Giá thị trường thế giới và sự tác động tới thị trường Việt Nam năm 2014

ThS. Lưu Vũ Mai. Trần Ngọc Diệp

(Tài chính) Trong năm 2014, giá một số mặt hàng trên thế giới có xu hướng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu hạ giá bán sản phẩm, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Diễn biến giá thị trường thế giới năm 2013

Khái quát kinh tế thế giới năm 2013

Đến nay, đa số các báo cáo nghiên cứu kinh tế của các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới đều có chung nhận định kinh tế toàn cầu năm 2013 đang phục hồi tuy còn chậm. Cụ thể, gần đây nhất Tạp chí kinh tế EIU đưa ra dự báo, GDP toàn cầu tính theo ngang giá sức mua (PPP) đạt mức 2,8%, chủ yếu là do phục hồi tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển.

Triển vọng kinh tế tại khu vực Eurozone đang sáng sủa hơn, mặc dù xuất phát điểm tăng trưởng từ mức rất thấp. Liên minh tiền tệ này vừa thoát khỏi cuộc suy thoái trong quý II/2013 sau 6 quý liên tiếp suy giảm kinh tế. Hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp dẫn đầu tăng trưởng, nhưng các dấu hiệu khả quan cũng đến từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia. Điều này cho thấy sự phục hồi tăng trưởng cho dù chỉ mới ấm lên nhưng đang lan rộng. Năm 2013, tăng trưởng GDP của cả khu vực dự kiến chỉ đạt 0,5%.

Chương trình nới lỏng định lượng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (Fed) được tái triển khai từ giữa năm 2013 đã ngăn chặn suy giảm đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi. Trong mấy năm qua, động lực tăng trưởng tại các nước mới nổi có dấu hiệu suy giảm. Tốc độ tăng GDP của Trung Quốc đã chậm lại. Brazil chưa vượt qua những khó khăn trước đó, đã phải chịu thêm lạm phát tăng cao và sự quản lý yếu kém. Chính những khó khăn nội tại ở nhiều nước đang phát triển đã trì hoãn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tại các nước này.

Diễn biến giá thế giới một số mặt hàng cơ bản năm 2013

Thị trường hàng hóa toàn cầu yếu kém từ đầu năm 2013 phản ánh lo ngại sự suy giảm kinh tế tại Trung Quốc và nhu cầu yếu trên toàn cầu, do vậy nhìn chung giá cả các mặt hàng cơ bản trên toàn cầu năm 2013 có xu hướng giảm so với năm 2012.

Tuy nhiên, việc Fed tiếp tục Chương trình nới lỏng định lượng tài chính đã khiến cho xuất nhập khẩu hàng hóa có tính thanh khoản cao hơn. Giá vật tư công nghiệp khá ổn định trong các tháng cuối năm 2013, nhờ hy vọng nhu cầu tiêu dùng tăng khá hơn. Giá nông sản sẽ không tăng nhiều do nguồn cung dồi dào.

Dưới đây là những mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường Việt Nam và ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư trong nước.                   

DIỄN BIẾN GIÁ THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI MỘT SỐ MẶT HÀNG CƠ BẢN NĂM 2013

STT

Mặt hàng

Đơn vị

Giá bình quân  của 2013

Qúy III

T9

T10

T11

Năm 2013

I

Năng lượng

 

 

 

 

 

 

1

Than(Úc)

USD/tấn

77.3

77.6

79.4

82.3

85.0

2

Dầu thô, Brent

USD/thùng

110.1

111.6

109.5

108.1

-

3

Dầu thô, Mỹ

USD/thùng

105.8

106.2

100.5

93.9

-

4

Dầu thô, bình quân thế giới

USD/thùng

107.4

108.8

105.4

102.6

105.0

II

Nông sản

 

 

 

 

 

 

1

Cà phê, arabica

USD/kg

2.98

2.92

2.84

2.69

3.1

2

Cà phê, robusta

USD/kg

2.04

1.94

1.85

1.76

2.05

3

Chè, bình quân thế giới

USD/kg

2.9

2.75

2.8

2.77

2.8

4

Gạo, Thailan 5% tấm

USD/tấn

477.3

444

439

438

500.0

5

Gạo, Vietnam 5% tấm

USD/tấn

383.1

362.0

376.3

395.9

 

6

Đường

Cent/kg

38

38

41

39

39

7

Tôm

USD/kg

15.15

15.71

16.07

16.95

14.00

III

Nguyên liệu thô

 

 

 

 

 

 

1

Sợi Cotton A

USD/kg

2.02

1.99

1.97

1.87

2.00

2

Cao su, châu Á RSS3

USD/kg

2.59

2.64

2.53

2.49

2.8

IV

Kim loại quí

 

 

 

 

 

 

1

Vàng

USD/oz

1329

1349

1317

1276

1380

2

Bạc

USD/oz

21

23

22

21

22.5

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, tháng 11,12/2013

Dự báo tác động tới thị trường Việt Nam năm 2014

Triển vọng kinh tế toàn cầu 2014

Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định kinh tế toàn cầu sẽ quay lại đà tăng trưởng trong năm tới 2014, nhờ chính sách nới lỏng của các nước và biện pháp giảm thâm hụt ngân sách của Eurozone. Chính sách nới lỏng của các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu cũng nhận được những ý kiến trái chiều trong suốt năm 2013. Tại Mỹ, Anh và châu Âu, các cơ quan này phải nỗ lực cân bằng giữa hạ lãi suất để thúc đẩy kinh tế và ngăn chặn lạm phát.

Trong khi đó, theo quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới - Pimco, tăng trưởng tại châu Á năm 2013 sẽ thấp nhất kể từ 2009. Tuy nhiên, số liệu này sẽ tăng tốc trong năm 2014 do sự phục hồi của các thị trường phát triển, từ Mỹ đến châu Âu.

Theo khảo sát của Bloomberg, năm 2013, có 4 trên 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á, trừ Nhật Bản, đang tăng trưởng chậm trong năm thứ hai liên tiếp. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ cũng tăng với tốc độ chậm nhất kể từ 2008 trong năm 2013, theo công bố số liệu của Tổng cục Hải quan nước này. Các quốc gia châu Á đang phải vật lộn để tái cân bằng nền kinh tế, khi nhà đầu tư chuyển hướng sang các nước phát triển do dự đoán Fed giảm kích thích, đã có hơn 1,6 tỷ USD rút khỏi thị trường chứng khoán các nước này trong tuần đầu tháng 12/2013 (theo hãng cung cấp dữ liệu EPFR Global). Ấn Độ và Indonesia đang phải giải quyết thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai.

Trong khi đó, Trung Quốc nỗ lực giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm. Năm 2013, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tăng GDP 7,5% nhằm cải thiện chất lượng và hiệu suất tăng trưởng.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á đầu năm 2014, do hậu quả của bão Haiyan và bất ổn chính trị tại Thái Lan. Trong "Báo cáo bổ sung Triển vọng tăng trưởng châu Á", Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng 5,2% năm 2014, giảm 0,1% so với báo cáo tháng 10/2013. Dự báo cho nhóm nước đang phát triển tại châu Á được ADB giữ nguyên ở  mức 6,2% năm 2014.

Dự báo giá thế giới năm 2014 và tác động đến Việt Nam

                  DỰ BÁO GIÁ THẾ GIỚI MỘT SỐ MẶT HÀNG CƠ BẢN NĂM 2014

STT

Mặt hàng

Đơn vị

Giá dự báo (bình quân năm)

2013

2014

2015

I

Năng lượng

 

 

 

 

1

Than (Úc)

USD/tấn

85

88

90

2

Dầu thô, bình quân thế giới

USD/thùng

105

105.7

102

II

Nông sản

 

 

 

 

1

Cà phê, arabica

USD/kg

3.1

3.3

3.4

2

Cà phê, robusta

USD/kg

2.05

2.00

1,85

3

Chè,  bình quân thế giới

USD/kg

2.8

2.88

2.91

4

Gạo, Thailan 5% tấm

USD/tấn

500

490

480

5

Đường

Cent/kg

39

38.5

38.0

6

Tôm

USD/kg

14

13

12,50

III

Nguyên liệu thô

 

 

 

 

1

Sợi Cotton A

cent/kg

200

203

205

2

Cao su, châu Á

cent/kg

280

290

300

IV

Kim loại quí

 

 

 

 

1

Vàng

USD/oz

1380

1360

1350

2

Bạc

USD/oz

22.5

22.7

22.8

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, tháng 11,12/2013

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 của Việt Nam ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5,00%, quý II tăng 5,54%, quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng này được đánh giá là cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và phản ánh nền kinh tế nước ta có tín hiệu phục hồi.

Trong năm 2014 tới, Chính phủ đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,8%, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.

Trong năm 2014 giá thế giới một số mặt hàng quan trọng như xăng dầu, sợi cotton, kim loại cơ bản... tiếp tục có xu hướng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định chi phí nhập khẩu, dẫn tới ổn định chi phí sản xuất kinh doanh của các DN và nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cũng tạo điều kiện tốt để các DN có thể hạ giá bán sản phẩm, tăng tổng cầu, sức mua của xã hội, ổn định thị trường, giảm lạm phát và sức ép làm tăng chỉ số CPI.

Giá cả ổn định sẽ giúp cho đời sống người dân bớt khó khăn và cũng tạo cơ hội cho các chính sách điều hành của Chính phủ có dư địa để phát huy được mục tiêu đề ra như thực hiện lộ trình tăng giá điện, tăng viện phí, tăng tỷ giá… mà không gây "sốc" cho thị trường, làm tăng chỉ số CPI.

Giá thế giới một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như than, cà phê  arabica, chè, cao su, hạt điều… có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng tới là điều kiện thuận lợi cho các DN xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê robusta, tôm có xu hướng giảm nhẹ trong những tháng tới là điều kiện bất lợi cho các DN xuất khẩu và nền kinh tế, ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, trong khi nhập khẩu lại có khả năng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Như vậy, thâm hụt thương mại và ngoại tệ có xu hướng tăng và khó khăn hơn nếu các nguồn thu ngoại tệ khác không đủ bù đắp.