiệp, tiền đâu?

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Không chỉ bây giờ mà đã khá lâu rồi, chuyện ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp với những ưu việt của nó quả là một vấn đề hấp dẫn và tốn khá nhiều giấy mực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là câu chuyện “đầu tiên” (tức tiền đâu) đã khiến cho lộ trình công nghệ hóa nền nông nghiệp ở ta còn xa ngái...

 Đưa công nghệ vào nông nghiệp, tiền đâu?
Chuyện ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp với những ưu việt của nó quả là một vấn đề hấp dẫn và tốn khá nhiều giấy mực. Nguồn: internet

Mỏ vàng - ai đào?

Hiện nay, có thể dẫn ra nhiều quốc gia trên thế giới bất chấp điều kiện tự nhiên ngặt nghèo cũng đã ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và gặt hái được nhiều thành công. Israel - một nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhưng đã làm nên nền nông nghiệp xanh công nghệ cao trên hoang mạc; hay như Hà Lan - quốc gia đã được mệnh danh là “nước đất trũng”, có 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển và 1/3 diện tích lãnh thổ chịu sự uy hiếp thường nhật của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng. Vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược “đầu tư cao-sản xuất nhiều” với việc phát triển thủy lợi và hệ thống nhà kính. Diện tích nhà kính của Hà Lan gần 11.000 ha, chiếm 25% tổng diện tích nhà kính trên toàn thế giới. Trong đó, có tới 40% dùng để sản xuất rau, 35% sản xuất hoa, 20% sản xuất cây ăn quả, hiệu quả tăng năm, sáu lần sản xuất ngoài trời.

Bởi những điều kỳ diệu này, nên người ta đã tôn vinh “nông nghiệp công nghệ cao” là kho vàng. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những nước có nền kinh tế nông nghiệp tiên tiến chứ ở Việt Nam thì biết là “vàng” cũng chưa mấy ai khai thác được. Việt Nam với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, nông nghiệp đóng góp 20% GDP nhưng nền nông nghiệp vẫn phát triển lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch còn bất cập, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.

Khó khăn hơn là gần như đã trở thành mặc định trong suy nghĩ của doanh nghiệp Việt Nam: Việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Vì lý do đó nên họ không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu tham gia vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh (chứng khoán, bất động sản, dịch vụ...).

Đi sâu hơn vào bản chất vấn đề, phát biểu trên một diễn đàn về chủ đề này, mới đây TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề mấu chốt để đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Vì hình thức tổ chức, kinh tế hộ nhỏ quá, sản xuất manh mún như hiện nay sẽ không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Nhất là chúng ta đã hội nhập rồi, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, nếu không kiểm soát chất lượng, ham năng suất mà bón nhiều phân bón, thuốc trừ sâu là “tự mình hại mình”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chỉ ra một nghịch lý: Chúng ta rất muốn thu hút mạnh doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa bàn nông thôn nhưng hiện DN lại không mấy mặn mà...

“Nhạc trưởng” cũng phải tự bơi...

Đến đây, lại quay trở lại câu chuyện của đối tượng trực tiếp thực hiện việc công nghệ hóa lĩnh vực nông nghiệp tức DN. Lâu nay, ai cũng nhìn nhận ra vai trò đầu tàu của họ, để rồi phong các DN trực tiếp đưa công nghệ vào nông nghiệp bằng khá nhiều mỹ từ, nào là “người đi tiên phong” và “DN phải là nhạc trưởng”. Song phải thắng thắn mà nói, dù đã cố gắng nhưng ngoài một số chính sách chung chung để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) (như hỗ trợ về vốn, chính sách thuế khi nhập khẩu máy móc, thuế đất), nhìn chung chúng ta vẫn thiếu một chính sách thiết thực và thật sự sát sườn để hỗ trợ cho các “nhạc trưởng” và để họ tự bơi là chính.

Vì phải tự bươn chải nên nhiều DN ngại đầu tư vào nông nghiệp đã đành, một số khác dẫu không bỏ cuộc nhưng thành công là khá hiếm hoi. Ngoài một số mô hình quản lý NNCNC như: mô hình công nghệ của những DN là trang trại, nhà máy đóng gói, sơ chế, chế biến hoạt động độc lập, các mô hình trồng rau, hoa có công nghệ cao, một số nhà máy cấp đông, chế biến rau quả, chế biến lúa gạo xuất khẩu, nhà máy xử lý chiếu xạ, xử lý nhiệt trừ ruồi đục quả xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu kiểm dịch ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt hay như mô hình sản xuất phát triển chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần sữa TH true Milk có trụ sở đóng tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) mặc dù mới đi vào hoạt động đã khá thành công.

Tuy nhiên, con số ấy không nhiều. Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về phát triển NNCNC đến 2020 thì DN đóng một vai trò chủ đạo, nhưng thực tế hiện nay cho thấy số lượng DN tham gia vào lĩnh vực này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Luật Công nghệ cao, các DN công nghệ cao sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về lãi suất, ưu tiên vốn vay. Tuy nhiên, từ chính sách đến khâu thực hiện và các đối tượng thụ hưởng có được hưởng lợi hay không là một khoảng cách rất xa. Rất nhiều DN đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào. Vốn đầu tư cho sản xuất toàn do tiền cá nhân vì đi vay thì ngân hàng từ chối bởi đầu tư nông nghiệp rủi ro, đầu tư vùng khó khăn càng rủi ro hơn. Nếu khâu nào được vay, ngân hàng cũng đòi bằng lãi suất vay thương mại chứ không có ưu đãi. Hơn nữa, đầu tư nông nghiệp phải dài hơi nhưng vốn vay của ngân hàng ngắn hạn không thể sử dụng được. Nhà nước có chính sách để hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ vận chuyển, quảng bá các DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng mấy năm sau chính sách ra đời hỏi địa phương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, DN phải tự lo.

Đó là chưa nói, những cái “nôi” để ươm trồng, lót ổ cho các DN phát triển công nghệ cao cũng đang gặp những khó khăn rất lớn về kinh phí. Đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ là “thủ phủ” của NNCNC. Tuy nhiên, ghi nhận đến thời điểm hiện nay, hầu hết các dự án NNCNC này đang chậm tiến độ. Điển hình, dự án xây dựng Trung tâm Thủy sản TP Hồ Chí Minh mặc dù đã được UBND TP Hồ Chí Minh quyết định triển khai thực hiện từ tháng 2/2012 nhưng bước chuẩn bị giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngày 14/3 vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã phải tạm ứng ngân sách tám tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ và kêu gọi huy động nguồn vốn từ xã hội cho dự án này. Hiện có hàng chục dự án NNCNC cần nguồn vốn lớn đang được triển khai. Vì thế nếu không có kế hoạch phân bổ hợp lý và huy động thêm các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài thì nhiều dự án sẽ bị treo lại vì không có vốn.

Đương nhiên, hiện trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng có vẻ như “bài toán đầu tiên” là vấn đề nan giải nhất. Mà chừng nào chưa giải được bài toán này, con đường công nghệ hóa nông nghiệp ở Việt Nam xem ra còn xa lắm...

Khó khăn hơn là gần như đã trở thành mặc định trong suy nghĩ của doanh nghiệp Việt Nam: Việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm.