Đừng nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”

GS.,TS. Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

(Tài chính) Tính tổng chung trên cả nước, CPI năm 2013 tăng khoảng 6 % so với năm 2012 -mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Tuy nhiên, giá cả thị trường, thế giới nhất là xăng dầu cũng có thể biến động mạnh do bất ổn ở một số khu vực trên thế giới. Nếu điều hành cung tiền và tín dụng không khoa học, sát thực, sử dụng đầu tư công kém hiệu quả cũng sẽ gia tăng áp lực lạm phát đối với nước ta. Dưới đây là lược trích ý kiến của GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương về câu chuyện lạm phát ở nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có ý kiến cho rằng, với lạm phát, không cần làm gì, cứ trùm chăn đi ngủ thì nó cũng tự xuống vì trong bối cảnh “mùa đông” của nền kinh tế mấy năm qua, lấy gì cho nó tăng? Tôi không cho là như vậy. Năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng cao hơn 18% nhưng từ đó đến nay chúng ta luôn đảm bảo được mức năm sau thấp hơn năm trước, năm 2012 xuống còn 6,81% và dự kiến năm 2013 chỉ ở mức tăng khoảng hơn 6%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Tất nhiên, có ý kiến nói do tổng cầu yếu, nên lạm phát không tăng được. Điều đó cũng đúng nhưng xin lưu ý rằng, nếu không có một chính sách tốt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô và không có các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng hướng thì làm sao đạt được kết quả như vậy. Nhất là trong điều kiện Việt Nam phải chịu rất nhiều tác động về vấn đề lạm phát, ở nhiều hướng, cả chi phí đẩy, cả cầu kéo và đặc biệt là lạm phát kỳ vọng, thường khiến CPI tăng rất mạnh...

Chúng ta cũng biết tại một số thời điểm của năm 2012, 2013, do phải điều chỉnh một số dịch vụ công đang bị neo ở mức thấp nên đã tạo ra chi phí đẩy,... khiến lạm phát tăng cao nhưng Chính phủ đã điều phối rất nhanh và kịp thời nên chúng ta có được kết quả kiềm chế lạm phát tốt hơn.

Cũng đừng bao giờ nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn, do cải cách tiền lương chưa thực hiện được nhiều, chúng ta cũng đang tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá điện, than, dịch vụ công về y tế, giáo dục...

Giá cả thị trường, thế giới nhất là xăng dầu cũng có thể biến động mạnh do bất ổn ở một số khu vực trên thế giới. Nếu điều hành cung tiền và tín dụng không khoa học, sát thực, sử dụng đầu tư công kém hiệu quả cũng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Sức ép về lạm phát đối với chúng ta luôn là rất lớn. Vì thế, tôi mới thường dùng từ “kiềm chế” lạm phát, chứ lẽ ra, một cách tích cực hơn cả là chúng ta phải “kiểm soát” được lạm phát.